Đổ vỡ đàm phán Mỹ-Triều và những rủi ro

Phái đoàn Triều Tiên do ông Kim Myong-gil dẫn đầu và phái đoàn Mỹ do đặc phái viên phụ trách vấn đề Triều Tiên Stephen Bigan làm trưởng đoàn đã có cuộc đàm phán cấp chuyên viên chính thức tại Stockholm ngày 5-10. Tuy nhiên, không chờ đến lúc kết thúc đàm phán, các nhà ngoại giao Triều Tiên đã rời cuộc họp. Sau đó, ông Kim Myong-gil tuyên bố về sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán Triều-Mỹ là do 'người Mỹ đến họp mà tay trắng, không hề có sự chuẩn bị nào' và 'không thèm để ý đến yêu cầu của Triều Tiên. Chính kiểu làm việc như vậy đã đẩy lui mọi nỗ lực đàm phán'.

Phái đoàn Triều Tiên họp báo, tố Mỹ phá vỡ đàm phán. Ảnh: REUTERS

Phái đoàn Triều Tiên họp báo, tố Mỹ phá vỡ đàm phán. Ảnh: REUTERS

Sau đó, ngày 6-10, Triều Tiên đã bác bỏ khả năng tổ chức thêm bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ nếu Washington không có những "động thái đáng kể" trong việc thu hồi chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng. Triều Tiên cũng chỉ trích Mỹ lợi dụng các cuộc đàm phán Triều-Mỹ để phục vụ các mục đích chính trị trong nước và cho lan truyền một câu chuyện vô căn cứ rằng hai nước sẽ nhóm họp trở lại sau 2 tuần nữa.

Trong một tuyên bố bằng tiếng Anh được Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên đăng tải, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết: "Chúng tôi không có ý định tổ chức các cuộc đàm phán vô nghĩa như vừa qua chừng nào Mỹ vẫn không có các động thái đáng kể để rút lại hoàn toàn và không thể đảo ngược chính sách thù địch đối với Triều Tiên.... Số phận của tương lai đàm phán Triều -Mỹ phụ thuộc vào thái độ của phía Mỹ, và cuối năm nay là thời hạn chót".

Trong khi đó, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Mỹ đã chấp nhận đề nghị của Thụy Điển rằng hai nước trở lại Stockholm vào 2 tuần nữa để tiếp tục các cuộc thảo luận. Giới chuyên gia cho rằng hiện chưa rõ Triều Tiên có trở lại bàn đàm phán hay không, nhưng có thể Bình Nhưỡng đang sử dụng chiến lược đàm phán "bên miệng hố chiến tranh" để giành sự nhượng bộ từ Mỹ cũng như lợi thế khi tham gia các cuộc đàm phán sau này. Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và cũng là chuyên gia về Triều Tiên, nói: "Họ muốn tạo ấn tượng rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng bế tắc trong các cuộc đàm phán Mỹ-Triều hiện nay là do phía Mỹ không linh hoạt. Họ muốn buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán với một thái độ đàm phán có lợi cho Bình Nhưỡng hơn, hoặc thậm chí muốn buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều để duy trì động lực cho tiến trình ngoại giao".

Vipin Narang, chuyên gia về các vấn đề hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts, nói thêm rằng Triều Tiên đang "câu giờ" để tiếp tục mở rộng và cải thiện sức mạnh hạt nhân cũng như tên lửa của mình, đồng thời đàm phán các điều kiện mà theo đó họ được công nhận là một cường quốc hạt nhân. Ông nói: "Nếu đúng như thế, chiến lược của họ sẽ là làm dấy lên hy vọng về một thỏa thuận ảo tưởng trong tương lai nhưng thực tế lại trì hoãn các cuộc đàm phán, chứ đừng nói đến việc kiến tạo hay thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào như vậy".

Ông Alexey Arbatov, người đứng đầu Trung tâm An ninh Quốc tế tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, dự đoán rằng mâu thuẫn Mỹ-Triều và tình trạng thiếu tiến bộ trong quá trình đàm phán với Washington có thể khiến Bình Nhưỡng nối lại hoạt động thử hạt nhân. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Sputnik, ông Arbatov cho rằng mâu thuẫn chính hiện nay giữa Mỹ và Triều Tiên nằm ở chỗ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, trong khi Mỹ khăng khăng tuyên bố sẽ từng bước dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu phía Triều Tiên cũng dần dần hủy bỏ chương trình hạt nhân. Ông Arbatov nhấn mạnh: “Rủi ro chính là Triều Tiên sẽ bất chấp lệnh cấm thử hạt nhân. Như một công cụ bổ sung để gây áp lực, ngoài việc phóng tên lửa đạn đạo mà Bình Nhưỡng thường xuyên tiến hành, Triều Tiên có thể tiến hành những vụ thử hạt nhân mới. Tuy nhiên, những hành động đó có thể làm bùng phát khủng hoảng, dẫn đến những lệnh trừng phạt mới và sức ép quân sự mới đối với Triều Tiên”. Ngoài ra, theo quan điểm của ông Arbatov, viễn cảnh đó có thể thúc đẩy sự rạn nứt mới trong quan hệ Nga-Mỹ. Ông nói: “Mỹ có thể đề xuất Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết mới lên án Triều Tiên, mà tôi không tin là trong tình huống như vậy, Nga và Trung Quốc sẽ ủng hộ Mỹ. Do vậy, đây có thể là sự khởi đầu cho một cuộc bất đồng nữa giữa Nga và Mỹ”.

Tuy nhiên, chuyên gia Arbatov cũng không loại trừ khả năng Mỹ-Triều sẽ nối lại đối thoại trong năm nay sau một thời gian ngắt quãng nào đó: “Có lẽ họ sẽ đi tới một vài phương án mới để dỡ bỏ trừng phạt theo giai đoạn..... Có thể sẽ diễn ra một cuộc gặp bổ sung trước khi năm 2019 kết thúc. Khó có khả năng diễn ra cuộc gặp ở cấp cao nhất, nhưng ở cấp ngoại trưởng thì hoàn toàn có thể”.

Trong khi đó, Dan Pinkston - chuyên gia về quan hệ quốc tế tại trường Đại học Troy ở Mỹ, người lâu nay vẫn hoài nghi về việc các cuộc đàm phán Mỹ-Triều sẽ mang đến kết quả tích cực bởi theo ông hai nước thiếu các cuộc đối thoại liên tục - tỏ ra nghi ngờ về các cam kết cũng như ý định của Triều Tiên. Trao đổi với Asia Times, ông Pinkston nói: "Do những ý tưởng, quan niệm, nhận thức, nhãn quan thế giới, ý thức hệ và động cơ chi phối cách hành xử của giới lãnh đạo Triều Tiên nên khi nhìn vào những cái đó, hoàn toàn không nhận thấy bất cứ chỉ dấu nào chứng tỏ họ đã thay đổi và họ sẽ giải giáp"./.

Theo TTXVN

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thegioi/201910/do-vo-dam-phan-my-trieu-va-nhung-rui-ro-2967339/