Diễn viên nhí sang chấn do bị thay vai: Chống sốc cho trẻ khi vào showbiz

Bé gái bị loại vai trong phim truyền hình gặp sang chấn tâm lý khiến mạng xã hội xôn xao. Một số trẻ chưa kịp lớn đã nổi tiếng, nhưng đằng sau hào quang nghệ thuật là cuộc khủng hoảng, thậm chí trẻ phải trả giá vì thiếu kỹ năng thích ứng.

Ám ảnh bị loại vai

Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao về vụ việc một bé gái bị sang chấn tâm lý do bị loại khỏi một bộ phim truyền hình. Theo chị Phùng Bích Dần (mẹ của bé V.N.B.A), ngày 25/4, chị đưa hai con gái đi thử vai cho phim Đi về phía mặt trời của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn. Phim do công ty TNHH MTV SK Connect sản xuất, dự kiến phát sóng từ tháng 7.

Sau đó, chị Dần được trợ lý sản xuất của đoàn phim là Nguyễn Sĩ Đại thông báo con gái đạt vai Ghến, báo lịch đi quay tại Cao Bằng.

Một số diễn viên nhí đối diện cú sốc tâm lý khi đóng phim

Một số diễn viên nhí đối diện cú sốc tâm lý khi đóng phim

Sau khi nhận lịch quay phim, gia đình chủ động sắp xếp công việc cá nhân và xin phép nhà trường, tạo điều kiện để B.A tham gia. Tuy nhiên, khi gia đình có mặt ở Hà Nội theo lịch hẹn, trợ lý sản xuất lại nói “không cần định trang” cho vai diễn, có thể đến thẳng điểm quay tại Cao Bằng.

Ngày 17/5, gia đình bất ngờ nhận được tin nhắn của người tự giới thiệu là tổ chức sản xuất với nội dung đạo diễn tìm thấy diễn viên cho các phân cảnh ở Cao Bằng, dời địa điểm quay của bé B.A về Hà Nội.

Đoàn làm phim không ký hợp đồng với gia đình B.A. Chị Dần cho biết, đoàn phim liên tục thay đổi kế hoạch khiến diễn viên nhí B.A cảm thấy xấu hổ với bạn bè, phải nhập viện điều trị.

“Mỗi ngày sau đó trôi qua thật nặng nề và cũng thật bức xúc với gia đình tôi. Con buồn, u uất, không thiết ăn uống, không nói cười như mọi ngày. Bác sĩ khám và báo con tôi bị sang chấn tâm lý dẫn đến rối loạn tâm thần”, chị Dần chia sẻ.

Trung tâm đào tạo diễn viên nhí nở rộ nhưng chưa quan tâm nâng cao sức khỏe tinh thần cho trẻ

Trung tâm đào tạo diễn viên nhí nở rộ nhưng chưa quan tâm nâng cao sức khỏe tinh thần cho trẻ

Từng có nhiều đứa trẻ sớm bước chân vào giới giải trí phải đối diện với khủng hoảng. Diễn viên nhí Hà Anh (Những cô gái trong thành phố) nhận nhiều chỉ trích. Khán giả bức xúc trước tính cách khó ưa của nhân vật nên đã dùng nhiều từ ngữ nặng nề chỉ trích cô bé.

Diễn viên nhí Hữu Khang trong bộ phim Chú ơi đừng lấy mẹ con cũng đón nhận những lời khiếm nhã. Khang bị khủng hoảng tâm lý, bỏ ăn uống rồi lên cơn sốt, phải nhập viện....

Với vai An trong Đất phương Nam (1997), Hùng Thuận trở thành một trong những ngôi sao nhí được yêu thích. Tuy nhiên, cuộc đời của nam diễn viên sinh năm 1983 lại rất lận đận do cái bóng quá lớn của vai diễn. Tương tự, Phùng Ngọc nổi tiếng nhờ Đất phương Nam. Sau đó, anh đóng một số phim truyền hình khác nhưng tiền cát-xê không đủ sống. Phùng Ngọc đang kiếm sống bằng nghề cắt tóc và chạy xe ôm.

TS. Lê Thị Quỳnh Nga, giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, trường hợp bé B.A là sự việc đáng tiếc. Trách nhiệm thuộc về nhiều phía, nhưng người gánh chịu hậu quả lại là trẻ em.

“Đặc biệt B.A đang ở độ tuổi vị thành niên, tâm lý chưa phát triển ổn định nên càng gặp khó khăn khi đối mặt, ứng phó và vượt qua các thách thức”, TS. Nga nhận định.

Việc bị sang chấn tâm lý, sa ngã hoàn toàn có thể xảy ra với cả trẻ em và người lớn. Chuyên gia nhấn mạnh, vụ việc bé gái sang chấn tâm lý sau khi bị loại vai là thực tế đáng buồn, bởi các em chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết trước khi tham gia vào con đường nghệ thuật.

Nâng cao sức khỏe tinh thần

TS. Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên (Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam) cho rằng, trước khi làm bất cứ công việc gì các bạn trẻ cũng cần phải tìm hiểu môi trường, cách thức làm việc và định hướng để phát triển nghề nghiệp. “Môi trường nghệ thuật, showbiz vô cùng khắc nghiệt với tốc độ đào thải nhanh khiến những người trong cuộc dễ thấy căng thẳng. Đó là do áp lực, kỳ vọng của bản thân, gia đình khi bước vào showbiz”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nêu.

Trẻ em chưa thể tách khỏi sự quản lý của gia đình. Một khi trẻ bước chân vào hoạt động nghệ thuật, gia đình luôn phải đồng hành với các con. “Trong trường hợp con bị loại vai hoặc chưa nhận được vai như mong muốn, bố mẹ phải động viên, an ủi con, lý giải cho trẻ thấy đó chỉ là một trong những cơ hội để thỏa mãn đam mê”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nói.

Gia đình cũng nên cẩn trọng khi gửi đơn đến các cơ quan chức năng và báo chí. Hành động này là chính đáng, nhằm giải tỏa những bức xúc của gia đình, nhưng ồn ào trên mạng có thể một lần nữa tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ.

Các chuyên gia nhận định, việc tham gia nghệ thuật chỉ là dịp phát triển năng khiếu, thỏa mãn đam mê của các em nhỏ, trong khi nhiệm vụ chính của các em vẫn là học tập.

“Các em có thể tham gia khóa học của các trung tâm năng khiếu, mà ở đó, trẻ chỉ được luyện tập các môn năng khiếu như đàn, hát, múa, diễn xuất,… chứ không được đào tạo những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết”, TS. Quỳnh Nga nhấn mạnh.

Phần lớn những đứa trẻ sớm bước chân vào giới giải trí chưa có nhận thức đầy đủ, tâm lý còn đang phát triển, chưa ổn định. Chuyên gia giáo dục cho rằng, các đoàn làm phim cần quan tâm hơn tới trẻ.

Bên cạnh kỹ năng diễn xuất, người phụ trách nên trang bị thêm cho trẻ kỹ năng ứng phó với nỗi căng thẳng, áp lực do công việc hoặc do chính các em và gia đình tạo ra. Gia đình lắng nghe mong ước của con, tỉnh táo trước khi đồng ý cho con tham gia bất cứ hoạt động nghệ thuật nào. Sự áp đặt thành tích, kỳ vọng quá cao ở con cũng tạo áp lực cho trẻ.

Cần rút kinh nghiệm sâu sắc

Gia đình bé B.A gửi đơn đến cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất, đề nghị tiếp tục gặp gỡ trao đổi để làm rõ sự việc loại vai vào phút chót. Sự việc cũng cho nhà sản xuất bài học khi làm việc với diễn viên nhí. “Về phía đoàn làm phim, dù là hiểu lầm không mong muốn giữa việc trẻ được chọn hay có thể được chọn, vẫn cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc”, TS. Lê Thị Quỳnh Nga nêu.

GIA LINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dien-vien-nhi-sang-chan-do-bi-thay-vai-chong-soc-cho-tre-khi-vao-showbiz-post1652488.tpo