Dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải đối diện với nhiều khó khăn lớn

t bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 không chỉ khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô chịu thiệt hại nặng nề mà còn khiến người lao động, đơn vị quản lý bến xe, các doanh nghiệp phụ trợ,...gặp nhiều khó khăn.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 không chỉ khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách chịu thiệt hại nặng nề mà còn khiến người lao động, đơn vị quản lý bến xe,...gặp nhiều khó khăn

Thông tin từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, trung bình mỗi tháng, lương trả cho nhân viên, người lao động của công ty chiếm tới 35 - 40% thu nhập của đơn vị. Nhưng thời gian qua, tổng thu của đơn vị chưa tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách qua các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm sụt giảm nghiêm trọng.

Tất cả các tháng từ đầu năm 2021 đến nay, sản lượng đều không đạt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, tháng 2/2021 chỉ đạt 59% kế hoạch, tháng 3 đạt 84% kế hoạch, tháng 5 đạt 46% kế hoạch và tháng 6 tình hình còn thê thảm hơn chỉ khoảng 30% kế hoạch.

Khi sản lượng đầu xe xuống thấp thì bản thân đơn vị quản lý bến cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các bến xe khách đã giảm thu các chi phí dịch vụ, điều chỉnh yêu cầu về số xe hoạt động,...

Ngán ngẩm trước tình cảnh “bến vắng, xe thưa”, Giám đốc bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành chia sẻ, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 khiến các tỉnh, thành phố có xe đi/đến từ bến xe khách Giáp Bát sụt giảm nghiêm trọng lên tới hơn 70% so với 3 đợt dịch trước.

Để duy trì hoạt động, bến xe đang bố trí cho cán bộ, công nhân viên nghỉ luân phiên để vừa "cầm cự" kinh doanh, vừa đảm bảo công tác phòng dịch. Mặc dù bến xe vẫn duy trì lưu lượng xe nhất định nhưng việc phục hồi hoạt động vận tải phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến của dịch bệnh.

Việc phục hồi của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tải sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, vực dậy các hoạt động dịch vụ hỗ trợ

Đang miệt mài kéo hàng cho khách dưới cái nắng như đổ lửa, anh Cường - một lao động bốc xếp hàng hóa trong bến xe Mỹ Đình cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng xe hoạt động ở bến chỉ còn khoảng 20 - 30% so với trước. Khách đi lại cũng ít, hoạt động gửi hàng hóa vẫn duy trì nhưng cũng giảm nhiều.

Thời điểm mọi người gửi hàng nhiều nhất là khoảng 10h - 12h trưa và 16h - 18h giờ chiều. Những ngày vừa qua thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao vào buổi trưa rơi đúng vào thời điểm mà hàng hóa đổ dồn về nhiều nhưng có việc để làm lúc này cũng mừng lắm rồi...!

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, đại diện một doanh nghiệp chuyên phục vụ kho bãi đỗ xe và phụ trợ chia sẻ, doanh thu của đơn vị đã giảm đến 70% so với thời gian trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do bị chậm thanh toán hợp đồng của các đơn vị đã ký trước đó và không có những hợp đồng mới. Trong khi đó, một số đối tác doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã có văn bản đề xuất giảm chi phí thuê kho bãi tới 20 - 30% khiến nỗi lo càng lớn hơn.

Trên quan hệ đối tác, doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp kinh doanh vận tải cần phải có sự hỗ trợ lẫn nhau để cùng vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên mức hỗ trợ cũng cần ở mức độ nhất định vì bản thân doanh nghiệp phụ trợ cũng chịu gánh nặng về các khoản thuế phí, lãi ngân hàng, lương nhân công lao động.

Diễn biến của dịch bệnh COVID-19 sẽ quyết định việc phục hồi của hoạt động vận tải

Dịch bệnh không chỉ khiến các đơn vị vận tải, quản lý bến xe, kho bãi,... gặp nhiều khó khăn mà còn khiến các gara ô tô phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện cũng phải tìm nhiều giải pháp để duy trì hoạt động.

Trao đổi với PV, anh Dũng - chủ một gara ô tô trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) cho biết, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến lượng xe vào sửa chữa, bảo dưỡng giảm đi trông thấy kéo theo đó là doanh thu của gara giảm tới 40-60% so với trước.

Không có nguồn thu, đơn vị phải tìm mọi giải pháp để duy trì hoạt động như cho nhân viên nghỉ việc luân phiên, có người đã chuyển nghề làm nhân viên giao hàng, lái xe ôm công nghệ để có thu nhập duy trì cuộc sống.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, vận tải ô tô là một trong số ngành kinh tế chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Nhất là về vận tải hành khách, lượng xe hoạt động chỉ đạt 50% so với trước dịch (vận tải taxi thì số xe hoạt động chỉ khoảng 20%).

Trong khi một số chi phí cho xe hoạt động gia tăng thì lượng khách được phép chở bị khống chế dưới 50%, các đơn vị vận tải hành khách đều đang phải chịu thua lỗ. Một số chính sách đã ban hành thời gian qua nhưng các doanh nghiệp rất khó tiếp cận.

Để giúp cho các đơn vị kinh doanh vận tải có cơ hội tồn tại, tiếp tục ổn định sản xuất, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các các Bộ, ngành chức năng có những cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ cho các đơn vị vượt qua khó khăn.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dich-vu-ho-tro-hoat-dong-van-tai-doi-dien-voi-nhieu-kho-khan-lon-post144564.html