'Đi chợ' đồ rừng

Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, cũng là lúc các loài động vật 'thức dậy' kiếm ăn sau một kỳ 'ngủ dài' để lấp đầy cái bụng trống rỗng, để kết đôi, tìm kiếm bạn tình cho một mùa sinh sôi nảy nở. Và đây cũng là mùa đặc biệt nguy hiểm đối với động vật hoang dã, khi ngoài kia, cánh thợ săn, dân buôn đang chuẩn bị đầy đủ 'hàng nóng' cho mùa đặt bẫy săn bắt.

“Chợ” đồ rừng, bẫy nào cũng có

Trên “chợ đồ rừng” online, có muôn vàn các loại bẫy, chủng loại và độ sát thương đa dạng. Phổ biến nhất là bẫy kẹp với răng cưa sắc nhọn, bẫy dây, bẫy lưới, thòng lọng... được gia công cơ khí công phu và gây sát thương nặng nề cho cả thú rừng, lẫn nhân viên bảo vệ rừng hoặc người dân.

“Ngay thú khỏe mạnh như bò rừng, heo, nai cũng không thoát khỏi vì loại bẫy cạm kiềng này quá lợi hại. Nếu anh nào săn heo rừng, nai hoặc bò rừng thì dùng loại cạm kiềng dài 22 cm trở lên, loại này có độ sát thương cao nhưng sẽ nguy hiểm cho con người khi giẫm phải. Một loại khác chủ kênh cũng đang bán, được nhiều người ưa dùng là bẫy lò xo Nhật Bản, phiên bản mới nhất năm 2025. Loại này được làm bằng inox, gồm một đế bằng, một lò xo và một dây cáp dài khoảng gần 2m, đảm bảo thú nặng trên 100 kg không thể thoát”, đó là lời quảng cáo chi tiết về loại bẫy thú được tài khoản Lê Nguyên rao trên nhóm “thú rừng phương Nam”.

Cơ quan chức năng bắt nhóm đối tượng mua súng săn trên mạng.

Cơ quan chức năng bắt nhóm đối tượng mua súng săn trên mạng.

Bớt nguy hiểm với người hơn là các loại bẫy thòng lọng, bẫy này thì con gì đi qua cũng dính, từ chuột, cheo cheo, chồn, kỳ đà... Trên cửa hàng của tài khoản Misa Trần giới thiệu chủ yếu 2 loại bẫy là thòng lọng và bẫy lồng có giá lần lượt 150.000/bẫy thòng lọng, 250.000/bẫy lồng. Chủ nhân quảng cáo: “Loại thòng lọng dây nhôm này cửa hàng tự thiết kế cho đủ loại thú, từ 100 kg cho heo rừng, nai, loại nhỏ hơn dành cho cheo cheo, chồn, cáo... rất tiện lợi với anh em đi rừng. Hàng này đảm bảo không gây hại cho con người”.

Với loại bẫy lồng, cửa hàng của Misa Trần bán số lượng lớn cho đại lý và các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ thú rừng như rắn, kỳ nhông, các loại chim. “Bẫy lồng làm bằng nhôm dẻo, có chế độ đàn hồi bên trong. Khi thú rừng sập bẫy, chúng sẽ vẫy vùng và tìm cách bỏ chạy thì các thanh nhôm nhỏ sẽ dãn ra để không làm chúng trầy xước, chảy máu dẫn đến giảm giá thành sản phẩm. Loại này cũng có thể dành cho anh em muốn nuôi nhốt con mồi trong thời gian dài”, Misa Trần giải thích.

Trong các phương thức săn bắt thú rừng thì bẫy cạm là loài bẫy mạnh và nguy hiểm nhất. Loại bẫy này được các thợ rèn chế tác với 2 miếng thép có một hàm răng lược đan vào nhau và 2 lò xo cực mạnh nhằm giữ chặt chân con thú khi bẫy sập xuống. Đây là loại bẫy chuyên để săn các loài thú lớn và thường được cài theo các lối mòn, nơi các con thú thường ngang qua.

Khi đã chui vào cạm thì hiếm con nào có cơ hội thoát thân vì những ma trận dài đến hàng chục mét với vài chục nút thắt. Quả là một hình thức hủy diệt chỉ có con người mới có thể nghĩ ra chiêu thức này.

Bẫy cạm là loại có tính sát thương cao, được bán nhiều trên các hội nhóm kín.

Bẫy cạm là loại có tính sát thương cao, được bán nhiều trên các hội nhóm kín.

Trong nhóm “thú vui miệt rừng”, tài khoản Kity, chủ shop bán bẫy thú đã không tiếc lời quảng bá về mặt hàng mình đang bán cho anh em thợ rừng. Thỉnh thoảng, sau mỗi bài đăng, tài khoản Kity lại tung lên clip hướng dẫn dân đi rừng cách sử dụng bẫy: “Khi cài bẫy, anh em nhớ ngụy trang khéo léo bằng cách phủ lên trên một lớp lá khô để tránh phát hiện của con mồi. Lưu ý, anh em nên dùng mồi thịt vài ngày cho bốc mùi để lan tỏa được xa. Bên mình có bán cả mồi khô cho anh em nào phải ở lại rừng vài ngày”, chủ kênh Kity hướng dẫn cách cài bẫy thú rừng và không quên quảng cáo mặt hàng mình đang bán.

Theo thợ rừng, mùa giăng bẫy thường kéo dài từ mùa mưa (vào tháng 6 âm lịch) cho đến hết tháng Giêng hằng năm. Khi trời lạnh, thú rừng thường chui hang hoặc ẩn mình trong tầng cây rậm rạp cho đến mùa mưa năm sau mới xuất hiện nhiều. Trung bình mỗi thợ rừng phải cần đến vài chục đến hàng trăm chiếc bẫy cho một mùa “ăn rừng” suốt nhiều tháng mùa mưa, nên nhu cầu sử dụng bẫy thú rất hiếm khi chìm lắng. Vì thế, các chủ sản xuất bẫy thú phải luôn tay chế tác để đảm bảo nguồn cung, cầu không bị gián đoạn.

Ngoài mùa săn chính của cánh thợ rừng chuyên nghiệp, thì những mùa khác trong năm, thợ săn không chuyên vẫn hoạt động đều đều nên việc mua bán bẫy thú chưa bao giờ ế hàng. Đáng báo động, ngay tại TP Hồ Chí Minh, dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, người dân vẫn chứng kiến những chiếc bẫy chim treo trên cây xanh, kèm máy phát âm thanh dụ chim. Mỗi con chim sẻ còn sống bị mắc bẫy được người bẫy gỡ ra và bán ngay tại chỗ với giá từ 10.000-30.000 đồng/con.

Ông Trần Công Minh (75 tuổi, ngụ phường Gia Định, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Ngày nào tôi cũng đi tập thể dục ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ở đây chim sẻ rất nhiều do được thả ra từ các chùa phóng sinh nhưng chúng đã không gặp may khi lại bị nhóm thợ săn chim giăng bẫy. Họ dùng cây sào dài đưa chiếc lồng bẫy treo trên tán cây, bên trong nhốt 2 chú chim làm mồi dụ. Khoảng vài tiếng sau, những chiếc lồng đầy chim, họ sẽ thu hoạch và lại tiếp tục treo bẫy nhử chim về”.

Theo người dân khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cảnh bẫy chim giữa ban ngày ở đây không hề xa lạ. Những tán cây xanh dọc bờ kênh luôn có hàng chục lồng bẫy, tiếng chim đập cánh vẫy vùng cố thoát khỏi lồng nghe rất xót xa.

Người dân và kiểm lâm thả thú rừng trở lại thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Người dân và kiểm lâm thả thú rừng trở lại thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Tội ác với động vật hoang dã

Trên chợ đồ rừng, ngoài những bẫy quen thuộc làm bằng thép kiên cố và vững chắc, các chủ kênh còn rao bán linh kiện chế tạo súng săn. Chỉ cần bỏ ra từ 200.000-300.000 đồng là có thể mua được trọn bộ linh kiện như: ống nhựa, thanh inox, dây điện, keo dán... và mất khoảng vài giờ đồng hồ là có thể chế tạo thành công khẩu súng săn bắn thú rừng có tính sát thương cao. Trong lời rao bán, các chủ kênh còn quay lại video hướng dẫn cách làm cũng như chi tiết cách sử dụng. Hầu hết việc rao bán súng và linh kiện chế tạo súng săn đều hoạt động trong nhóm kín và được ngụy trang trá hình nhằm qua mắt cơ quan kiểm tra. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, cũng như các “tín hiệu” của dân trong nghề, thợ rừng và người bán vẫn dễ dàng tìm thấy nhau và việc mua bán “vũ khí săn bắt” đơn giản như mớ rau, con cá ngoài chợ.

Cuối tháng 6 vừa qua, Công an tỉnh Sơn La đã tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Hữu Định, Nguyễn Văn Thụ (cùng 27 tuổi), Hoàng Minh Lộc (34 tuổi, cùng trú tại TP Hà Nội) về hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng.

Lực lượng chức năng đã thu giữ tang vật gồm 16 súng nén hơi, 12 điện thoại di động, 2 máy cắt CNC (máy gia công vật liệu) dùng chế tạo phụ kiện của súng nén hơi, hàng trăm dao, kiếm cùng nhiều vật chứng liên quan. Tại Cơ quan công an, các nghi phạm khai nhận, đầu năm 2022, cùng nhau bàn bạc mua linh kiện súng nén hơi về lắp ráp, bán lẻ cho khách hàng có nhu cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Để thực hiện việc bán súng, nhóm này đã tạo tài khoản trên kênh YouTube, quảng cáo, tìm nguồn linh kiện, phụ kiện súng tại các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, TikTok... Đồng thời, đặt gia công một số linh kiện, phụ kiện súng rồi quay video để đăng lên kênh YouTube bán sản phẩm cho khách hàng qua mạng xã hội. Việc vận chuyển sẽ qua hệ thống giao hàng nhanh. Súng săn được bán cho nhiều người tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Trước đó, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện 2 nhóm gồm 7 người thường xuyên mang súng vào rừng tại xã Tam Giang (tỉnh Đắk Lắk) để săn bắn động vật hoang dã. Bước đầu nhóm người này khai nhận đã mua các linh kiện súng trên mạng, sau đó tự lắp ráp thành súng để đi săn, mỗi khẩu có giá từ 6-8 triệu đồng.

Công an tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân: Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, các loại súng bắn đạn ghém không tự động, súng bắn đạn ghém, súng nén khí, nén hơi và các loại đạn tương ứng đều thuộc danh mục vũ khí quân dụng. Mọi hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng các loại súng này đều bị xử lý hình sự.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature).

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature).

Theo luật sư Nguyễn Thị Nga (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), việc đặt bẫy động vật hoang dã là hành vi rất nhẫn tâm, bởi đặc điểm của loại bẫy thú là khi đã mắc bẫy càng giãy giụa bao nhiêu thì dây thép và các răng cưa của công cụ săn bắt sẽ càng siết chặt con thú bấy nhiêu. Vì thế, có nhiều loài khi phát hiện mắc bẫy thì đã bị chết. Mặt khác, bẫy, bắn động vật hoang dã không chỉ làm mất cân bằng sinh thái mà hệ lụy của việc dùng bẫy rất nguy hiểm cho những cơ quan chức năng bảo vệ rừng. Không chỉ thế, dùng súng tự chế nguy hiểm cho những người xung quanh khi có xích mích xảy ra, hay những kẻ đi săn tự bắn vào nhau.

Vì vậy, việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng súng tự chế là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội với mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Tại Điều 306, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định xử lý hình sự đối với tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thể thao... có thể bị phạt tù tùy vào tính chất mức độ phạm tội.

Đồng quan điểm trên, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phân tích thêm: “Hàng triệu chiếc bẫy vẫn đang âm thầm giăng khắp các cánh rừng, từ vùng đệm các khu bảo tồn đến rừng sâu ít người qua lại. Dù lực lượng kiểm lâm và tình nguyện viên đã nỗ lực tháo gỡ nhưng tình trạng này chưa giảm vì có những trường hợp không bị xử lý đến nơi đến chốn. Nguyên nhân chính là do pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ ràng để xử phạt hành vi mang theo hoặc đặt bẫy trong rừng nếu chưa bắt được động vật.

Khi kiểm lâm phát hiện bẫy nhưng không bắt quả tang người vi phạm hoặc không có tang vật là cá thể bị bắt thì rất khó xử lý. Điều này khiến nỗ lực tháo gỡ như “vét nước khỏi thuyền thủng”. Để khắc phục khoảng trống pháp lý, cần sớm bổ sung hành vi “mang, đặt, sở hữu công cụ săn bắt trong rừng” vào nhóm vi phạm có thể xử phạt hành chính, tương tự như xử lý hành vi mang theo hung khí nguy hiểm. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc kiểm soát các đối tượng tái phạm, có tiền sử săn bắt, đặt bẫy hoặc buôn bán động vật hoang dã.

Ngọc Thiện

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/di-cho-do-rung-i775407/