Dịch COVID-19 đến 8 giờ ngày 23/11: Châu Âu đang là tâm dịch của thế giới

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 23/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 58.968.875 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.393.193 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 40.756.376 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 262.694 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm là 12.587.627 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 133.773 ca tử vong trong số 9.140.312 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 169.197 ca tử vong trong số 6.071.401 bệnh nhân.

Xét trên tỉ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 134 người không qua khỏi. Tiếp đến là Peru (với tỉ lệ 108 người), Tây Ban Nha - 91 người và Argentina - 82 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 16,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 369.100 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 433.800 ca tử vong trong hơn 12,4 triệu ca nhiễm.

Trong khi đó, Bắc Mỹ có hơn 267.300 ca tử vong trong hơn 12,4 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 187.600 ca tử vong trong hơn 11,8 triệu ca nhiễm.

Tại châu Á, các chuyên gia y tế công cộng ngày 22/11 cảnh báo tình trạng gia tăng nhanh chóng các ca mắc mới COVID-19 ở Dải Gaza có thể làm chao đảo hệ thống y tế vốn rất sơ sài và thiếu thốn tại vùng lãnh thổ của người Palestine này vào tuần tới.

Theo nhà vi trùng học thuộc đội đặc nhiệm chống đại dịch COVID-19 ở Dải Gaza, ông Abdelraouf Elmanama, vùng lãnh thổ này - vốn là nơi có mật độ dân số cao và nghèo với khoảng 2 triệu người - rất dễ xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh.

Đến nay, Gaza đã ghi nhận khoảng 14.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 65 người tử vong; các trường hợp mắc bệnh và tử vong chủ yếu xuất hiện trong giai đoạn từ tháng 8 đến nay. Hiện nay, 79 trong số 100 máy thở tại Gaza đang được dành cho các bệnh nhân COVID-19.

Ông Elmanama cho rằng trong 10 ngày tới, hệ thống y tế ở Gaza sẽ không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân do sự gia tăng các ca bệnh mới và có thể có những trường hợp không tìm được chỗ điều trị tại các khoa chăm sóc đặc biệt.

Theo ông Elmanama, tỉ lệ tử vong do COVID-19 hiện tại - 0,05% - có thể tăng lên trong thời gian tới. Trong khi đó, ông Abdelnaser Soboh, quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Gaza, cũng nêu rõ: “Trong vòng một tuần, chúng tôi sẽ không thể chăm sóc cho những trường hợp nguy cấp”.

Theo ông Soboh, tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 trong số những người được xét nghiệm là 21%, với tình trạng gia tăng tương đối nhanh số bệnh nhân ở độ tuổi trên 60.

Tại châu Âu, Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn cho biết nước này có thể khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sớm nhất là vào tháng 12 năm nay.

Theo Bộ trưởng Spahn, ông đã yêu cầu các bang của Đức đặt các trung tâm tiêm chủng vắcxin trong trạng thái sẵn sàng từ giữa tháng 12 và tình hình đang tiến triển tốt.

Hiện Đức đã có hơn 300 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 thông qua Ủy ban châu Âu, các hợp đồng song phương và các quyền mua hàng. Con số này vượt quá mức cần thiết của Đức và thậm chí có thể chia sẻ cho các quốc gia khác.

Trong khi đó, người phát ngôn Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo giá vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V của nước này "sẽ được công bố trong tuần tới".

Một thông báo trên Twitter cho biết giá của loại vắcxin này sẽ thấp hơn đáng kể so với các loại vắcxin do 2 công ty Pfizer và Moderna phát triển.

Thông báo trên lưu ý rằng giá công bố vắcxin của Pfizer là 19,5 USD/liều và của Moderna ở mức 25-37 USD/liều - nghĩa là 2 loại vắcxin này sẽ có giá lần lượt là 39 USD và 50-74 USD cho mỗi người dùng, do cả 3 loại vắcxin vừa đề cập đều yêu cầu tiêm 2 liều/người.

Sputnik V là vắcxin ngừa COVID-19 dựa trên nền tảng vector adenovirus được đăng ký đầu tiên trên thế giới.

Đây là 1 trong 10 loại vắcxin ngừa COVID-19 nằm trong danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sắp hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và bắt đầu sản xuất hàng loạt.

Hiện chương trình thử nghiệm lâm sàng Sputnik V đang được thực hiện ở Nga với sự tham gia của 40.000 tình nguyện viên.

Các chương trình thử nghiệm lâm sàng khác cũng đang được tiến hành ở Belarus, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Ấn Độ, Venezuela và Brazil. Phân tích sơ bộ đầu tiên về giai đoạn 3 ở Liên bang Nga cho thấy Sputnik V đạt hiệu quả ở mức 92%.

Tại Anh, Chánh văn phòng Nội các Michael Gove cho biết đã thảo luận cùng giới chức Scotland, Wales và Bắc Ireland về vấn đề nới lỏng các biện pháp hạn chế, đồng thời cho biết các bên đã nhất trí rằng cần có một phương thức an toàn và giới hạn để gia đình và bạn bè có thể gặp nhau trong dịp Giáng Sinh.

Ông nêu rõ: "Chúng tôi chia sẻ mục tiêu về việc tổ chức theo một hướng an toàn nhưng vẫn lưu ý cộng đồng cần phải luôn cảnh giác, cũng như hạn chế tối đa các chuyến du lịch và giảm thiểu tiếp xúc xã hội".

Thông tin trên được đưa ra trong thời điểm Anh ghi nhận 18.662 ca mới mắc COVID-19 trong ngày 22/11, trong đó có 398 ca thiệt mạng. Trước đó, nước này ghi nhận 19.875 ca mới mắc COVID-19 trong ngày 21/11.

Tại châu Mỹ, người đứng đầu chương trình vắcxin ngừa COVID-19 của Mỹ Moncef Slaoui cho biết những công dân Mỹ đầu tiên sẽ được tiêm loại vaccine này sớm nhất là vào ngày 11/12.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, ông Slaoui cho biết: “Kế hoạch của chúng tôi là có thể chuyển vắcxin đến các địa điểm tiêm chủng trong vòng 24 giờ sau khi được cho phép, vì vậy tôi hy vọng kế hoạch này sẽ có thể bắt đầu vào ngày thứ 2, 11 hoặc 12/12, sau khi được thông qua”.

Các cố vấn vắcxin của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) được cho là sẽ tổ chức hội nghị từ ngày 8 đến 10/12 để thảo luận về việc thông qua các loại vắcxin ngừa COVID-19 mà Pfizer và Moderna tuyên bố có hiệu quả lên tới ít nhất 95%.

Lãnh đạo G20 cam kết phân phối công bằng vắcxin ngừa COVID-19

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hai ngày nhóm họp, G20 khẳng định: "Chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực để giải quyết những nhu cầu tài chính vào lúc này mà nền y tế toàn cầu cần để hỗ trợ quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối an toàn cũng như hiệu quả các phương pháp điều trị, công cụ chẩn đoán và vắcxin ngừa COVID-19. Chúng tôi sẽ dốc sức để bảo đảm quá trình tiếp cận công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người".

Tuyên bố chung cũng nhắc tới những tác động và ảnh hưởng chưa từng có của đại dịch COVID-19 với cuộc sống của người dân trên thế giới, cũng như tới các nền kinh tế. Vì vậy, G20 khẳng định sẽ "phối hợp để bảo vệ mạng sống con người, cung cấp hỗ trợ với trọng tâm đặc biệt vào những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, sóm đưa các nền kinh tế trở lại lộ trình khôi phục tăng trưởng, bảo vệ và tạo ra việc làm mới cho mọi người".

Cũng trong tuyên bố chung, G20 tuyên bố ủng hộ cơ chế hợp tác đa phương, coi đây là "phương thức hợp tác quan trọng nhất vào thời điểm hiện nay".

Tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi mong muốn hiện thực hóa mục tiêu về môi trường đầu tư và thương mại ổn định, minh bạch, không phân biệt, công bằng, rộng mở, toàn diện và có thể dự đoán được. Chúng tôi cũng muốn duy trì các thị trường mở".

Hội nghị thượng đỉnh G20 vốn thường được xem là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới tương tác trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, giữa đại dịch COVID-19, sự kiện quan trọng này lại được rút gọn thành các phiên họp trực tuyến thời lượng ngắn, mà một số nhà quan sát gọi là "ngoại giao kỹ thuật số".

Tới nay, các quốc gia G20 đã đóng góp hơn 21 tỉ USD cho cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, đồng thời đã "bơm" 11.000 tỉ USD để bảo vệ nền kinh tế thế giới trước "sự tấn công" của dịch bệnh nói trên.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/249205/dich-covid-19-den-8-gio-ngay-23-11--chau-au-dang-la-tam-dich-cua-the-gioi.html