'Di sản 3 không' sau 12 năm cầm quyền của cựu Thủ tướng Israel Netanyahu

Ngày 13/6, Quốc hội Israel đã phê chuẩn chính phủ liên minh mới của nước này, qua đó chấm dứt 12 năm nắm quyền của ông Benjamin Netanyahu trên cương vị Thủ tướng.

Ông Benjamin Netanyahu trong cuộc họp báo ở Jerusalem ngày 11/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Benjamin Netanyahu trong cuộc họp báo ở Jerusalem ngày 11/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự nghiệp chính trị của vị Thủ tướng theo đường hướng cánh hữu triệt để

Ông Netanyahu sinh năm 1949 tại Jaffa, nhưng lớn lên ở Jerusalem trước khi sang Mỹ học trung học. Ông có mẹ là bà Tzila Segal, người Do Thái gốc Israel. Bố của ông là Benzion Netanyahu, một người Do Thái gốc Ba Lan. Ông Benzion là một trong những lớp người đầu tiên của Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái – lực lượng tin rằng Israel có thể tồn tại bên hai bờ sông Jordan và không thỏa hiệp với các nước Arab láng giềng.

Năm 1967, ông Benjamin Netanyahu gia nhập quân đội Israel và nhanh chóng trở thành một lính đặc nhiệm, từng giữ cấp hàm đại úy trong cuộc chiến tranh Israel-Arab hồi năm 1973. Năm 1982, ông được bổ nhiệm làm Phó Đại sứ Israel tại Mỹ và đến năm 1984 đảm nhận cương vị Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Israel tại Liên hiệp quốc.

Năm 1988, ông Netanyahu được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao trong nội các của Thủ tướng Yitzhak Shamir, sau đó lên làm Chủ tịch đảng Likud theo đường lối cánh hữu vào năm 1993. Từ đây, Benjamin Netanyahu chèo lái và đưa Likud quay trở lại vũ đài quyền lực sau thất bại tại kỳ bầu cử năm 1992.

Ông đảm nhận nhiều cương vị khác nhau ở Bộ Ngoại giao Israel cho đến khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1996. Nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên của ông kéo dài đến năm 1999. Sau đó, ông cũng chiến thắng trong bốn kỳ bầu cử khác, lần lượt trong các năm 2009, 2013 và 2015. Benjamin Netanyahu mất vị trị Chủ tịch đảng Likud vào tay ông Ariel Sharon, nhưng sau đó lại phục chức khi ông Sharon rời Likud để thành lập đảng mới Kadima vào năm 2005.

Chính sách ‘3 không’ và quan điểm cứng rắn với Iran

Di sản nổi bật trong 12 năm cầm quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là chính sách ‘3 không’: Không Nhà nước Palestine, không trả lại Cao nguyên Golan cho Syria và không thảo luận về quy chế tương lai của Jerusalem.

Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett (giữa) trong cuộc họp nội các đầu tiên của Chính phủ mới tại Jerusalem, ngày 13/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett (giữa) trong cuộc họp nội các đầu tiên của Chính phủ mới tại Jerusalem, ngày 13/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Phản đối hầu hết các thỏa thuận hòa bình với Palestine, nhưng ông Netanyahu cũng từng ký Hiệp ước Sông Wye (The Wye River Accords) vào năm 1998 với nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat, người lúc đó là Tổng thống Chính quyền Dân tộc Palestine. Nhưng Benjamin Netanyahu cũng từng quyết định từ chức Ngoại trưởng Israel vào năm 2005 để phản đối kế hoạch của ông Sharon rút quân khỏi Gaza và trao trả vùng đất này cho người Palestine.

Với vấn đề Jerusalem, ông Benjamin Netanyahu là người quyết liệt mở rộng các khu định cư Do Thái. “Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các khu định cư ở Jerusalem và ở mọi vùng trên bản đồ lợi ích chiến lược của Israel”, ông Netanyahu từng tuyên bố. Ông là người được hưởng lợi từ điều chỉnh chính sách của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, với việc Washington năm 2018 chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và bắt đầu tiến trình chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây. Ông Benjamin Netanyahu gọi đây là “ngày lịch sử” đối với Israel.

Trong thời gian ông Netanyahu nắm quyền Thủ tướng, quan hệ Israel-Iran luôn ở trạng thái đối đầu, căng thẳng. Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông từng tuyên bố trước Quốc hội Mỹ rằng “đã hết thời gian” để đạt thỏa thuận với Iran. Ông luôn quan niệm Iran là “mối đe dọa hiển hiện” với Israel và không ngần ngại đe dọa đơn phương hành động quân sự chống Tehran. “Một khi tôi còn làm Thủ tướng, Iran sẽ không có được bom hạt nhân. Nếu không có cách nào khác, Israel sẵn sàng hành động vũ lực”, ông Netanyahu phát biểu hồi năm 2013.

Những tháng nắm quyền cuối cùng, Benjamin Netanyahu ghi được dấu ấn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Sau thời gian đầu có phần lúng túng, bế tắc, Israel đã tìm được lối thoát khi thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc và thành công, từng bước vượt qua thách thức dịch bệnh. Tính đến thời điểm này, hơn 50% dân số Israel đã được tiêm ngừa và Israel được thế giới đánh giá cao trong triển khai chiến lược vaccine phòng COVID-19.

Điểm “gợn” trong 12 nắm quyền của ông Nytanyahu là bê bối tham nhũng. Cá nhân ông bị luận tội về tội danh này vào năm 2019, liên quan đến nhiều vụ việc, từ nhận quà của bạn bè là giới tỉ phú cho đến những cáo buộc cho rằng ông tìm cách tác động để đưa ra các quy định hay luật theo hướng có lợi cho các tài phiệt truyền thông, đổi lại số này sẽ tạo dựng hình ảnh có lợi cho Benjamin Netanyahu.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Aljazeera)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/di-san-3-khong-sau-12-nam-cam-quyen-cua-cuu-thu-tuong-israel-netanyahu-20210614144122018.htm