Diện mạo mới nơi 'Thủ đô văn nghệ kháng chiến'

Gần 3/4 thế kỷ trước, trong thời điểm gian nan, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, vùng đất chiến khu Hạ Hòa đã được nhiều cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội Nhân dân Việt Nam lựa chọn làm nơi trú chân, đặt trụ sở, triển khai các hoạt động kháng chiến, kiến quốc.

Trong đó có trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam với những tên tuổi văn nghệ sỹ đã trở thành huyền thoại trong lịch sử văn học nghệ thuật của dân tộc. Dấu ấn lịch sử đáng tự hào này đã và đang là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hạ Hòa phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt khó, tư duy sáng tạo, đổi mới, tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Đất chiến khu cách mạng, “Thủ đô văn nghệ kháng chiến” xưa giờ đang vươn mình trong diện mạo mới, trù phú, thanh bình.

ĐVTN xã Gia Điền tìm hiểu lịch sử truyền thống tại bia ghi dấu trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời trong niềm vui, phấn khởi của đồng bào cả nước đã thoát khỏi kiếp nô lệ, đứng lên làm chủ đất nước. Thế nhưng, cuộc sống độc lập,tự do chưa được bao lâu thì Thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ …”, cả dân tộc đã đồng lòng đứng lên trường kỳ kháng chiến, đối đầu với quân xâm lược tàn bạo có sức mạnh quân sự vượt trội. Trong dòng người rời bỏ cuộc sống nơi phố thị lên chiến khu bền gan kháng chiến có các văn nghệ sỹ-những chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, quyết dùng ngòi bút để phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân lao động. Và vùng đất Gia Điền của Hạ Hòa đã được chọn làm nơi để đóng trụ sở của Hội văn nghệ Việt Nam và trụ sở của Tạp chí Văn nghệ - cơ quan của Hội văn nghệ Việt Nam.

Thời điểm đầu năm 1948, nhà thơ Tố Hữu làm thư ký tòa soạn cùng với Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng và các cộng sự như Tô Ngọc Vân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Kim Lân, Huy Cận, Hoài Thanh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Hữu Đang, Trần Huyền Trân, Như Phong, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Xuân Diệu, Thép Mới, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Thủy, Nguyễn Xuân Khoát… Cùng với hàng loạt các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, vào tháng 7/1948, Hạ Hòa cũng là nơi được các văn nghệ sỹ cả nước tổ chức Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội văn nghệ Việt Nam - tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam ngày nay.

Hơn bảy thập niên đã trôi qua, nhưng những ký ức, kỷ niệm đẹp của một thời khó khăn, gian khổ mà hào hùng mãi lắng đọng trong lòng người dân Hạ Hòa, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để đảng bộ, chính quyền và người dân thêm đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cuộc sống mới phồn thịnh.

Bà Bủ Gái, người dân xóm Gốc Gạo (nay thuộc khu 1, xã Gia Điền) đã nhường căn nhà tranh vách đất đơn sơ cho Hội Văn nghệ Việt Nam trú chân năm xưa giờ đã thành người thiên cổ. 25 năm trước, năm 1997, Nhà thơ Tố Hữu về thăm lại nơi sống và làm việc năm xưa đã cùng với chính quyền địa phương dựng tấm bia có nội dung “Tại thôn Gia Điền, trong kháng chiến chống Pháp đã đóng trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam (1948-1949). Cùng với cơ quan thường trực Hội, có cơ quan Tạp chí Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn nghệ” ngay trên nền nhà cũ của bà Bủ Gái, nơi ông đã viết nên tác phẩm nổi tiếng: “Bầm ơi”, “Bà Bủ”… Không còn mái tranh vách đất, ổ chuối, lửa rơm lầm than cơ cực, cuộc sống mới sung túc đã và đang hiện hữu trên vùng quê Gia Điền.

Được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ năm 2005, xã Gia Điền là điểm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh và đã đạt chuẩn vào năm 2015. Kinh tế xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống toàn diện của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân Gia Điền đã đạt hơn 40 triệu đồng/năm. Hộ nghèo giảm xuống còn 6%. An ninh trật tự được giữ vững. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ. Cùng với các nhà văn hóa khu dân cư, xã đã dành quỹ đất, đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thể thao thu hút đông đảo người dân đến tập luyện thường xuyên…

Một góc thị trấn Hạ Hòa hôm nay.

Cùng với Gia Điền, những năm qua, diện mạo kinh tế- xã hội các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hạ Hòa đều có khởi sắc đáng mừng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng ngành nông - lâm- thủy sản 41%; công nghiệp - xây dựng 20%; dịch vụ - thương mại 39%. Bình quân tốc độ tăng giá trị tăng thêm của huyện đạt 7,2/năm. Thu nhập bình quân đầu người của Hạ Hòa hiện đã đạt 39 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống còn 8,85%. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng. Toàn huyện có tám xã đạt chuẩn nông thôn mới, 35 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới.

Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục, y tế tiếp tục có những bước tiến vững chắc. Toàn huyện hiện có 61/73 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 83,56%. Hệ thống y tế được chú trọng đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đã lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ đến từng cơ quan, đơn vị, khu dân cư, hộ gia đình.

Với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, Phong trào đã tạo chuyển biến sâu sắc nhận thức, nêu cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc như: Tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, xóa bỏ mê tín dị đoan; vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Đến nay, 96,1% gia đình trên địa bàn huyện đạt danh hiệu văn hóa; 92,2% khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa; 91,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký và đạt danh hiệu văn hóa… Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển sâu rộng, mạnh mẽ đến với tất cả các đối tượng, các đơn vị, trường học từ huyện đến xã, thị trấn, khu dân cư toàn huyện có 80% nhà văn hóa khu dân cư có thiết chế thể thao; 100% xã có sân thể thao, có trên 165 CLB thể dục thể thao quần chúng, tỷ lệ người thường xuyên luyện tập thể dục thể thao là 40%, hộ gia đình thể thao 38%...

Giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nằm trong cái nôi của Nhà nước Văn Lang cổ xưa, huyện Hạ Hòa hiện có 68 di tích lịch sử - di sản văn hóa; trong đó có 21 di sản là di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng (bảy di tích lịch sử Quốc gia; 14 di tích văn hóa cấp tỉnh). Các di sản văn hóa vật thể nổi bật, gắn với văn hóa tâm linh như Đền Mẫu Âu Cơ, Bảo vật quốc gia Tượng Mẫu Âu Cơ, Đền Chu Hưng, Đền Nghè - Đình Đông; các di tích lịch sử cách mạng như Chiến khu Vần - Hiền Lương, Chiến khu 10 Đại Phạm. Các di sản văn hóa phi vật thể như Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, Lễ hội Đền Chu Hưng. Danh lam, thắng cảnh như Đầm Ao Châu, Đầm Vân Hội, Ao Giời - Suối Tiên... đã tạo cho Hạ Hòa không gian văn hóa đa dạng, đặc sắc. Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, những năm qua huyện đã tập trung triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, xây dựng các tuor, tuyến du lịch tâm linh, sinh thái theo hướng “biến di sản thành tài sản”, phát triển kinh tế xanh bền vững trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương…bước đầu đã thu được những kết quả khả quan.

Đất thiêng nơi Mẹ Âu Cơ khai khẩn, Chiến khu cách mạng, “Thủ đô văn nghệ kháng chiến” đang vươn mình trong diện mạo mới, trù phú, thanh bình. Truyền thống lịch sử hào hùng đã và đang cộng hưởng cùng ý chí, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tạo động lực, sức mạnh để Hạ Hòa vững tin hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xây dựng huyện Hạ Hòa phát triển nhanh và bền vững”.

Lưu Quang Huy

TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hạ Hòa

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/dien-mao-moi-noi-thu-do-van-nghe-khang-chien/186600.htm