Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo

Tây Sơn Thượng đạo là một tuyến hành lang quân sự - hậu cần mang tính chiến lược trong lịch sử dân tộc Việt Nam, gắn bó mật thiết với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo (thuộc phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) không chỉ là huyết mạch chiến lược giữa đại ngàn Tây Nguyên mà còn là nơi hun đúc, ẩn chứa bao bước chân binh sĩ, bao mưu đồ quân sự của anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Huyết mạch chiến lược giữa đại ngàn Tây Nguyên

Lịch sử của di tích Tây Sơn Thượng đạo gắn liền với sự hình thành và phát triển của phong trào Tây Sơn, phản ánh một giai đoạn lịch sử đầy biến động nhưng cũng rực rỡ hào khí trong công cuộc thống nhất đất nước, lật đổ các thế lực phong kiến mục ruỗng, đẩy lùi giặc ngoại xâm.

Trước khi gắn với tên gọi “Tây Sơn Thượng đạo”, tuyến đường này vốn là các đường mòn giao thương, trao đổi giữa cư dân người Kinh ở vùng duyên hải Bình Định và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như Ba Na, Xơ Đăng, Jarai. Nó tồn tại dưới dạng những lối mòn xuyên rừng, theo các thung lũng sông suối hoặc sườn núi, hình thành qua hàng trăm năm bởi nhu cầu di cư, buôn bán, giao lưu văn hóa giữa cao nguyên và đồng bằng. Trong bối cảnh xã hội Đại Việt vào giữa thế kỷ XVIII đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng do triều đình Lê - Trịnh suy yếu, nạn tham quan, cường hào hoành hành, đời sống nhân dân cơ cực, vùng Tây Sơn – Bình Định trở thành nơi ươm mầm cho một phong trào khởi nghĩa quy mô lớn với mục tiêu lật đổ trật tự phong kiến cũ.

 Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt ở Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Saco Travel.

Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt ở Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Saco Travel.

Khi khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ vào năm 1771, địa hình miền Trung, đặc biệt là khu vực rừng núi phía Tây Bình Định giáp Tây Nguyên trở thành lợi thế về chiến thuật. Trong thời kỳ đầu, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Nhạc đã tận dụng mạng lưới đường mòn sẵn có để xây dựng các căn cứ dã chiến, vận chuyển lương thực, vũ khí và cơ động lực lượng. Các tuyến đường từ An Khê – Kbang (nay thuộc tỉnh Gia Lai) về Bình Khê, Phù Cát (Bình Định) trở thành những “huyết mạch” nối hậu phương và tiền tuyến. Từ Tây Sơn Thượng đạo, quân Tây Sơn có thể bất ngờ tiến xuống đồng bằng đánh chiếm Quy Nhơn, rồi từ đó mở rộng địa bàn khởi nghĩa về phía Nam (Gia Định), phía Bắc (Thuận Hóa – Phú Xuân), và xa hơn nữa là ra tận Thăng Long.

Đặc biệt, vùng An Khê – Kbang được sử sách và truyền khẩu xem như “đại bản doanh thượng đạo” của nghĩa quân. Nơi đây không chỉ có vị trí hiểm yếu dễ phòng thủ, mà còn là trung tâm tổ chức quân đội, rèn đúc vũ khí, tích trữ lương thực. Các truyền thuyết địa phương kể lại rằng nhiều đèo dốc, dòng suối và ngọn núi trong khu vực từng là nơi đặt trạm tiền tiêu, trại luyện binh hoặc các đồn canh giữ kho lương của quân Tây Sơn. Tây Sơn Thượng đạo cũng là con đường mà Nguyễn Huệ từng hành quân thần tốc từ Tây Nguyên vượt qua đèo An Khê, tiến thẳng về Phú Xuân để đánh tan quân Trịnh, mở đầu cho cuộc giải phóng đất nước mang tầm vóc thời đại.

Trong giai đoạn phát triển cực thịnh của phong trào Tây Sơn, tuyến Thượng đạo không chỉ là đường vận chuyển chiến lược mà còn là nơi “trú đông”, hậu phương huấn luyện lực lượng. Mỗi khi triều đình Tây Sơn gặp khó khăn ở đồng bằng, những khu rừng sâu thẳm ở Tây Nguyên lại trở thành nơi tái tổ chức, củng cố thế lực, chờ thời cơ phản công.

Phát huy hào khí Tây Sơn

Ngày nay, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo gồm 23 điểm, 8 cụm di tích phân bố trên địa bàn 4 huyện, thị xã gồm: An Khê, Đak Pơ, Kbang và Kông Chro. Trong đó, địa điểm tham quan nổi bật là Khu di tích Tây Sơn thượng đạo ở thị xã An Khê. Tọa lạc tại nơi từng là một trong những căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn, khu di tích này có các hạng mục chính gồm đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo, tượng vua Quang Trung - Nguyễn Huệ và An Khê Trường.

 Tượng đài vua Quang Trung – Nguyễn Huệ ở Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Giáo dục & Thời đại.

Tượng đài vua Quang Trung – Nguyễn Huệ ở Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Giáo dục & Thời đại.

Vào những ngày mồng 4 và mùng 5 tết Âm lịch hằng năm, khu di tích Tây Sơn thượng đạo ở An Khê là nơi tổ chức lễ hội cầu Huê để tưởng nhớ về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Lễ hội gồm hai phần chính là phần lễ với các nghi thức trang trọng theo phong tục xưa cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và phần hội là các hoạt động văn hóa truyền thống như trình diễn võ cổ truyền tây Sơn, diễn cồng chiêng, đấu võ đài, chơi các trò chơi dân gian…

Theo các nhà nghiên cứu, việc làm sáng rõ những giá trị của di tích Tây Sơn Thượng đạo không chỉ tô đậm dấu son chói lọi của phong trào Tây Sơn mà còn đem lại những bằng chứng khoa học về quá trình di dân, định cư, lịch sử khai hoang, giao thương, tạo dựng làng xã của người Kinh, người Thượng, tín ngưỡng thờ tự thần linh gắn với hệ thống đình miếu phong phú trên vùng thượng đạo.

Vào năm 1991, di tích Tây Sơn Thượng đạo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến năm 2021, địa điểm này được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.

Bộ VH,TT&DL vừa có công văn gửi UBND tỉnh Gia Lai về thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật bảo tồn, tôn tạo Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Theo đó, Bộ VH,TT&DL lưu ý, khu vực cải tạo nền sân An Khê Trường có diện tích rộng, tuy nhiên phương án cải tạo không có quy định kỹ thuật về thoát nước, độ dốc bề mặt sân, do đó tiếp tục sẽ là nguyên nhân để sân di tích xuống cấp nhanh chóng sau khi được cải tạo.

Cần bảo quản, tái sử dụng tối đa gạch lát cũ còn khả năng sử dụng; bảo vệ hiện vật trưng bày nội thất Nhà trưng bày đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thi công; Bộ VH,TT&DL đề nghị trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, chủ đầu tư phải gửi nhật ký công trình và hồ sơ hoàn công về Cục Di sản văn hóa để lưu trữ và phục vụ công tác quản lý di tích.

Thanh Bình

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/di-tich-quoc-gia-dac-biet-tay-son-thuong-dao-post1552158.html