Định vị thương hiệu du lịch xanh

HNN - Huế đang xác định vị trí thương hiệu điểm đến: Du lịch xanh. Tuy nhiên, việc xây dựng và đảm bảo lâu dài cho thương hiệu này không chỉ là những khẩu hiệu, phong trào mà cần sự đồng lòng, trách nhiệm từ nhiều phía.

Cán bộ, nhân viên các đơn vị, doanh nghiệp đạp xe vì môi trường và quảng bá điểm đến Huế

Cán bộ, nhân viên các đơn vị, doanh nghiệp đạp xe vì môi trường và quảng bá điểm đến Huế

Chuyển động mới chỉ ở... bước đầu

Một ngày trên phá Tam Giang, đoàn khách gần 30 người theo tour “Ẩm thực giảm rác thải nhựa - Đầm Chuồn xanh” do Trường Cao đẳng Du lịch Huế cùng các đơn vị lữ hành xây dựng đã có những trải nghiệm thú vị. Không sử dụng chai nhựa dùng một lần, những vị khách được khuyến khích mang theo chai nước cá nhân, có thể lấy nước ở điểm mà đoàn hướng dẫn. Một trong những điều mà nhiều du khách hài lòng là hoạt động đi chợ và mua hải sản đầm phá, rồi chế biến món ăn nhưng không sử dụng túi ni-lông. Từ chuyến đi ấy, cả đơn vị tổ chức, cơ sở kinh doanh và du khách đều lan tỏa một thông điệp xanh: Chung tay giảm rác thải nhựa.

Tính đến nay, TP. Huế đã có 4 điểm du lịch giảm thải nhựa, gồm: Du lịch Thủy Xuân, du lịch cộng đồng Cầu ngói Thanh Toàn, phường Thanh Thủy; du lịch cộng đồng ở Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc, xã Đan Điền; du lịch đầm Chuồn, phường Mỹ Thượng. Người dân làm du lịch cam kết thay đổi thói quen, chuyển sang các đồ dùng, vật liệu thân thiện môi trường.

Bên cạnh nỗ lực giảm rác thải nhựa, ngành du lịch cùng các đơn vị cũng đang tổ chức nhiều hoạt động để đẩy mạnh tuyên truyền, tạo thói quen và kêu gọi sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch, người dân, du khách trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Một trong những điểm dễ nhận thấy và được du khách đánh giá cao là dịch vụ xe đạp điện trợ lực. Đây được ví như một trong những bước đổi mới trong việc phát triển du lịch xanh tại Huế. Những chiếc xe đạp này hoạt động êm ái, thân thiện với môi trường, không gây tiếng ồn, giảm khí thải, phù hợp với không gian và cảnh quan cổ kính, yên bình ở Huế.

Bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, so với giai đoạn trước, Huế đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong xu hướng du lịch xanh, du lịch không rác thải nhựa. Dần dần, càng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, những người làm du lịch cam kết giảm nhựa, xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, hướng đến bảo vệ môi trường.

Theo các chuyên gia du lịch, những kết quả đạt được trên là bước chuyển đáng mừng của du lịch Huế. Song, đó mới chỉ là chuyển động bước đầu. Xác định vị trí thương hiệu là hiểu rõ những suy nghĩ của các thị trường tiềm năng về “điểm đến Huế” và đảm bảo rằng, Huế có một vị trí tích cực trong mắt du khách so với các nơi khác. Đây cũng là việc đảm bảo “điểm đến Huế” là gì, những điểm mạnh của Huế và Huế có gì đặc biệt vượt xa những điểm đến khác. Để Huế sẽ nổi lên như một điển hình sinh động cho du lịch xanh, có trách nhiệm và chất lượng, sẽ cần một hành trình bền bỉ và lâu dài với sự vào cuộc, chung tay của tất cả mọi người.

Cộng đồng trách nhiệm

Lợi thế hiện có của du lịch Huế là khung cảnh thiên nhiên gần như còn giữ được màu xanh nguyên sơ, cây cối phủ xanh khắp nơi. Điều này thể hiện vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương, của nhiều thế hệ người Huế trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ môi trường tự nhiên xanh. Ở nhiều nơi khác, sự "tăng trưởng nóng", can thiệp thô bạo của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã dẫn đến tình trạng phá vỡ cảnh quan tự nhiên.

Mặc dù đã định hình được thương hiệu điểm đến Huế - Du lịch xanh nhưng để đảm bảo lâu dài cho thương hiệu này không chỉ là những khẩu hiệu, phong trào mà cần sự đồng lòng, trách nhiệm từ nhiều phía. Điều này đòi hỏi chính quyền, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng cùng tham gia hoạch định và thực thi các chiến lược phát triển du lịch.

Theo bà Trần Thị Hoài Trâm, ngành du lịch cùng với các ban, ngành, đơn vị đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, lan tỏa những thông điệp về bảo vệ môi trường và giữ gìn giá trị di sản văn hóa; hướng đến một xứ Huế “Xanh - Sạch - Sáng”. Mới đây, Sở Du lịch vừa phối hợp với các đơn vị tổ chức hoạt động đạp xe vì môi trường với chủ đề “Áo dài qua phố” năm 2025.

Ngành du lịch cũng sẽ tiếp tục xây dựng thêm một số tuyến, tour gắn với du lịch xanh, đặc biệt ở khu vực di sản; mở các khóa tập huấn, vận động các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên du lịch thực hiện Bộ quy tắc giảm nhựa (được Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Du lịch thực hiện). Đồng thời, ứng dụng những thành tựu công nghệ số vào công tác quản lý, phát triển du lịch xanh. Sở cũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn mở rộng mạng lưới kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau, xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/du-lich/dinh-vi-thuong-hieu-du-lich-xanh-155236.html