Điểm danh những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 4/2023

Những chính sách mới có hiệu lực từ cuối tháng 4/2023: Không yêu cầu sổ hộ khẩu giấy trong hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ; Bổ sung 02 mẫu hồ sơ mời thầu qua mạng với gói thầu mua sắm dược liệu và vị thuốc cổ truyền;...

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 04/2023 (từ ngày 21 - 30/4/2023)

1. Không yêu cầu sổ hộ khẩu trong hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 1/2023/TT-BNV sửa đổi khoản 3 Điều 1 Thông tư 02/2020/TT-BNV (sửa đổi Thông tư 09/2014/TT-BNV) hướng dẫn về quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ có hiệu lực từ ngày 24/4/2023.

Theo đó, hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ gồm:

- Bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các giấy tờ sau:

+ Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập (đối với tổ chức).

+ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân (đối với cá nhân hành nghề độc lập).

+ Chứng chỉ hành nghề lưu trữ của người tham gia hoạt động dịch vụ (đối với tổ chức).

+ Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (đối với cá nhân hành nghề độc lập).

- Danh sách người hành nghề lưu trữ (đối với tổ chức).

- Tài liệu chứng minh cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc để thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành.

(So với hiện hành tại Điều 7 Thông tư 09/2014/TT-BNV (sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 02/2020/TT-BNV), bỏ yêu cầu về hộ khẩu thường trú và thay thế bằng Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân (đối với cá nhân hành nghề độc lập).)

2. Bổ sung 02 mẫu hồ sơ mời thầu qua mạng với gói thầu mua sắm dược liệu và vị thuốc cổ truyền

Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại Thông tư 06/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực từ ngày 27/4/2023.

Cụ thể, 02 mẫu hồ sơ mời thầu qua mạng với gói thầu mua sắm dược liệu và vị thuốc cổ truyền được bổ sung gồm;

- Mẫu hồ sơ mời thầu qua mạng đối với gói thầu mua sắm dược liệu và vị thuốc cổ truyền (không bao gồm các dược liệu, vị thuốc cổ truyền có dạng bào chế cao, cốm, bột, dịch chiết, tinh dầu, nhựa, gôm, thạch đã được tiêu chuẩn hóa) áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ (Phụ lục 14).

- Mẫu hồ sơ mời thầu qua mạng đối với gói thầu mua sắm dược liệu và vị thuốc cổ truyền (không bao gồm các dược liệu, vị thuốc cổ truyền có dạng bào chế cao, cốm, bột, dịch chiết, tinh dầu, nhựa, gôm, thạch đã được tiêu chuẩn hóa) áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ (Phụ lục 15).

3. Quy định chi tiết điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên tại Tòa án

Ngày 09/3/2023, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 01/2023/TT-TANDTC hướng dẫn điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực từ ngày 25/4/2023.

Theo đó, tại Thông tư 01/2023/TT-TANDTC hướng dẫn điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án như sau:

* Xác định chuyên gia, nhà chuyên môn khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án:

Chuyên gia, nhà chuyên môn khác là người được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể.

Ví dụ: chuyên gia tâm lý học, chuyên gia tài chính, chuyên gia sở hữu trí tuệ,...

* Xác định người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án:

Người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Ví dụ: già làng, trưởng bản,... tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là người có uy tín, có hiểu biết phong tục tập quán trong cộng đồng dân cư.

4. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng áp dụng từ ngày 28/4/2023

Đây là nội dung tại Thông tư 14/2022/TT-BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành có hiệu lực từ ngày 28/4/2023.

Theo đó, đối tượng áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng tại Thông tư 14/2022/TT-BTNMT là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quan trắc khí tượng bề mặt và khí tượng trên cao.

Ngoài ra, trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng tại Thông tư 14/2022/TT-BTNMT sử dụng các thuật ngữ nêu trong TCVN 12636-1:2019, TCVN 12636-6:2020, TCVN 12636-7:2020, QCVN 64:2017/BTNMT, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Trạm khí tượng trên cao (Upper-air station): là vị trí mà tại đó thực hiện quan trắc các yếu tố khí tượng trên cao.

- Trạm đo gió trên cao (Upper-wind observation station): là vị trí mà tại đó các quan trắc hướng và tốc độ gió trong khí quyển được thực hiện bằng phương tiện quang học hoặc điện tử.

- Quan trắc gió trên cao (Upper-wind observation): là quan trắc hướng và tốc độ gió trong khí quyển tại những độ cao xác định hoặc của một lần quan trắc thám không hoàn chỉnh.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/diem-danh-nhung-chinh-sach-moi-noi-bat-co-hieu-luc-tu-cuoi-thang-42023-224152.html