Điều kiện để lập xưởng gỗ

Đang băn khoăn không biết làm thế nào để có đủ điều kiện lập xưởng gỗ tại gia đình thì ông Tủa hay tin, ngày mai chính quyền thôn sẽ mời cán bộ kiểm lâm về hướng dẫn cho bà con những quy định liên quan đến chính sách lâm nghiệp của Nhà nước.

Đang băn khoăn không biết làm thế nào để có đủ điều kiện lập xưởng gỗ tại gia đình thì ông Tủa hay tin, ngày mai chính quyền thôn sẽ mời cán bộ kiểm lâm về hướng dẫn cho bà con những quy định liên quan đến chính sách lâm nghiệp của Nhà nước.

Vì có quá nhiều vấn đề liên quan, nên thắc mắc của ông Tủa phải đến cuối cuộc họp mới được cán bộ kiểm lâm giải đáp. Theo đó, khoản 17 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định: Hồ sơ lâm sản là tài liệu về lâm sản được lưu giữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản và lưu hành cùng với lâm sản trong quá trình khai thác, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, cất giữ. Do đó, muốn lập xưởng gỗ thì ông Tủa phải có hồ sơ lâm sản. Ông còn được hướng dẫn cặn kẽ về các loại hồ sơ kinh doanh, chế biến gỗ, căn cứ tại Mục 2, Chương III, Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó bao gồm, hồ sơ đối với gỗ, thực vật rừng ngoài gỗ và dẫn xuất của thực vật rừng khai thác từ rừng trồng chưa chế biến; hồ sơ đối với gỗ và thực vật rừng ngoài gỗ nhập khẩu chưa chế biến; hồ sơ đối với lâm sản sau xử lý tịch thu chưa chế biến; hồ sơ đối với gỗ, thực vật rừng ngoài gỗ và dẫn xuất của thực vật rừng có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên, từ rừng trồng, nhập khẩu, sau xử lý tịch thu đã chế biến và hồ sơ đối với lâm sản vận chuyển nội bộ…

Đúng là nghề rừng nên phải tìm hiểu cả một… rừng quy định. Ông Tủa còn đang băn khoăn, pha chút ngán ngẩm khi nghĩ tới một núi giấy tờ phải xin để thành lập xưởng gỗ thì được cán bộ kiểm lâm tư vấn thêm, theo điều kiện thực tế tại địa phương và vốn thành lập doanh nghiệp của gia đình thì chỉ nên tập trung vào loại hồ sơ lâm sản vận chuyển nội bộ. Hiện toàn xã có tới hơn 500 ha rừng trồng, xưởng gỗ của ông Tủa chỉ thu mua ngần ấy gỗ của các hộ dân, rồi sơ chế bán cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gỗ, làm cả năm cũng không hết việc. Do đó, ngoài giấy phép xin thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, ông Tủa chỉ phải làm hồ sơ lâm sản vận chuyển nội bộ. Bao gồm, bản chính phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ; bản chính bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập. Trường hợp vận chuyển nội bộ ra ngoài tỉnh đối với lâm sản quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, Điều 6 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT thì bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại và bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản. Nghe đến đây, ông Tủa nhẹ cả người.

Có thế chứ! Ngay ngày mai, ông sẽ bắt tay vào việc làm các thủ tục liên quan đến thành lập xưởng gỗ tại gia đình mình mà không thiếu bất cứ một loại hồ sơ nào nữa. Nếu thuận buồm, xuôi gió, cứ đà này, chỉ vài năm, xưởng gỗ của ông sẽ làm ăn có lãi. Gia đình có thu nhập mà bà con trong xã cũng không phải lao đao vì bị ép giá mỗi độ thu hoạch gỗ rừng trồng.

Vũ Thành

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/dieu-kien-de-lap-xuong-go--628388/