Đoàn ĐBQH tỉnh ta thảo luận tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Sáng 9.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận tập trung tại hội trường về báo cáo phát triển KT-XH năm 2021, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan đồng tình với báo cáo của Chính phủ và các ý kiến phát biểu đánh giá, nhận định tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Đại biểu cho rằng đại dịch Covid – 19 là phép thử với nền kinh tế và đã bộc lộ những thách thức, khó khăn đối với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm một số nội dung:

Phó trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan phát biểu thảo luận tại hội trường

Phó trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan phát biểu thảo luận tại hội trường

Thứ nhất, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 cần phải đặt trong tổng thể kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Chính phủ cần đẩy nhanh lập quy hoạch vùng, phê duyệt quy hoạch tỉnh, việc phê duyệt quy hoạch cần chú trọng tính liên kết vùng, định hướng phát triển kinh tế các vùng trọng điểm, lựa chọn địa phương, đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính. Tích hợp, phối hợp đa ngành, các lĩnh vực tiềm năng lợi thế khu vực, liên kết vùng tiêu thụ sản phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến.

Thứ hai, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng, tập trung kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm Bắc - Nam; phát triển cảng biển các tỉnh miền Trung; đầu tư kết nối cơ sở hạ tầng liên vùng các tỉnh Tây Nguyên với thành phố Hồ Chí Minh; kết nối hệ thống đường cao tốc mang tính liên vùng giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Quan tâm xây dựng cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Phú Thọ -Tuyên Quang - Hà Giang để liên kết vùng và các tỉnh trong khu vực, gắn kết giao thông cửa ngõ đối ngoại với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc qua cửa khẩu Thanh Thủy Hà Giang. Tạo động lực phát triển KT-XH gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh địa bàn chiến lược của các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, tạo điều kiện để các tỉnh trong khu vực kết nối với các khu kinh tế trọng điểm trong cả nước.

Thứ ba, từ thực tiễn phòng, chống Covid -19 vừa qua, việc thực hiện phong tỏa, giãn cách kéo dài ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương là khu công nghiệp tập trung trọng điểm về sản xuất công nghiệp đã tác động tiêu cực đến chỉ số tăng trưởng kinh tế của cả nước và hệ lụy của làn sóng di cư, dịch chuyển của người lao động về quê. Vì vậy cần tính đến giải pháp giãn cách các khu công nghiệp, nhà máy gia công lắp giáp, phụ trợ, sử dụng lao động thủ công về các tỉnh vệ tinh lân cận để tận dụng lao động địa phương, giảm áp lực cho các thành phố lớn, các khu công nghiệp lớn.

Các thành phố, đô thị có lợi thế đặc biệt nên chuyển hướng quy hoạch xây dựng là trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, khả năng cạnh tranh quốc tế cao, sử dụng lao động tay nghề cao, chất lượng cao, thực hiện đô thị hóa theo mô hình trung tâm đô thị tài chính, công nghệ cao của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư, cần cơ cấu lại đầu tư công, trong đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Tập trung đầu tư cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển KT-XH. Cân đối và ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng động lực, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Cần rà soát, tập trung và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đúng mục tiêu, hiệu quả và tính cấp bách của chương trình để người dân và đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo sinh kế, có việc làm ổn định, yên tâm sinh sống và sản xuất tại quê hương mình nhất là đối với những lao động di chuyển từ các khu công nghiệp trở về quê hương do dịch bệnh Covid -19.

Thứ năm, qua 2 năm đại dịch Covid-19, cần cơ cấu lại nền nông nghiệp trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH-CN, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, liên kết vùng trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững giữa các địa phương nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng, địa phương như miền núi phía Bắc. Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, ổn định xã hội, gắn với xây dựng NTM để người dân được nâng cao đời sống và phát triển bền vững.

Thứ sáu, cử tri Hà Giang mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, bố trí vốn hoàn thành mục tiêu Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi theo Quyết định 2081 đã phê duyệt; tỉnh Hà Giang có 319 công trình, hiện mới đạt 79 công trình. Xem xét sửa đổi trình tự, thủ tục điều chuyển công trình cấp điện được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hướng ủy quyền cho địa phương; rút ngắn quy trình, đẩy nhanh tiến độ bàn giao các công trình điện đã hoàn thành cho ngành Điện quản lý để người dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả…

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202111/doan-dbqh-tinh-ta-thao-luan-tai-ky-hop-thu-hai-quoc-hoi-khoa-xv-784142/