Điểm mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP) được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Luật bổ sung 1 điều, 4 khoản và 4 điểm; sửa đổi, bổ sung 8 điều, 22 khoản và 9 điểm với 9 nội dung mới cơ bản.

Mở rộng phạm vi của giám định tư pháp

Để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng và đáp ứng nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng, phạm vi GĐTP được mở rộng theo hướng GĐTP được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn khởi tố, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành (khoản 1, Điều 2).

Bổ sung việc cấp, thu thẻ gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp

Nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi cho giám định viên trong quá trình hoạt động giám định, nhất là tham gia tố tụng, luật đã bổ sung quy định về cấp, thu hồi thẻ khi bổ nhiệm, miễn nhiệm theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cụ thể (khoản 4, Điều 9).

Thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự

Góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nói chung, các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng, luật bổ sung quy định về "Phòng giám định hình sự thuộc Viện KSND tối cao” (khoản 1, Điều 12). Đây là tổ chức GĐTP công lập mới có tính chất đặc thù, bên cạnh hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện hành.

Bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ

Để khắc phục bất cập của quy định hiện hành trong việc bảo đảm đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng, ngoài trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, luật bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ trong việc công nhận, đăng tải, rà soát, cập nhật danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức GĐTP.

Luật cũng bổ sung quy định trong trường hợp đặc biệt, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố (khoản 2, Điều 20). Đây là quy định mới nhằm huy động các chuyên gia có kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cao tham gia hoạt động giám định tư pháp để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nói chung, án tham nhũng, kinh tế nói riêng.

Bổ sung quyền của người giám định

Bảo đảm điều kiện cho người GĐTP có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP, luật mới bổ sung một số quyền, nghĩa vụ của người giám định, trong đó có quyền đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của bản thân, hoặc người thân thích của họ và quyền được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa (Điều 23). Đồng thời, để hiện thực hóa quyền này, luật đã giao Chánh án TAND tối cao quy định việc bố trí vị trí của người GĐTP khi tham gia phiên tòa.

Quy định cụ thể hơn cơ chế thông tin, phối hợp trong trưng cầu giám định tư pháp

Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong trưng cầu và thực hiện giám định trong các vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, luật bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cá nhân, tổ chức dự kiến được trưng cầu giám định và cơ quan có liên quan trước khi ban hành quyết định trưng cầu, đặc biệt trường hợp nội dung giám định của vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn cần xác định tổ chức chủ trì, tổ chức phối hợp (Điều 25).

(Còn nữa)

Minh Phượng

(TH) (Sở Tư pháp)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/150697/diem-moi-co-ban-cua-luat-sua-doi,-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-giam-dinh-tu-phap.htm