'Địa chỉ đỏ' đào tạo cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số

Một tiết mục văn nghệ trong lễ tổng kết năm học 2019-2020. Ảnh: CTV

Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên ra đời từ những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn ác liệt nhất và được tái lập năm 1991. Trường đã trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi ươm mầm, tạo nguồn cán bộ, đảng viên con em dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng qua các thời kỳ.

Ra đời trong lửa đạn chiến tranh

Cuối năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước sang giai đoạn vô cùng ác liệt. Tháng 12/1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 12, định ra nhiệm vụ chủ trương, phương châm chiến lược để lãnh đạo đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Quán triệt tinh thần Nghị quyết 12, Khu ủy đặt ra yêu cầu: “Khẩn trương hoàn thành xóa mù chữ, trước hết cho cán bộ, du kích, đảng viên và đoàn viên… Tích cực phát triển bổ túc văn hóa cấp 1 ở đồng bằng, miền núi, các cơ quan, đơn vị vũ trang. Duy trì bảo vệ trường lớp phổ thông trước hết là cấp 1, tích cực phát triển giáo dục dân tộc ở miền núi”. Ở Phú Yên, trong mùa khô 1965-1966, địch mở nhiều cuộc càn quét với mục tiêu “tìm diệt và bình định”, gây cho ta rất nhiều khó khăn về nhân lực, vật lực. Chúng dồn dân, lập ấp, tìm cách truy sát gắt gao, tách biệt nhân dân với căn cứ cách mạng. Để xây dựng miền núi thành căn cứ địa cách mạng phục vụ kháng chiến lâu dài, Tỉnh ủy Phú Yên đề ra phương châm “Dân bám đất, giáo dục bám dân, giáo viên bám trường lớp”.

Tháng 2/1966, Tỉnh ủy Phú Yên ra quyết định thành lập Trường Dân tộc nội trú dành cho con em người dân tộc, ông La Mô Đức (dân tộc Chăm, Phó Văn phòng Huyện ủy Miền Tây) làm hiệu trưởng. Trường được xây dựng ở buôn Tân Dú (nay là xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa), giáp ranh tỉnh Gia Lai.

“Địa chỉ đỏ” đào tạo cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số

Tháng 6/1967, trên cơ sở Trường Dân tộc nội trú tỉnh, Tỉnh ủy quyết định thành lập Trường Sư phạm miền núi Phú Yên, thầy Đào Thế Lữ làm hiệu trưởng và lớp học đầu tiên có 30 học sinh. Từ năm 1973-1975, thầy Nguyễn Thanh Sơn làm hiệu trưởng nhà trường. Vừa làm nhiệm vụ giáo dục vừa lao động sản xuất và chiến đấu, sau 5 năm trường đã đào tạo được gần 100 giáo viên, trong đó có nhiều giáo viên là người dân tộc miền núi. Trường còn là nguồn cung cấp nhiều học sinh miền Nam ra miền Bắc học tập trở thành cán bộ cấp tỉnh, huyện và lực lượng vũ trang sau này.

Trong Chiến dịch mùa xuân 1975, cùng với cả miền Nam, thầy và trò Trường Sư phạm miền núi Phú Yên dốc toàn lực tham gia phục vụ chiến đấu đến ngày thống nhất đất nước. Sau giải phóng, Trường Sư phạm miền núi Phú Yên chuyển thành Trường Thanh niên dân tộc nội trú Tân Lương (huyện Sơn Hòa), gọi là trường ba chức năng (sản xuất, học tập, sẵn sàng chiến đấu), dạy các em sinh cấp 2, với tổng số 120 em. Mùa hè 1974-1975, tất cả học sinh của trường cùng lên đường tham gia khai hoang, vỡ hóa, phục vụ sản xuất.

Ngày 3/11/1975, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh, học sinh của các trường nội trú dân tộc được đưa về Trường bổ túc Thanh niên công nông Nam Phú Khánh (Đồng Đế, Nha Trang) và Trường bổ túc văn hóa Thanh niên công nông Bắc Phú Khánh (Đông Tác) để được học hết chương trình cấp 2, 3. Ngày 1/7/1989 tái lập tỉnh Phú Yên, số học sinh dân tộc quê Phú Yên được đưa về học theo các lớp riêng tại Trường bổ túc Văn hóa tỉnh, các lớp này là tiền thân của Trường phổ thông Dân tộc nội trú hiện nay.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã đào tạo hàng ngàn cán bộ, đảng viên, giáo viên phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước. Tiêu biểu như các ông Y Thông, nguyên Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ; Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nay Y Blung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa; Lơ Mô Tu, Bí thư Huyện ủy Sông Hinh; Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh; bà H’Rin, Phó Chủ tịch HĐND huyện Sông Hinh; thượng tá Nay Y Thoan; trung tá Kpắ Tú, Nguyễn Việt Hùng, Ksor Y Ky… và nhiều cán bộ khác.

Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục

Sau 29 năm tái lập và phát triển, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc với hơn 2.000 học sinh theo học và tốt nghiệp. Tỉ lệ học sinh khá, giỏi từ 10%, đến nay luôn giữ mức trên 60%. Từ năm học 2011-2012 đến năm học 2018-2019, học sinh của trường đậu tốt nghiệp THPT đạt 94%, trên 70% học sinh đậu đại học, cao đẳng; hơn 20 em đạt các giải học sinh giỏi cấp tỉnh.

Cô Tô Thị Thu Hằng, Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: “Nhiều năm qua, trường đã giành được thành tích cao trong dạy và học. Học sinh của trường là con em người dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn hơn các trường khác, nhưng các em không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên”.

Năm học 2018-2019, trường có tỉ lệ đậu tốt nghiệp đạt 98,9%, đậu đại học đạt 86,6%. Nhiều em đạt điểm cao như Lê Mô Đỗ Nhân với 27 điểm, Triệu Thị Hồng 26,5 điểm. Cô Hằng cho biết thêm: “Yếu tố quan trọng nhất để nâng cao chất lượng giáo dục đó là trình độ chuyên môn vững vàng của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là phải có kinh nghiệm giáo dục con em đồng bào dân tộc thiểu số”. Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ trung tâm là dạy và học, nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đảng viên mới trong học sinh. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ 2017-2020, Chi bộ Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã kết nạp được 19 đảng viên mới là học sinh. Đây là nguồn cán bộ được ươm mầm từ rất sớm, hứa hẹn có những đóng góp cho đất nước và địa phương.

Thầy Lê Hồng Duy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc phát triển đảng viên mới từ học sinh người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ có ý nghĩa to lớn. Những năm qua, nhà trường đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ này vượt chỉ tiêu về số lượng, bảo đảm chất lượng…”.

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh không chỉ được học kiến thức văn hóa mà được sống trong môi trường tổ chức chặt chẽ, được rèn luyện kỹ năng sống, phương pháp xử lý, giải quyết các tình huống thông qua các hoạt động, phong trào. Trước khi về trường vốn đã được định hướng từ địa phương, lại thêm môi trường giáo dục tốt nên các em thêm kiên định, vững vàng.

Theo Hiệu trưởng Trần Duy Ngọc, hiện Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục, xứng đáng là “địa chỉ đỏ”, cái nôi đào tạo con em người dân tộc thành nguồn nhân lực cho tỉnh, nhất là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc. “Nhà trường tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để thực hiện phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động để thực hiện trên lớp và ngoài lớp học. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho các tổ tham gia thao giảng, thực hiện các giờ dạy tốt rút kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy mới, phương pháp ra đề trắc nghiệm dưới hình thức thảo luận tổ, nhóm. Mỗi cá nhân có ít nhất 2 tiết dạy được cả tổ dự giờ góp ý theo chuyên đề dạy học sử dụng phương pháp dạy học tích cực, lồng ghép tích hợp giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết pháp luật, tăng cường vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết thực tiễn cuộc sống...”, thầy Trần Duy Ngọc nói.

Hiện Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục, xứng đáng là “địa chỉ đỏ”, cái nôi đào tạo con em người dân tộc thành nguồn nhân lực cho tỉnh, nhất là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc.

Thầy Trần Duy Ngọc,

Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú

NGUYỄN BÁ THUYẾT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/242944/-dia-chi-do--dao-tao-can-bo-dang-vien-nguoi-dan-toc-thieu-so.html