ĐHĐ LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine

Khói bốc lên trong chiến dịch quân sự của Nga tại sân bay quân sự ở Chuguyev, gần Kharkiv. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày cuối cùng của phiên họp đặc biệt về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 2/3 đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine.

Nghị quyết nhận được 141 phiếu thuận trong tổng số 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc, đạt tỉ lệ đồng thuận 73%. Trung Quốc là một trong 35 quốc gia bỏ phiếu trắng và 5 nước bỏ phiếu chống gồm Eritrea, Triều Tiên, Syria, Belarus và Nga.

Nghị quyết được thông qua sau khi hơn 100 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã lên tiếng phát biểu quan điểm của mình trong 3 ngày diễn ra phiên họp đặc biệt.

Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc không mang tính ràng buộc thực thi, song có sức mạnh mang tính biểu tượng, thể hiện sự nhất trí của cộng đồng quốc tế trong việc kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các vấn đề xung đột.

Đây là phiên họp đặc biệt lần thứ 11 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc trong 77 năm thành lập và phát triển. Phiên họp được tổ chức theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an sau khi cơ quan này họp khẩn lần thứ tư hôm 27/2 vừa qua.

Nga và Ukraine dự kiến sẽ tiến hành vòng hòa đàm thứ hai ở Belovezhskaya Pushcha trên biên giới Belarus - Ba Lan vào ngày 3/3.

Hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời ông Vladimir Medinsky, Cố vấn Tổng thống Vladimir Putin kiêm trưởng đoàn đàm phán Nga, ngày 2/3 cho biết các vấn đề liên quan đến ngừng bắn và nhu cầu mở hành lang nhân đạo sẽ được thảo luận tại vòng đàm phán thứ hai với phía Ukraine.

Trả lời câu hỏi của báo giới về chương trình nghị sự của vòng đàm phán thứ hai - bao gồm các vấn đề liên quan đến lệnh ngừng bắn và hành lang nhân đạo, ông Medinsky nói: “Chúng tôi đã trao đổi về các quan điểm của chúng tôi trong cuộc gặp lần trước. Nga đã đưa ra một số sáng kiến liên quan đến một lệnh ngừng bắn ngay lập tức".

Ngoài ra, ông Medinsky xác nhận phái đoàn Nga đã đến địa điểm dự kiến sẽ diễn ra vòng đàm phán thứ hai giữa Moscow và Kiev. Phái đoàn Ukraine nhiều khả năng sẽ đến địa điểm trên vào sáng 3/3 (theo giờ địa phương). Trong khi đó, phía Ukraine cũng xác nhận phái đoàn của nước này “đang trên đường” tới địa điểm đàm phán.

Cũng trong ngày 2/3, Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã bày tỏ sự chia sẻ đối với người dân Ukraine, đồng thời kêu gọi các bên liên quan trong cuộc xung đột tìm ra một giải pháp hòa bình và nhanh chóng. Theo bà Iweala, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể gây tác động lớn đối với lĩnh vực thương mại, đặc biệt là thương mại nông sản và thực phẩm, và đẩy giá năng lượng tăng cao, qua đó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.

Trong khi đó, ngày 2/3, Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ có thể áp đặt trừng phạt ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của Nga và đang cân nhắc các tác động có thể xảy ra. Khi được hỏi liệu Washington và các đồng minh phương Tây có trừng phạt ngành năng lượng và khí đốt của Moscow hay không, bà Psaki cho biết khả năng này đang được xem xét. Washington đang cân nhắc các tác động tiềm tàng của lệnh trừng phạt đối với thị trường toàn cầu và giá năng lượng tại Mỹ.

Dù Mỹ đến nay chưa đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ Nga nhưng các giao dịch Mỹ bắt đầu dè chừng với hoạt động nhập khẩu mặt hàng này khiến các thị trường năng lượng bị gián đoạn. Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết Washington đang cân nhắc để các biện pháp trừng phạt gây sức ép tối đa với Nga nhưng gây tác động tối thiểu tới thị trường toàn cầu và với đời sống người dân Mỹ.

Theo dữ liệu được Liên Hợp Quốc công bố ngày 2/3, số người sơ tán để tránh xung đột tại Ukraine hiện là hơn 835.000 người. Cụ thể, theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), số người sơ tán qua các đường biên giới của Ukraine là 835.928 người, tăng so với mức 677.000 được công bố trước đó 1 ngày.

Theo tổ chức này, hơn 50% số người sơ tán kể trên di chuyển về hướng Tây để sang Ba Lan, tiếp đó là các nước gồm Hungary, Slovakia, Moldova, Nga, Romania và Belarus cùng với một số nước Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, có khoảng 96.000 người sơ tán từ Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DRP) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LRP) tự xưng ở miền Đông Ukraine sang Nga.

UNHCR ước tính số người cần hỗ trợ trong xung đột Ukraine có thể lên hơn 4 triệu người. Một ngày trước đó, Liên Hợp Quốc kêu gọi 1,7 tỉ USD để hỗ trợ khẩn cấp cho những người sơ tán tránh xung đột.

Cũng trong ngày 2/3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết nước này sẵn sàng tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine, ưu tiên những người có bạn hoặc người thân ở Nhật Bản. Tuyên bố này được Thủ tướng Kishida đưa ra trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ba Lan Mateusz Morawiecki.

Trong một cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Thủ tướng Kishida khẳng định Tokyo sẽ hợp tác chặt chẽ với Berlin trong phản ứng với cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay của Ukraine.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/271543/dhd-lhq-thong-qua-nghi-quyet-keu-goi-nga-rut-quan-khoi-ukraine.html