Điện ảnh Hàn Quốc: Từ khởi đầu tự ti đến cảm hứng phát triển cho Việt Nam

Giai đoạn từ thập niên 1970-1980 được coi là thời gian tăm tối nhất lịch sử điện ảnh Hàn Quốc, từng khiến người đứng đầu liên hoan phim nổi tiếng nhất nước và trong khu vực phải ngán ngẩm.

 Phim "Ký sinh trùng" từng đoạt 4 giải Oscar quan trọng năm 2019.

Phim "Ký sinh trùng" từng đoạt 4 giải Oscar quan trọng năm 2019.

Trước khi Hàn Quốc gây sốt toàn cầu với hiện tượng "Ký sinh trùng,” trước cả khi làn sóng Hallyu vươn ra thế giới, người dân nước này từng có cái nhìn tiêu cực với nền phim của mình.

Đây là chia sẻ từ chính những người đứng đầu Liên hoan phim Quốc tế Busan - liên hoan phim nổi tiếng thế giới - tại Tọa đàm “Điện ảnh Hàn Quốc - Bài học thành công quốc tế và kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh” trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF) năm 2025.

Giai đoạn tăm tối

Điện ảnh Hàn Quốc ra đời đầu thập niên 1900. Nền phim nước này phát triển mạnh mẽ ở thập niên 1950-1960 trước khi lâm vào suy thoái trong giai đoạn 1970-1980 khi sản lượng phim giảm.

Là người sáng lập Liên hoan phim Busan nhưng cách đây 40 năm, nguyên Chủ tịch Kim Dong Ho từng cảm thấy xa lạ với điện ảnh nước nhà.

Ông từng nghĩ về điện ảnh Hàn Quốc là “thấp kém và chẳng liên quan tới mình.” Bạn bè ông trong câu lạc bộ những người yêu điện ảnh thường xuyên bàn những câu chuyện như tại sao Hàn Quốc không có liên hoan phim, tại sao chúng ta không có phim hay, tại sao không có hệ thống hỗ trợ, tại sao không có bảo tàng điện ảnh, không có gì cả?

 Nguyên chủ tịch Kim Dong Ho (trái) và chủ tịch hiện tại Pawk Kwang Su của Liên hoan phim Busan. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nguyên chủ tịch Kim Dong Ho (trái) và chủ tịch hiện tại Pawk Kwang Su của Liên hoan phim Busan. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Với chúng tôi, ngành điện ảnh Hàn Quốc lúc bấy giờ vừa lỗi thời, vừa bất hợp lý, chất lượng lại rất thấp, đến mức chúng tôi nghĩ đó không phải là nơi để mình làm việc,” ông Kim Dong Ho nhớ lại.

Ông Park Kwang Su - chủ tịch Liên hoan phim Busan hiện nay và bạn ông Kim ở câu lạc bộ đại học - cũng có trải nghiệm tương tự khi bước vào điện ảnh những năm 1980.

Giai đoạn này tại Hàn Quốc có không quá 20 công ty điện ảnh được cấp phép làm phim, số lượng sụt giảm mạnh so với 2 thập niên trước. Khi đó ông từng nghe nhiều người gọi điện ảnh Hàn Quốc là một thứ “tệ hại, như hang ổ của quỷ” vì hầu như không ai muốn bước chân vào.

Năm 1986 đánh dấu bước trở mình của điện ảnh Hàn Quốc. Luật Điện ảnh sửa đổi đã giúp mở rộng không giới hạn, kéo theo số lượng phim tăng. Làn sóng điện ảnh mới của Hàn Quốc ra đời với những tác phẩm gây chú ý trong nước như như Lee Jang Ho, Park Kwang Su, Im Kwon Taek - người sau này được coi là cây đại thụ và đặt nền móng cho điện ảnh Hàn trước khi bùng nổ danh tiếng.

Năm 1996 là năm quốc gia này bỏ kiểm duyệt điện ảnh, chỉ phân loại độ tuổi. Nhiều tên tuổi như Kim Ki Duk, Lee Chang Dong, Hong Sang Soo hay Park Chan Wook bắt đầu vươn ra thế giới, được các liên hoan phim lớn như Cannes, Berlin, Venice ghi nhận.

 Một số tác phẩm đáng chú ý nhất của Hàn Quốc từ sau sau thập niên 2000 đến nay. (Ảnh tổng hợp: The Rolling Stones)

Một số tác phẩm đáng chú ý nhất của Hàn Quốc từ sau sau thập niên 2000 đến nay. (Ảnh tổng hợp: The Rolling Stones)

Sau dấu mốc này, Hàn Quốc tiếp tục đưa phim ảnh, âm nhạc và các sản phẩm văn hóa ra quốc tế ở thập niên 2000 và từ 2010 cho đến nay.

Tiến sỹ bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam nhắc lại chính làn sóng Hallyu đã làm bùng lên sức hút của phim điện ảnh Hàn Quốc trên thế giới và tại Việt Nam. “Điều khiến tôi tâm đắc nhất là các bạn có thể kể những câu chuyện đời thường, về dân tộc Hàn Quốc bằng thứ điện ảnh mà người làm phim khắp thế giới cảm thấy yêu thích, nể trọng,” bà nói.

Bài học nào cho Việt Nam?

Thành công của điện ảnh Hàn Quốc không thể thiếu được sự hỗ trợ từ chính phủ. Tiến sỹ Park Hee Song - nhà nghiên cứu chính sách từ Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) cho biết phía chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều.

Hội đồng này từng được tái cấu trúc, có 9 thành viên chủ chốt để giúp đỡ cho các nhà làm phim. Nhân lực của của hội đồng là những người trẻ có tư duy mới.

Bà Park cũng chú trọng rằng KOFIC chỉ hỗ trợ chứ không can thiệp vào nội dung hay quá trình sáng tạo, thay vào đó tăng cường trao đổi với nhà làm phim.

 Tiến sỹ Park Hee Song - Đại diện KOFIC. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiến sỹ Park Hee Song - Đại diện KOFIC. (Ảnh: PV/Vietnam+)

KOFIC còn hỗ trợ tập hợp các cơ quan, tìm cách sử dụng ngân sách để hỗ trợ các nhà làm phim. Phim “Người mẹ” của Bong Joon Ho từng được hỗ trợ kinh phí nộp thi Liên hoan phim Cannes và một số kinh phí khác khi đi dự thi Oscar năm 2009.

Vươn đến tương lai nhưng không quên quá khứ. Hàn Quốc còn triển khai nhiều chính sách đưa phim kinh điển đến khán giả trong và ngoài nước.

Ông Kim Hong Joon - giám đốc Viện Lưu trữ Phim Hàn Quốc (KOFA) cho biết công việc của viện là lưu trữ và quảng bá nhiều phim kinh điển được sản xuất trước năm 2000, chủ yếu là phim nhựa.

Viện có nhiệm vụ phục chế phim kỹ thuật số để sẵn sàng chiếu tại liên hoan phim và các rạp, phục vụ công tác quảng bá phim ra quốc tế. Cơ quan này cũng phụ trách việc phổ biến phim đến các trường, viện văn hóa thông qua bản đĩa DVD, blu-ray. Ngoài ra KOFA còn phổ biến cả một số phim có bản quyền và chiếu phim kinh điển có bản quyền trên YouTube “Korean Classic Film.”

 Ông Kim Hong Joon. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Kim Hong Joon. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Quản lý cấp cao tại BHD khẳng định bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước thì không thể thiếu những tài năng điện ảnh. “Tôi nghĩ, con người là yếu tố quan trọng nhất. Như Hàn Quốc – họ biết kết hợp văn hóa truyền thống với công nghiệp điện ảnh hiện đại, và chính điều đó đã giúp điện ảnh Hàn thành công trên toàn cầu."

Giới chuyên môn cho rằng việc Việt Nam đang gia tăng về mặt doanh số phòng vé là một tín hiệu tốt, nhưng rất cần nắm bắt thời điểm để phát triển. Một trong số đó là dựa vào điện ảnh Hàn Quốc để cùng hợp tác làm phim, thay vì chỉ "remake" (mua kịch bản làm lại phim) như trước đây.

Đây cũng là xu hướng nở rộ trong năm 2025 khi có nhiều tác phẩm hợp tác Hàn-Việt, trong đó người Việt càng ngày có nhiều vai trò hơn trong việc cho ra đời các bộ phim.../.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dien-anh-han-quoc-tu-khoi-dau-tu-ti-den-cam-hung-phat-trien-cho-viet-nam-post1047458.vnp