Định danh thương mại điện tử

Theo Bộ Tài chính, kết quả thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đã tăng qua các năm. Cụ thể: năm 2022 thu được 83.000 tỷ đồng, năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm 2024 đã thu được 50.000 tỷ đồng. Đặc biệt, 96 nhà cung cấp nước ngoài, các tập đoàn công nghệ như: Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... đã kê khai và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài là 15.600 tỷ đồng.

Hiện nay, Việt Nam thuộc top 10 thị trường thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chỉ trong năm 2023, tính riêng trên 5 sàn thương mại điện tử, doanh thu giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng qua nền tảng internet của Việt Nam đã đạt 20,5 tỷ USD, với hơn 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công.

Bên cạnh những giá trị tích cực mà thương mại điện tử mang lại cho kinh tế - xã hội nói chung, người tiêu dùng nói riêng thì các hành vi gian lận, lừa đảo thông qua mua - bán hàng trực tuyến cũng đang gây ra thiệt hại rất lớn cho cả người tiêu dùng, thị trường, doanh nghiệp và Nhà nước. Thống kê của Bộ Công thương, trong năm 2023, đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm, chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng mua hàng trực tuyến đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là mất an toàn dữ liệu cá nhân; mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng; hàng nhận không đúng như quảng cáo; đã đặt cọc hoặc trả tiền trước nhưng không được giao hàng; hàng không đủ số lượng như cam kết; không được đền bù hoặc đổi trả sản phẩm; bị dây dưa, kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại...

Theo các chuyên gia, để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, tránh đi các yếu tố may rủi khi giao dịch trên không gian mạng, đồng thời luật hóa trách nhiệm về thuế của người bán hàng và ngăn chặn hành vi lẩn tránh nghĩa vụ thu nộp ngân sách Nhà nước, quy định về xác định danh tính người bán hàng là yêu cầu bắt buộc đặt ra lúc này.

Rõ ràng, nếu mọi cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp bán hàng trực tuyến đều được định danh điện tử, có hồ sơ bán hàng công khai để lưu giữ mọi đánh giá, ý kiến phản hồi của khách hàng, thì người tiêu dùng có thêm cơ sở để quyết định có nên mua hàng của người bán hàng đó hay không. Đây cũng là giải pháp quan trọng khiến cho người bán hàng phải trung thực hơn với khách hàng, nếu không muốn bị tẩy chay trên nền tảng bán hàng ngày càng thịnh hành và hiệu quả này.

Mặt khác, cơ quan thuế hoàn toàn có thể xác định được doanh thu của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, ngăn chặn tình trạng một số hộ kinh doanh vẫn tìm cách lách luật, tránh thuế trong thời gian qua.

Tuy nhiên, việc xác định danh tính được chính xác cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương. Nhiều nhà quản lý kiến nghị, đã đến lúc Bộ Công thương nên tiến hành định danh điện tử cho mọi cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp bán hàng trực tuyến, không chỉ trên sàn giao dịch điện tử mà cả trên các nền tảng mạng xã hội và các trang web khác, bởi việc này không chỉ làm cho công tác quản lý tốt hơn, mà còn nâng tầm việc chống gian lận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc minh bạch hóa các giao dịch và đảm bảo nghĩa vụ thuế không chỉ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá nhân trên thị trường số.

Thiết nghĩ, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước, với sự liên thông của cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh nhân khẩu, với những thay đổi kịp thời trong quan niệm quản lý trên môi trường mạng toàn cầu, việc thực hiện định danh người tham gia bán hàng online không còn là chuyện không thể.

Hoàng Long

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dinh-danh-thuong-mai-dien-tu-post477645.html