Định hướng phát triển không gian theo vùng, lãnh thổ là bước đột phá lớn

Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII diễn ra trong 7 ngày (3 - 9/10) đã đưa ra thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của Đảng, của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Gia Lai quan tâm, theo dõi nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận; đồng thời bày tỏ sự tin tưởng cũng như kỳ vọng vào những quyết sách, kết quả mà Hội nghị đã đạt được.

Ông Nguyễn Minh Trưởng, Bí thư Huyện ủy Ia Pa đánh giá: Hội nghị Trung ương 6 rất có ý nghĩa, đã tập trung bàn và quyết định 5 vấn đề lớn, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống; có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ đổi mới và phát triển hiện nay. Đồng thời góp phần tích cực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội nghị cũng đã bàn để tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ, các nội dung, vấn đề lớn, cốt yếu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Bàn và quyết định các vấn đề rất quan trọng nhưng cũng rất khó, phức tạp và nhạy cảm. Có những vấn đề đã có chủ trương, có chính sách và đã được triển khai nhưng trong thực tiễn vẫn còn bộc lộ những hạn chế hoặc không phát huy kết quả tối ưu.

Cũng theo dõi sát các phiên họp của Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII, ông Nguyễn Văn Khang, Bí thư Chi bộ 1 phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tâm đắc về những nội dung của kỳ họp. Những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước đã được đưa ra để lấy ý kiến, đóng góp rất thiết thực. Trong đó các vấn đề như chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; Chủ trương chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045… là những nội dung nổi bật, thu hút nhiều sự quan tâm của đảng viên, nhân dân. “Mặc dù trong năm qua, tình hình kinh tế có nhiều biến động như giá xăng dầu tăng, thị trường chứng khoán, bất động sản nhiều rủi ro, dịch bệnh… nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, kinh tế- xã hội của đất nước vẫn có nhiều khởi sắc, đà phát triển thịnh vượng. Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh và không có vùng cấm. Những vụ việc nổi cộm, được dư luận quan tâm như vụ kit test Việt Á, chuyến bay giải cứu… được chỉ đạo xử lý nghiêm đã tạo được niềm tin trong nhân dân đối với Đảng…”, ông Khang vui mừng cho biết.

Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII đã đưa ra định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Bí thư Huyện ủy huyện Ia Pa Nguyễn Minh Trưởng, vấn đề Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề mới, rất hệ trọng và phức tạp, nhưng cũng là xu thế tất yếu trong quá trình đổi mới, phát triển của nước ta hiện nay và trong tương lai. Hội nghị đã tập trung đánh giá tình hình phát triển và tổ chức không gian phát triển của đất nước giai đoạn 2011 - 2020 và làm rõ những hạn chế trong thực tiễn. Việc định hướng không gian theo vùng, lãnh thổ để xây dựng cơ chế đặc thù là vô cùng quan trọng trong xu thế phát triển chung. Trong đó có định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới quốc gia... là bước đột phá lớn, kịp thời và có ý nghĩa nhiều mặt.

Để các quyết định của Trung ương sớm được triển khai đồng bộ, bài bản, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ông Nguyễn Minh Trưởng kiến nghị: Khi ban hành chính sách phải tính toán kỹ cơ chế, đảm bảo đủ nguồn lực triển khai thực hiện. Vì có những chính sách ban hành giao cho địa phương thực hiện nhưng nhiều địa phương khó khăn không đủ nguồn lực thực hiện; các chương trình mục tiêu quốc gia vừa mới giải ngân vốn (năm 2021, 2022) trong tháng 10, trong lúc có nhiều quy định mới ban hành nên đề nghị xem xét cho quyết toán trong quý I/2023 (yêu cầu quyết toán trong năm 2022 là rất khó cho các địa phương). Bên cạnh đó, cần điều chỉnh cơ chế, chính sách về trồng rừng, bảo vệ và chăm sóc rừng để khuyến khích người dân (nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số) trồng, chăm sóc và giữ rừng; tạo thêm sinh kế cho người dân tham gia bảo vệ rừng, dân sống gần rừng. Điều này còn góp phần tích cực giảm nghèo bền vững. Việc quy hoạch tổng thể quốc gia với định hướng không gian vùng và cơ chế, chính sách đặc thù rất ý nghĩa và tạo cú hích cho sự phát triển nhưng cũng nên tăng cường chỉ đạo có cơ chế quy định sự liên kết, hợp tác giữa các khu vực, các vùng và các địa phương với nhau. Như vậy, vừa phát huy đặc thù vùng miền để phát triển vừa đảm bảo định hướng không gian phát triển chung của cả nước.

Quang Thái (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/dinh-huong-phat-trien-khong-gian-theo-vung-lanh-tho-la-buoc-dot-pha-lon-20221011145239360.htm