Đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động trong Đảng ta hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, là anh hùng giải phóng dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới. Sinh thời tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, Người đã sớm nhận thấy cần thiết phải thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, thường xuyên chú trọng xây dựng Đảng là khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, đảm bảo cho dân tộc ta giành thắng lợi này đến thắng lợi khác.

1. Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy tính tất yếu tổ chức ra chính Đảng của giai cấp công nhân để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người đã cho rằng, cách mệnh phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Do đó, Người đã tích cực hoạt động chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản nên ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự đặc sắc, sáng tạo của Người là đưa ra quy luật hình thành đảng đặc thù ở Việt Nam, đã khai thác có hiệu quả giá trị tốt đẹp của dân tộc có truyền thống yêu nước và đoàn kết toàn dân tộc trở thành một nội dung yêu cầu quan trọng để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam là phải “đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động” trong Đảng.

 Ảnh: tuyengiao.vn

Ảnh: tuyengiao.vn

2. Tư tưởng đặc sắc của Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam là xây dựng khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động. Xuất phát từ vai trò của việc tăng cường đoàn kết thống nhất sẽ nhân lên sức mạnh, là vấn đề sống còn của cách mạng và là nền tảng cho mọi thành công của Đảng. Đây là sự kế thừa phát triển sáng tạo nguyên lý tập hợp lực lượng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền thống của dân tộc vào công tác xây dựng Đảng kiểu mới ở Việt Nam. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng là nền tảng để mở rộng đoàn kết, là tập hợp lực lượng cách mạng của toàn dân tộc, để đấu tranh chống lại kẻ thù dân tộc và giai cấp nhằm phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Ở mỗi giai đoạn của cách mạng, Người đều nhắc nhở phải làm cho Đảng đoàn kết, thống nhất, vững mạnh đáp ứng yêu cầu lãnh đạo nhiệm vụ mới. Vì mỗi giai đoạn của của cách mạng có những đối tượng, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau thì phải có đường lối chiến lược, sách lược mới nên cần có sự đoàn kết và thống nhất ý chí trong toàn Đảng thì mới hoàn thành sứ mệnh. Đoàn kết thống nhất trong Đảng, có nghĩa là không có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; không có tình trạng kèn cựa địa vị, nói xấu lẫn nhau. Đoàn kết thống nhất là Đảng tuy nhiều người nhưng khi tiến đánh chỉ như một người. Đoàn kết thống nhất trong Đảng phải được xem là một chiến lược lâu dài, là nhân tố cần thiết để bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Người coi việc giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực thể hiện tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong chính phủ, với nhân dân trong nước và với bầu bạn quốc tế. Khi sinh thời Bác rất coi trọng “đoàn kết” trong hành động thực tế, khi có biểu hiện chưa đoàn kết trong một bộ phận cán bộ chủ chốt của Đảng, Bác bảo phục vụ làm những chiếc bánh mang tên “đoàn kết” để sau bữa ăn tặng cho cán bộ mang về làm quà. Những buổi gặp các cháu thiếu nhi, nhi đồng, đoàn viên, thanh niên, Bác bắt nhịp bài ca “kết đoàn”. Người đã thấy vai trò chiến lược và sức mạnh đoàn kết là: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công. Trước lúc đi xa, trong Bản Di chúc thiêng liêng với dung lượng không dài, nhưng Người đã chú trọng căn dặn phải đoàn kết trong Đảng: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Thực tế hiện nay, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thực hiện chưa tốt yêu cầu đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động. Nói chưa đi đôi với làm, miệng nói dân chủ nhưng làm thì quan chủ. Miệng nói phục vụ lợi ích Tổ quốc, lợi ích của nhân dân, nhưng lại vun vén cá nhân và lợi ích nhóm, tham ô, tham nhũng tài sản của đất nước gây bất bình trong nhân dân… Nguyên nhân của những biểu hiện suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên là do thiếu tu dưỡng trong học tập, rèn luyện; chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình…

3. Ý nghĩa đối với củng cố, tăng cường đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động ở cấp ủy, tổ chức đảng hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những luận điểm của Người về xây dựng tổ chức cơ sở đảng mà trực tiếp là cấp ủy, chi bộ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng. Chi bộ tốt thì mọi việc tốt”. Chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng, là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng. Chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh: “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở”. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí… Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được lực lượng vĩ đại của quần chúng”. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải đoàn kết bằng công việc, nói đi đôi với làm, đoàn kết thực sự, thống nhất ý chí, hành động và kỷ luật. Muốn đoàn kết tốt thì phải phê bình và tự phê bình tốt, nghĩa là xuất phát từ đoàn kết mà phê bình và tự phê bình. Tự phê bình và phê bình để đi đến đoàn kết hơn nữa.

Thực tế cho thấy, nếu cấp ủy, tổ chức đảng mà đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động thì sẽ lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, sự gắn kết và tình yêu thương giữa cán bộ, đảng viên sẽ tăng cường. Ngược lại, cấp ủy, tổ chức đảng mà không đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động thì sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ, sẽ không có sự gắn kết và tình yêu thương giữa cán bộ, đảng viên. Vì thế, xây dựng và bồi đắp đoàn kết thống nhất trong Đảng từ hạt nhân chính trị ở cơ sở là cấp ủy, chi bộ phải tiến hành thường xuyên mà trước hết là người đứng đầu. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, tạo chuyển biến về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng…”. Để tăng cường sự đoàn kết thống nhất ở cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở cần thực hiện một số yêu cầu, giải pháp sau đây:

Một là, đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, quan điểm, Điều lệ của Đảng. Đây là cơ sở tạo sự thống nhất về tư tưởng, tổ chức, từ đó thống nhất về hành động của mỗi đảng viên, tổ chức đảng. Sự chuyển biến nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, mọi đảng viên phải tích cực học tập, cập nhật thông tin, bằng nhiều hình thức để nắm vững đường lối của Đảng.

Hai là, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Dân chủ là một điều kiện quan trọng để có đường lối, nghị quyết đúng. Đó là phương pháp căn bản khắc phục những bất đồng về tư tưởng. Dân chủ rộng rãi không tách rời tập trung nghiêm ngặt. Tập trung bảo đảm thống nhất về ý chí và hành động, bảo đảm cho kỷ luật Đảng được chấp hành triệt để.

Ba là, xây dựng tình đồng chí thương yêu lẫn nhau trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng. Người cán bộ, đảng viên trước hết phải có tâm trong sáng, có văn hóa, khiêm tốn, cầu thị, khoan dung, độ lượng, bình tĩnh trong xử sự công việc, ân tình trong ứng xử, vì sự tiến bộ của mỗi người và tập thể. Tình thương yêu, tôn trọng nhau, tôn vinh những thành công, những mặt tích cực của người khác là chìa khóa để phát huy dân chủ rộng rãi, nguyên tắc tập trung dân chủ được đề cao, kỷ cương, kỷ luật được thực hiện tốt nhất.

Bốn là, thường xuyên thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình ở mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật do quần chúng nhân dân và truyền thông phát hiện chứ không phải chủ yếu do tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng. Điều đó cho thấy tinh thần đấu tranh, thái độ phê bình tự phê bình của cán bộ, đảng viên thường xuyên và bảo đảm chất lượng cao hơn nữa.

Năm là, kiên quyết chống lại những biểu hiện quan liêu, độc đoán, chuyên quyền ở cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng. Người cán bộ, đảng viên cần thật sự sát dân, gần dân, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Đảng cầm quyền nhưng nhân dân là chủ, là gốc, là nguồn sinh lực vô tận cho Đảng, nên phải thường xuyên chăm lo, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Người cán bộ, đảng viên ở cơ sở mà có biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng thì sẽ làm suy yếu Đảng, không còn là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong bối cảnh đại hội đảng các cấp đang diễn ra, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vấn đề giữ gìn đoàn kết thống nhất trong cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Chỉ có đoàn kết thống nhất, đại hội mới sáng suốt đưa ra quyết định đúng và trúng những vấn đề trọng yếu, mới chọn ra được đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm, có tài phụng sự cho lợi ích của tập thể, cho cách mạng và vì nhân dân.

Đại tá PGS, TS LƯU NGỌC KHẢI

Nguyên Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh/dang-cam-quyen-theo-tu-tuong-ho-chi-minh/doan-ket-thong-nhat-ve-y-chi-va-hanh-dong-trong-dang-ta-hien-nay-617577