Diễn biến mới nhất vụ cô giáo bị tuyên 5 năm tù

Thông tin mới nhất vụ cô giáo bị tuyên 5 năm tù vì bị cáo buộc chiếm đoạt 45 triệu đồng ở Nghệ An, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã có kháng nghị theo hướng hủy bản án sơ thẩm vụ án bà Lê Thị Dung.

Mới đây (ngày 24/5), tờ Người Lao Động đưa tin: Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Nghệ An đã có kháng nghị phúc thẩm vụ án cô giáo bị tuyên 5 năm tù là bà Lê Thị Dung, nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Hưng Nguyên.

Hủy án sơ thẩm

Theo đó, VKSND tỉnh Nghệ An đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

 Viện Kiểm sát kháng nghị hủy bản án sơ thẩm vụ cô giáo Lê Thị Dung bị tuyên 5 năm tù.

Viện Kiểm sát kháng nghị hủy bản án sơ thẩm vụ cô giáo Lê Thị Dung bị tuyên 5 năm tù.

"Anh Phạm Lê Tuyên, con trai bà Lê Thị Dung, cho biết gia đình anh đã nhận được thông tin nói trên vào sáng nay 24/5. Tuy nhiên, gia đình chưa tiếp cận được văn bản kháng nghị này." - tờ Thanh Niên dẫn lời.

Trong diễn biến khác có liên quan, ông Lâm Quốc Tú - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An trả lời trên Báo Dân Việt: "Hiện, vụ án thuộc thẩm quyền của cấp trên, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên đã hết thẩm quyền phát ngôn".

Trước đó, trả lời câu hỏi của PV Báo Pháp luật TP HCM về việc trên mạng xã hội cho thông tin cho rằng cán bộ tòa án có gặp riêng bị cáo Dung để xin lỗi và cho rằng “bị sức ép”, ông Lâm Quốc Tú, Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên, nói: “Không có chuyện đó. HĐXX sơ thẩm không có áp lực gì”.

“Thực ra (HĐXX) mệt mỏi là có bởi vì số lượng bút lục (trong hồ sơ vụ án) nhiều, áp lực dư luận lớn, dù sao xét xử vụ án cũng căng thẳng về không ăn, không nuốt được cơm. Chúng tôi đã làm đúng quy định của pháp luật. Ví dụ sau này HĐXX phúc thẩm khẳng định cấp sơ thẩm xử oan và tuyên vô tội thì chúng tôi mới bắt buộc phải xin lỗi và bồi thường. Bây giờ có chuyện gì mà phải xin lỗi.

Không ai được phép chỉ đạo HĐXX xử mấy năm, kể cả bí thư Tỉnh ủy cũng không thể can thiệp được. Pháp luật đã quy định rồi, không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào can thiệp vào việc xét xử, không được xâm phạm vào hoạt động tư pháp. Nếu yêu cầu chúng tôi xử lý nghiêm, yêu cầu xử lý đúng người, đúng tội thì chúng tôi nghe, còn yêu cầu xét xử mấy năm là chúng tôi không nghe mà có quyền xử độc lập của thẩm phán” - ông Tú nói.

"Đây là vụ án phức tạp"

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng đại diện Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, đây là vụ án hình sự phức tạp, bị cáo kêu oan, bởi vậy tòa án cấp phúc thẩm sẽ thận trọng xem xét đánh giá toàn diện các tình tiết của vụ án để xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Cường, cơ quan chức năng cũng làm rõ những thông tin dư luận về việc mâu thuẫn nội bộ, nguyên nhân sự việc để giải quyết triệt để, đảm bảo công bằng, khách quan, đúng pháp luật. Đây là vụ án phức tạp, dư luận có nhiều thông tin trái chiều, bản thân bị cáo bức xúc và kháng cáo kêu oan. Bởi vậy, luật sư Cường cho rằng tòa án cấp phúc thẩm cần thận trọng trong việc xem xét đánh giá toàn bộ các tình tiết có liên quan đến vụ án, làm rõ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, đặc biệt là quy định của pháp luật về việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công để xác định hành vi của bị cáo có vi phạm pháp luật hay không, mức độ xử lý như thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật.

“Trường hợp không đủ căn cứ để kết tội, phải sửa bản án sơ thẩm để tuyên bố bị cáo không phạm tội và phục hồi các quyền công dân của bị cáo theo quy định của pháp luật, luật sư Cường nêu ý kiến.

PV (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/dien-bien-moi-nhat-vu-co-giao-bi-tuyen-5-nam-tu-1859090.html