Đổ lỗi phải khách quan

Thiên tai lũ lụt là điều không ai mong muốn, nhưng qua đợt mưa lũ lịch sử gây tổn thất nặng nề cho các tỉnh miền Trung vừa qua, một số ý kiến vội vàng đổ tại cho sự phát triển ồ ạt các công trình thủy điện. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, suy diễn này không khách quan, việc bình luận, quy chụp không chỉ mang tính chủ quan, mà còn thiếu trong sáng.

Theo Bộ Công thương, hiện cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác, chiếm 40% công suất và 37% điện năng của hệ thống điện. Các hồ chứa thủy điện có tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước.

Số liệu thống kê cho thấy, có đến 520 tỷ m3 nước từ các sông, suối từ bên ngoài lãnh thổ chuyển vào nước ta, nếu không có các hồ thủy điện, hàng trăm tỷ m3 nước sẽ trôi ra biển một cách hết sức lãng phí.

Xét về mặt hiệu quả vận hành, chỉ thủy điện mới có khả năng vận hành linh hoạt đáp ứng nhanh theo sự thay đổi nhu cầu công suất của hệ thống điện. Đồng thời, có thể tối ưu hóa biểu đồ phụ tải hơn các nguồn điện của các nhà máy nhiệt điện hoặc điện mặt trời, điện gió.

Mặt khác, các hồ thủy điện đã làm tốt chức năng phân lũ, chặn đứng được những cơn lũ thường xuyên xảy ra trên địa bàn cả nước. Thực tế, đợt mưa lũ vừa qua ở miền Trung, hồ thủy điện Quảng Trị cắt được 296m3 trên lưu lượng nước 1.400m3/s; Thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên Huế) cắt được 2.052m3/s trên lưu lượng đổ về 4.552m3/s; Thủy điện Đắk Mi 4 cắt được 2.353m3/s trên lưu lượng đổ về 3.149m3/s; Thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Nam đã cắt được 50% lũ trên lưu lượng nước 17.000m3/s đổ về...

Bộ Công thương khẳng định, quá trình vận hành hồ chứa, thủy điện ở các địa phương thời gian qua rất tốt. Nếu không có các hồ thủy điện cắt lũ, giảm dần lượng nước, tổn hại do mưa lũ gây ra còn lớn hơn rất nhiều.

Mặc dù vậy, sau trận mưa bão lịch sử ở miền Trung, nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu thủy điện có gây thêm lũ lụt, sạt lở đất?

Nhiều nhà khoa học chỉ ra, khi mưa lớn thì thủy điện phải xả lũ nhưng lượng xả tối đa sẽ chỉ bằng lượng nước đổ về nên việc lũ quét gây hậu quả nghiêm trọng là do lượng mưa quá lớn chứ không phải do thủy điện xả lũ. Đợt mưa kéo dài trong tháng 10 ở miền Trung nhiều nơi ghi nhận hơn 2.000mm là nguyên nhân chính dẫn tới lũ lụt, gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong khi đó, cả khu vực miền Trung nằm trên cấu trúc có dải đứt gãy, nhiều đỉnh núi dốc, độ che phủ còn thấp, nên được xác định là nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Mặt khác, khu vực này khô cạn kéo dài khi mưa xuống thì toàn bộ đất ngậm nước, không có nền tảng chắc chắn, sẽ tạo ra trượt đất, dẫn đến tổn thất bất ngờ.

Cần phải khẳng định, phát triển thủy điện nhỏ là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết trong bối cảnh chúng ta chưa đảm bảo đủ an ninh năng lượng, nhưng vấn đề cần quan tâm hiện nay là công tác quản lý đảm bảo chặt chẽ và khoa học, để phát huy tác dụng tốt thủy điện nhỏ.

Sự lo lắng, bức xúc của người dân là chính đáng khi việc phát triển thủy điện nhỏ chưa gắn liền với việc tái tạo và bảo vệ phát triển rừng, hay công tác bảo vệ môi trường, bồi hoàn trong quá trình thi công; quy trình vận hành xả lũ, thông tin trước khi thủy điện xả lũ còn nhiều bất cập...

Thiết nghĩ, để ứng phó với biến đổi cực đoan của thời tiết, Bộ Công thương cần rà soát lại tổng thể toàn bộ tất cả các thủy điện nhỏ. Nếu như báo cáo đánh giá tác động môi trường của tất cả những dự án thủy điện làm tốt, bài bản, khoa học, thì chắc chắn không xảy ra những thảm cảnh do tác động xấu của thủy điện đã gây ra.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/do-loi-phai-khach-quan-post434801.html