Điểm mới trong Thông tư quy định chức năng nhiệm vụ nhân viên y tế và cô đỡ thôn bản

So với quy định tại Điều 2 Thông tư 07/2013/TT-BYT, đề xuất mới đã giảm một số tiêu chuẩn cho nhân viên y tế thôn và cô đỡ thôn như yêu cầu đang sinh sống, làm việc ổn định tại thôn, bản...

Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế xây dựng dự thảo và trình Bộ Y tế Thông tư Quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với Nhân viên y tế thôn, bản, Cô đỡ thôn, bản". Dự kiến Thông tư sẽ được ban hành trong thời gian tới. Thông tư này ra đời sẽ thay thế Thông tư số 07/2013/TT-BYT ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Bộ Y tế về Quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của Nhân viên y tế thôn, bản.

Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với Nhân viên y tế thôn, bản, Cô đỡ thôn, bản. Nhân viên y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ở thôn, bản, tổ dân phố (gọi chung là Nhân viên y tế thôn, bản). Thôn, bản, tổ dân phố theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ. Nhân viên y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở thôn, bản (gọi là Cô đỡ thôn, bản).

Cô đỡ thôn bản kiểm tra sức khỏe thai kỳ cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.

Cô đỡ thôn bản kiểm tra sức khỏe thai kỳ cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.

Theo dự thảo Thông tư, nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản phải có trình độ chuyên môn nhất định như phải hoàn thành (được cấp chứng chỉ) chương trình đào tạo theo nội dung chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Điều 6 của Thông tư này; Hoặc có trình độ chuyên môn về y (bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh) từ trung cấp trở lên; Tự nguyện tham gia làm Nhân viên y tế thôn, bản hoặc Cô đỡ thôn, bản; Có đủ sức khỏe để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

Chức năng đối với Nhân viên y tế thôn, bản là hỗ trợ Trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại thôn, bản. Đối với Cô đỡ thôn, bản là hỗ trợ Trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại thôn, bản.

Nhiệm vụ đối với Nhân viên y tế thôn, bản là tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu và các hoạt động y tế tại thôn, bản: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục, hướng dẫn, tư vấn người dân tại thôn, bản về: chăm sóc sức khỏe; phòng, chống các yếu tố nguy cơ sức khỏe; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phòng, chống suy dinh dưỡng, HIV/AIDS, các bệnh không lây nhiễm, dịch bệnh tại cộng đồng; phòng, chống tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường;

Nhiệm vụ đối với Cô đỡ thôn, bản là tham gia chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và các hoạt động y tế tại thôn, bản: Tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vận động vệ sinh phụ nữ, vệ sinh thai nghén, dinh dưỡng hợp lý và loại trừ các tập tục có hại cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em; vận động phụ nữ mang thai đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai, tiêm phòng uốn ván, đến cơ sở y tế để sinh đẻ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi;

Dự thảo Thông tư mới không yêu cầu cô đỡ thôn bản phải là người sinh sống ở địa phương đó.

Dự thảo Thông tư mới không yêu cầu cô đỡ thôn bản phải là người sinh sống ở địa phương đó.

Tuyên truyền, tư vấn các dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai và sau đẻ, các dấu hiệu cần phải đến ngay cơ sở y tế; tư vấn khám sàng lọc thai nhi; tuyên truyền nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, hướng dẫn cách cho trẻ bú, ăn bổ sung hợp lý và phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 16 tuổi; Tham gia thực hiện các chương trình, dự án y tế tại thôn, bản; Tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ do cơ quan y tế cấp trên tổ chức để nâng cao trình độ;

Hướng dẫn sử dụng các công cụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản giấy và điện tử; Tham gia giao ban định kỳ với trạm y tế xã; Thực hiện báo cáo kịp thời, đầy đủ theo hướng dẫn của Trạm y tế xã.

Về trình độ đào tạo, chuyên môn: Phải hoàn thành chương trình đào tạo theo nội dung chuyên môn, nghiệp vụ dành cho nhân viên y tế thôn, cô đỡ thôn. Hình thức chứng minh là có chứng chỉ hoặc chứng nhận về việc hoàn thành chương trình đào tạo này. Trong đó, chương trình này gồm các nội dung:

Với nhân viên y tế thôn bản: Thời gian đào tạo tối thiểu 03 tháng về các nội dung: Cấp cứu ban đầu, tiêm chủng mở rộng, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc phụ nữ có thai, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 06 tuần đầu tại nhà, dân số và phát triển…

Với cô đỡ thôn bản thì thời gian đào tạo tối thiểu là 06 tháng với các nội dung: Chăm sóc thai nghén, chuyển dạ, tắm trẻ sơ sinh, xử trí trẻ sặc sữa, tiêm chủng mở rộng, tư vấn kế hoạch hóa gia đình, hỗ trợ vận chuyển bà mẹ và trẻ sơ sinh đến cơ sở y tế an toàn… Có sức khỏe tốt để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Như vậy, so với quy định tại Điều 2 Thông tư 07/2013/TT-BYT, đề xuất mới đã giảm một số tiêu chuẩn cho nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản gồm:

Đang sinh sống, làm việc ổn định tại thôn, bản.

Có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia hoạt động xã hội, có khả năng vận động quần chúng và được cộng đồng tín nhiệm.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/diem-moi-trong-thong-tu-quy-dinh-chuc-nang-nhiem-vu-nhan-vien-y-te-va-co-do-thon-ban-169231211105218554.htm