Dẻo thơm bánh dày vừng đen của người Tày'Phép màu' nhờ lòng kiên nhẫn 'Nghệ sỹ làng' phiêu cùng nhạc cụ dân tộcKỷ vật của người lính Điện BiênNgát hương làng hoa Lý NhânCơm lam của người DaoLương Long Vân và 'túi khôn' người Tày

Thông thường, bánh dày thường có nhân đỗ, lạc. Bột làm bánh dày thường là bột nghiền, nhưng người phụ nữ Tày lại làm bánh dày nhân vừng đen rất công phu và tỉ mỉ. Họ chọn gạo làm bánh phải là loại gạo nếp nương, hạt đều đem đãi sạch rồi cho vào đõ gỗ để xôi lên chừng 30 phút. Sau đó, khi những hạt gạo nếp vừa chín đều, dẻo, phụ nữ Tày cho vào cối sạch để giã nhuyễn.

Phụ nữ Tày thấy vui khi được giúp nhau giã bánh dày.

Phụ nữ Tày thấy vui khi được giúp nhau giã bánh dày.

Thời gian giã nhuyễn cũng phải mất gần 1 giờ đồng hồ. Công đoạn giã bánh đòi hỏi người phụ nữ Tày phải có sức khỏe, kiên nhẫn. Nhịp giã bánh phải đều tay. Những người phụ nữ Tày trong một gia đình thường giúp nhau giã bánh dày. Để có nhân vừng đen làm bánh dày, người phụ nữ Tày phải tra vừng trên nương từ tháng 3, 4 hàng năm và đến tận tháng 7, tháng 8 mới cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch, đem cất vào bình để dự trữ làm bánh dày. Hạt vừng đem rang trên lửa nhỏ, luôn phải đảo cho vừng vừa chín mà không cháy. Khi vừng chín, tỏa ra mùi thơm nhẹ thì bắt đầu mang giã nhỏ. Thế nhưng bánh dày có nhân thơm ngon không chỉ bởi hạt vừng mà còn bởi một nguyên liệu không thể thiếu đó chính là mật mía. Người phụ nữ Tày không trộn vừng đen với nước đường đã nấu để làm nhân bánh, bởi như thế nhân bánh sẽ mất đi mùi thơm mà dùng mật mía để hòa với vừng đen. Mía được dóc vỏ, đem ép lấy nước sau đó đem nấu cho đến khi quánh và sánh lại. Mật mía cũng được phụ nữ Tày dự trữ cẩn thận.

Lá chuối để gói bánh được lấy từ trên rừng sau đó đem hơ qua lửa cho lá chuối mềm, dai.

Các công đoạn chuẩn bị làm bánh dày nhân vừng đen.

Các công đoạn chuẩn bị làm bánh dày nhân vừng đen.

Theo bà Nguyễn Thị Nọa, tổ dân phố Khuôn Phươn, thị trấn Na Hang, người con gái Tày trước khi về nhà chồng phải “giắt lưng” bí quyết làm bánh dày nhân vừng đen. Bí quyết làm bánh dày nhân vừng đen được người phụ nữ Tày trao truyền cho con cháu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bánh dày nhân vừng đen thường được người phụ nữ Tày làm vào dịp lễ, tết.

Trong lễ cưới hỏi, dựng vợ gả chồng, bánh dày nhân vừng đen cũng là lễ vật không thể thiếu của nhà trai. Bà Nọa cho biết, trong lễ cưới hỏi của nhà trai, cùng với bánh chưng Tày, không thể thiếu bánh dày nhân vừng đen. Vì bánh dày nhân vừng đen trong lễ cưới thể hiện ước vọng về một hạnh phúc vẹn tròn, viên mãn. Người mẹ chồng cũng muốn gửi gắm tới con dâu về sự khéo léo trong gia đình thông qua những chiếc bánh dày nhân vừng đen dẻo thơm.

Bánh dày nhân vừng đen được cuốn vào lá chuối rừng càng làm tăng vị thơm của bánh.

Bánh dày nhân vừng đen được cuốn vào lá chuối rừng càng làm tăng vị thơm của bánh.

Bánh dày nhân vừng đen giờ còn là một loại ẩm thực độc đáo của người Tày được giới thiệu với khách du lịch. Chị Nguyễn Thị Nọa cho biết, mỗi ngày, chị được khách đặt từ 30 đến 40 cặp bánh, có lúc cao điểm vào mùa du lịch còn lên tới hàng trăm cặp bánh mỗi ngày. Năm 2019, cùng với bánh chim gâu của người Cao lan, xôi ngũ sắc của người Tày, bánh dày nhân vừng đen được huyện lựa chọn để giới thiệu trong Ngày Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội.

Ở nhiều nơi, do không có nhiều thời gian nên bánh dày nhân vừng đen cũng được “biến tấu” đi ít nhiều, chẳng hạn như không còn giã bằng tay mà giã bằng máy, vừng đen được trộn với nước đường đã nấu sánh lại để làm nhân. Tuy nhiên, cách làm bánh dày truyền thống của người phụ nữ Tày xưa kia vẫn mang lại những chiếc bánh dẻo thơm nhất, không lẫn với bất kỳ loại nào.

Bài, ảnh: Thủy Châu
Thiết kế: Thanh Thủy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/media/e-magazine/deo-thom-banh-day-vung-den-cua-nguoi-tay-132738.html