Đi họp phụ huynh

Năm ngoái

Con trai học lớp 5, mẹ con tôi còn trú ở xóm núi.

Một buổi sáng đầu năm học, tôi đến trường, không phải với tư cách của một cô giáo mà là một bà mẹ, tôi đi họp phụ huynh cho con.

Sau khi hiệu trưởng nhà trường thông qua kết quả đào tạo năm trước, phương hướng kế hoạch năm nay và các khoản đóng góp thì hỏi: Có quý bậc phụ huynh nào ý kiến không ạ?

Một cánh tay giơ lên. Đó là chị Hồng ở thôn Hà Giang. Tôi biết chị này. Nhà chị nghèo, chồng mất sớm, một nách hai con, làm thuê cuốc mướn… Chị ngồi lọt thỏm trong nhóm phụ huynh của lớp 5A, những người có cuộc sống sung túc với những bộ quần áo óng dẹt nhưng chỉ ý kiến đề nghị giảm bớt những khoản đóng góp. Thấy chị Hồng giơ tay, mọi con mắt đổ dồn về phía chị. Chị đứng dậy, bộ đồ cũ nhếch nhác, ai cũng nghĩ chắc lại ý kiến đòi bỏ bớt hoặc giảm xuống một khoản đóng góp nào đó nhưng không, chị nói:

- Tôi có ý kiến là: Tôi thấy phân trường tiểu học thôn Hà Giang nắng quá. Ngôi trường trẻ con học mà sân trường không có một cây xanh nào. Mỗi ngày đi làm về, tôi thấy nắng lè họng mà tụi nhỏ vẫn đùa giỡn, nhảy nhót ngoài nắng, thấy thương quá. Tôi có ý kiến thế này, nhà tôi có cây xanh cao, cành rễ sum suê, bóng rất rộng. Tôi xin được đóng góp cây xanh này cho phân trường Hà Giang, nhà trường hãy thu xếp đem cây này về trồng để các em có chỗ vui chơi.

Tôi ngồi nhìn chị chăm chú, ban đầu là ánh mắt tò mò rồi sau đó là ngấm ngầm “ngưỡng mộ”. Phụ huynh nào cũng muốn con mình có nơi để học để chơi an toàn, sạch sẽ. Đóng góp của chị cho trường là bóng mát của một cây xanh nhiều tuổi. Thiết nghĩ, việc làm của chị, đó chẳng phải một bài học về trách nhiệm đối với “sự nghiệp trồng người” hay sao? Tôi mỉm cười và vỗ tay đôm đốp sau ý kiến của chị.

Năm nay

Mẹ con tôi chuyển chỗ ở, năm học này, con trai khai giảng ở một ngôi trường hoàn toàn mới. Tôi lo nhiều lắm, dù gì học ở ngôi trường mẹ làm cô giáo, con làm học trò - tâm lý làm mẹ vẫn an tâm hơn.

May quá, năm nay tôi không làm giáo viên chủ nhiệm nên lịch họp phụ huynh dù ngẫu nhiên trùng giữa hai trường (mẹ và con) thì tôi vẫn đi họp phụ huynh được. Trường mới của con ở một thị xã, sĩ số học sinh đông nên mỗi lớp tự tổ chức họp phụ huynh.

Bước vào lớp, gửi lại cô giáo chủ nhiệm tờ giấy mời họp, cô giáo liền xin số điện thoại (nếu đã xin trước học sinh rồi thì xác minh). Trước khi bắt đầu cuộc họp, cô giải thích cần số điện thoại để tiện lợi trong việc phối hợp với gia đình trong việc giáo dục các em. Cô tha thiết rằng: Không phải một lỗi lầm nhỏ nào của học sinh, giáo viên cũng điện nhưng sẽ có những việc mà một mình giáo viên đơn phương giải quyết sẽ không hiệu quả bằng việc phối hợp với gia đình nên rất mong phụ huynh, khi thấy số điện thoại của cô giáo gọi tới thì hãy thu xếp để bắt máy. Cô tâm sự có rất nhiều lần (những năm trước) phụ huynh bỏ qua, không nghe điện thoại của cô giáo vì sợ bị “mắng vốn”. Sau khi cô nói xong, tất cả các phụ huynh đều đồng ý và tán dương phương pháp của cô.

Tôi cũng vậy, cảm thấy rất mừng.

*

Nghĩ tới cuộc họp phụ huynh xóm núi, bố mẹ quan tâm đến môi trường học tập cho các em. Nghĩ tới cuộc họp năm nay, giáo viên đề cao quan niệm “tiên học lễ hậu học văn” nên cố gắng kết nối với gia đình học sinh. Một người có con đến trường, tôi có quyền hy vọng về tương lai “thành người” của con mình.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/229841/di-hop-phu-huynh.html