Điều dưỡng làm 10 năm, thu nhập chỉ 7-8 triệu đồng/tháng

Hiện nay, tỉ lệ điều dưỡng nghỉ việc tại các bệnh viện công ở TP.HCM đang khá cao. Điều này dẫn đến lượng điều dưỡng ngày càng mỏng tại các khoa, phòng. Đặc biệt tại các khu vực đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, lực lượng này càng khó tìm. Một phần vì áp lực công việc, nhưng phần nhiều là thu nhập của điều dưỡng hiện nay là quá thấp so với tính chất và yêu cầu công việc đặc thù.

Anh Hồ Thanh Phước, gắn bó với công việc là điều dưỡng tại bệnh viện Lê Văn Thịnh đến nay đã hơn 10 năm. Chưa lúc nào, công việc của các điều dưỡng lại gồng gánh nhiều như hiện nay.

Điều dưỡng HỒ THANH PHƯỚC, Khoa Thận nhân tạo - Nội tiết, bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Hồ Chí Minh: "Từ sau đợt Covid vừa rồi thì một số bạn ở khoa không chịu nổi, xin nghỉ, nên bây giờ công việc ở khoa làm rất nhiều. Có thể tăng thêm 2 tiếng, 3 tiếng. Vì không đủ người làm, tụi em phải gồng gánh cho nhau làm."

Phóng viên PHƯƠNG THẢO: "Áp lực là vậy, thế nhưng thu nhập của các điều dưỡng ở đây thì lại quá thấp. Chính vì vậy, họ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi và ở lại. "

Điều dưỡng MAI THỊ HÀ, Khoa Thận nhân tạo - Nội tiết, bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Hồ Chí Minh: "Thu nhập chỉ khoảng 7-8 triệu/ tháng thôi. Thu nhập như vậy thì không được cao so với thu nhập ở TP.HCM"

Mệt và áp lực - là trạng thái chung của các điều dưỡng lúc này.

Điều dưỡng HỒ THANH PHƯỚC, Khoa Thận nhân tạo - Nội tiết, bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Hồ Chí Minh: "Từ áp lực công việc, đến áp lực gia đình, áp lực xã hội tùm lùm hết luôn. Nhất là công việc đã mệt rồi, mà về nhà, đồng thu nhập của mình nó không đủ để xoay sở, trang trải cho cuộc sống."

Bác sĩ CKII TỪ KIM THANH, Trưởng khoa Thận nhân tạo - Nội tiết, bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Hồ Chí Minh: "Thật sự 7 triệu với các bạn điều dưỡng mà sinh sống ở TPHCM thì cái đó rất chật vật. So với công sức, cũng như thời gian làm việc của các bạn thì để giữ nhân sự này ở lại rất khó. Hơn nữa, lĩnh vực thận nhân tạo là phải làm ít nhất 6 tháng mới thành thạo việc, và chứng chỉ của điều dưỡng thận nhân tạo cũng phải mất 6 tháng theo quy định của BYT mới thực hiện được thận nhân tạo."

Hầu hết các bệnh viện được giao tự chủ tài chính, thế nhưng các chính sách cơ cấu tài chính hiện nay còn nhiều ràng buộc. Vậy nên, bệnh viện dù rất muốn tăng thu nhập cho nhân viên y tế, nhưng không thể thực hiện.

Bác sĩ CKII TRẦN VĂN KHANH, Giám đốc bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Hồ Chí Minh: 'Đối với mức lương, phụ cấp, ưu đãi ngành, thu nhập tăng thêm thì hiện nay tôi cho rằng đang ở giai đoạn thấp. Vì hiện nay đa số bệnh viện được giao tự chủ về tài chính, nhưng mà giá viện phí thì cũng chưa tính đúng tính đủ. Trong khi đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin… cũng tốn kém. Còn các phần ngân sách hỗ trợ chi không thường xuyên cũng như đầu tư thì nhà nước cũng đang còn khó khăn."

Sau đại dịch, nhân viên y tế công lập tại TP.HCM liên tục nghỉ việc, đặc biệt là lực lượng điều dưỡng.

Cho đến nay, những người còn ở lại đều là vì thương bệnh nhân mà gắng gồng. Thế nhưng, thu nhập nếu vẫn cứ không đảm bảo mức sống như hiện nay, không biết, sự gắng gồng ấy còn được đến khi nào.

Thực hiện : Phương Thảo Phạm Tiến

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dieu-duong-lam-10-nam-thu-nhap-chi-7-8-trieu-dongthang