Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế sáng 25/7

Đồng USD ổn định gần mức thấp nhất trong hai tuần, thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm điểm hay giá vàng giảm, giao dịch xung quanh mức 3.360 USD/oz... là một số diễn biến tài chính tiền tệ quốc tế đáng chú ý trong sáng ngày 25/7.

Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế

Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế

Thị trường ngoại hối

Trong phiên giao dịch sáng thứ Sáu, đồng USD ổn định gần mức thấp nhất trong hai tuần và đang trên đà ghi nhận tuần giảm giá mạnh nhất trong một tháng, trong bối cảnh các nhà đầu tư theo dõi sát sao các cuộc đàm phán thuế quan của Mỹ trước thềm hạn chót, đồng thời hướng sự chú ý đến các cuộc họp của ngân hàng trung ương vào tuần tới để xem xét động thái chính sách tiếp theo.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Mỹ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong các cuộc họp chính sách vào tuần tới, nhưng các nhà giao dịch sẽ tập trung vào những phát biểu sau đó để đánh giá thời điểm của động thái tiếp theo.

"Cuộc họp chính sách của BoJ vào tuần tới sẽ được theo dõi chặt chẽ để tìm kiếm tín hiệu về thời điểm của đợt tăng lãi suất tiếp theo”, Carol Kong, chiến lược gia tiền tệ tại Commonwealth Bank of Australia nói và dự đoán BoJ có thể sẽ tăng lãi suất sau khi đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trong tuần này, giúp giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản xuống còn 15%.

Tỷ giá JPY/USD ở mức 147,10, đang trên đà ghi nhận mức tăng 1% trong tuần, đây là hiệu suất tốt nhất kể từ giữa tháng 5. Đa số các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters tuần này kỳ vọng ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong năm nay.

Chỉ số USD Index, đo lường sức mạnh của bạc xanh so với sáu đồng tiền khác, đang ở mức 97,448 và dự kiến sẽ giảm 1% trong tuần này, ghi nhận tuần giao dịch kém hiệu quả nhất trong một tháng.

Vào thứ Năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 2% như dự kiến, tạm dừng một năm nới lỏng chính sách để chờ đợi sự rõ ràng hơn về quan hệ thương mại tương lai với Mỹ, sau khi Ủy ban châu Âu cho biết một giải pháp đàm phán đang trong tầm tay trước hạn chót ngày 1/8.

Đồng euro ít thay đổi ở mức 1,1754 USD trong phiên giao dịch sáng, không xa mức 1,183 USD - mức cao nhất trong gần 4 năm đã đạt được vào đầu tháng. Đồng euro đã tăng 13,5% trong năm nay khi các chính sách thuế quan làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD.

Tiến triển trong các thỏa thuận thương mại cũng làm dấy lên hy vọng của thị trường về các cuộc đàm phán với Trung Quốc, sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết các quan chức hai nước sẽ gặp nhau tại Stockholm vào tuần tới để thảo luận về việc gia hạn thời hạn đàm phán thỏa thuận.

Đô la Úc (AUD) đã được thúc đẩy bởi sự gia tăng khẩu vị rủi ro sau các thỏa thuận thương mại và gần nhất giao dịch ở mức 0,6593 USD, dao động gần mức cao nhất trong tám tháng đã đạt được vào thứ Năm.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm 0,79% xuống 117.840 USD, trong khi Ethereum giảm 2% xuống 3.655 USD.

Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm điểm, chấm dứt chuỗi hai phiên tăng mạnh đưa chỉ số tiến sát mức cao nhất trong lịch sử do các nhà đầu tư thực hiện chốt lời sau đà tăng được thúc đẩy bởi thỏa thuận thương mại mới đạt được với Mỹ.

Chỉ số Nikkei 225 giảm 0,4% xuống 41.655 điểm, trong khi đó Chỉ số Topix vừa thiết lập mức cao lịch sử trong phiên thứ Năm cũng giảm 0,5% trong đầu phiên.

Thỏa thuận thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố cuối ngày thứ Ba đã khiến thuế suất song phương đối với hàng hóa Nhật, đặc biệt là ô tô giảm xuống còn 15% từ mức 25%.

Cổ phiếu hãng sản xuất robot công nghiệp Yaskawa Electric giảm mạnh 5,3%, Mitsubishi Motors giảm 8% sau khi công bố lợi nhuận hoạt động quý I giảm tới 84%.

Một chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Nomura nhận định thị trường đang xuất hiện dấu hiệu “quá nóng”. Chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) trong 14 phiên của chỉ số Nikkei - công cụ đo lường xung lực đầu tư - đã tăng lên 77,8 điểm trong ngày thứ Năm, mức cao nhất kể từ khi chỉ số này chạm đỉnh lịch sử 41.889,16 điểm vào tháng 7/2024.

Trên sàn, số mã giảm giá vượt trội với 164 mã trong rổ Nikkei, so với 60 mã tăng.

Cổ phiếu giảm mạnh nhất theo tỷ lệ phần trăm là Shin-Etsu Chemical giảm 9,2%, tiếp theo là Mitsubishi Motors. Ở chiều ngược lại, Nidec - nhà sản xuất động cơ điện - dẫn đầu nhóm tăng giá với mức tăng 2,6%, theo sau là nhà cung cấp thiết bị ngành bán dẫn Disco tăng 2,5%.

Thị trường vàng

Giá vàng giảm, giao dịch xung quanh mức 3.360 USD/oz do đồng USD giữ giá trong bối cảnh thị trường lạc quan về triển vọng thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU. Bên cạnh đó, số liệu việc làm Mỹ được công bố tích cực với số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm đã củng cố cho khả năng Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao và gây áp lực lên giá vàng.

CDT

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dien-bien-thi-truong-tai-chinh-tien-te-quoc-te-sang-257-167849.html