ĐOÀN ĐBQH TP. HỒ CHÍ MINH GIÁM SÁT VIỆC ĐỔI MỚI SÁCH GIÁO KHOA VÀ GIÁO DỤC THÔNG MINH

Sáng nay 21/7, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố cùng các Sở ngành liên quan, nhằm giám sát và chỉ đạo kịp thời đối với các công tác triển khai thực hiện hai nghị quyết liên quan chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông và triển khai thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn từ phía Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Thực hiện theo chương trình giám sát của Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông và triển khai thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn TP.HCM, sáng nay 21/7, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố cùng các Sở ngành liên quan, nhằm giám sát và chỉ đạo kịp thời đối với các công tác nêu trên. Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, chủ trì buổi làm việc.

Theo đó, nội dung tại cuộc họp xoay quanh: 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 của Bộ GD-ĐT được đánh giá cao về thiết kế mới mẻ, hấp dẫn, nội dung có sự phân hóa, sắp xếp theo trật tự chủ đề, đáp ứng yêu cầu. Cũng trong tháng 5 vừa qua, cả 5 bộ sách giáo khoa này đều được các trường tiểu học trên địa bàn Thành phố tiếp cận và lựa chọn, tuy nhiên bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo” được 412/471 trường học trên địa bàn Thành phố lựa chọn, chiếm tỉ lệ cao nhất. Hiện nay, Tp.HCM đã hoàn tất bồi dưỡng cho gần 500 giáo viên cốt cán của các quận, huyện về chương trình giáo dục theo sách giáo khoa mới. Và trong thời gian từ 29/7 đến 01/8, tất cả giáo viên các trường tiểu học trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục được tập huấn, để kịp thời triển khai giảng dạy trong năm học tiếp theo.

Cũng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hai môn tiếng Anh và Tin học sẽ triển khai bắt buộc từ lớp 3 và tự chọn đối với hai khối 1, 2. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các cơ sở giáo dục là việc tuyển dụng giáo viên, vì chưa có quy định trong đề án vị trí việc làm. Bên cạnh đó, theo quy định, giáo viên tiếng Anh phải có bằng cử nhân sư phạm mới đủ điều kiện giảng dạy ở bậc tiểu học, trong khi không đủ giáo viên đáp ứng.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Năm học 2019 – 2020, toàn thành phố ước đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi), nhưng không đồng đều ở các quận, huyện. Các quận, huyện như Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú, Quận 12 có tỉ lệ chưa đạt đến 50%, do còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất.

Ông Trần Hoàng Ngân – Đại biểu Quốc hội đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM – phát biểu: “Nghe nói là tăng trưởng GDP của Tp.HCM mình rất lớn, năng suất gấp 2,8 lần so với cả nước, nhưng tôi lại quan trọng nhất là chỉ số hạnh phúc. Hiện nay các thành phố lớn quan tâm đến chỉ số hạnh phúc, mà hạnh phúc là được học, được bảo vệ sức khỏe, được an toàn… cho nên yếu tố về trường học là quan trọng. Mà trường học hiện nay tôi chia ra thì có bình quân 40 học sinh/lớp. Nên thực hiện chương trình này mà 40 là khó, mình phải giảm số lượng học sinh, như vậy phải giải quyết bài toán về cơ sở giáo dục.”

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cũng quan tâm đến việc Thành phố cần rút ngắn được thời gian chuyển đổi giữa chương trình Sách giáo khoa cũ và mới, nhanh chóng đánh giá được kết quả trong lộ trình chuyển đổi chương trình SGK.

Trả lời cho vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học cũng cho biết Sở Giáo dục, cho biết: “Nếu trước đây cải cách giáo dục từ lớp 1-12 phải trải qua 12 năm mới hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, thì hiện nay chỉ cần 5 năm từ lớp 1-12 đã hoàn thành chương trình GDPT này, vì nó có gối đầu. Ví dụ như năm học sắp tới đây chỉ có lớp 1, nhưng 2021-2022 sẽ có lớp 2 và lớp 6, rồi các năm tiếp theo thì sẽ tiếp tục như thế, nên chỉ cần 5 năm là đã có thể giải quyết xong chương trình GDPT mới.”

Bên cạnh đó, liên quan đến hệ thống giáo dục thông minh đang được áp dụng tại một số trường học trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, cũng cho biết đây là hệ thống giáo dục được định nghĩa thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, giúp tăng khả năng kết nối giữa Sở Giáo dục – nhà trường – gia đình – học sinh. Đồng thời tạo ra sự thuận lợi trong quá trình giám sát, nắm bắt thông tin hai chiều giữa gia đình và nhà trường một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở Giaos dục - Đào tạo Tp.HCM bày tỏ: “Căn bản của giáo dục thông minh là làm sao cho công việc giảng dạy của thầy cô được nhẹ nhang đi, quản lý hồ sơ giấy tờ được bớt đi, các sổ sách của Bộ quy định là không thể bỏ đi mà chuyển sang sử dụng trên máy và phần mềm. Vừa qua trong dịch Covid, thì nền tảng là các thầy cô giáo đã được bồi dưỡng, được tập huấn, để đàm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý nhà trường.”

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã nhấn mạnh, bên cạnh những mặt thuận lợi khi thực hiện 2 nghị quyết tại cơ sở, Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố cũng cần quyết tâm khắc phục triệt để những khó khăn còn tồn tại như: Xem xét các biện pháp hỗ trợ về giá thành sách giáo khoa đối với trường hợp học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố; Phát triển các hạ tầng dân cư, các khu chung cư, cơ sở nhà máy, xí nghiệp cần đồng bộ với cơ sở giáo dục để đảm bảo vừa giải quyết bài toán dân số, cơ sở hạ tầng vừa đảm bảo được các phúc lợi xã hội như giáo dục, y tế cho người dân; Quan tâm, tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên khi đổi mới chương trình sách giáo khoa; Tăng cường giám sát cơ sở đối với triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, tập trung phát huy kỹ năng của học sinh, kết hợp dạy chữ dạy người, định hướng nghề nghiệp vì một nền giáo dục phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, phát huy tiềm năng của một học sinh thời đại mới.

Kết luận buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận những kiến nghị đóng góp của các đại biểu các Sở, ban ngành thành phố; Đồng thời cho biết Đoàn sẽ tổng hợp và trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục giám sát và có hướng chỉ đạo trong thời gian tới./.

Vũ Thạch

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=47113