Điểm sàn các ngành y dược giảm 2 điểm so với năm 2024
Sáng 22.7, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) tuyển sinh đại học năm 2025 đối với nhóm ngành sức khỏe và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Theo công bố của Bộ GD-ĐT, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đại học năm 2025 đối với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề (trình độ đại học), và các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, cao đẳng năm 2025, áp dụng cho thí sinh khu vực 3, được xác định dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT.
Mức điểm tối thiểu áp dụng cho tất cả các tổ hợp gồm 3 bài/môn thi, không nhân hệ số, không cộng điểm ưu tiên, không phân biệt kết quả thi theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 hay 2018. Cụ thể nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học:
Ngành y khoa và ngành Răng - Hàm - Mặt: 20,5 điểm (năm 2024 là 22,5 điểm).
Y học cổ truyền, Dược học: 19 điểm (năm 2024 là 21 điểm).
Các ngành Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật hình ảnh y học, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Kỹ thuật phục hồi chức năng: 17 điểm (năm 2024 là 19 điểm).
Như vậy, điểm sàn của tất cả các ngành thuộc nhóm sức khỏe năm 2025 đều giảm 2 điểm so với năm trước. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học, học viện có đào tạo ngành thuộc nhóm sức khỏe phải tổ chức xét tuyển theo đúng quy chế tuyển sinh hiện hành và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Năm 2025, ngưỡng xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm. Riêng đối với các ngành giáo dục thể chất, ngành sư phạm âm nhạc và ngành sư phạm mỹ thuật là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa.
Ngưỡng xét tuyển vào ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng là 16,5 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, giảm 0,5 điểm so với năm ngoái.
Các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học: 19 điểm (giữ nguyên như năm 2024).
Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật: 18 điểm (áp dụng cho tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa).
Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng: 16,5 điểm (năm 2024 là 17 điểm).
Các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của quy chế tuyển sinh năm 2024.
Trong quá trình xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, có 2 việc thí sinh phải thực hiện, nếu không sẽ không được xét tuyển hoặc loại khỏi danh sách trúng tuyển: đăng ký nguyện vọng xét tuyển và đóng lệ phí cho các nguyện vọng đã đăng ký.
Theo đó thí sinh sẽ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đại học không giới hạn số lần, thời hạn chót đến 17 giờ ngày 28.7.
Sau khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến từ ngày 29.7 đến 17 giờ ngày 5.8. Các trường đại học công bố điểm chuẩn trước 17 giờ ngày 22.8.