Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc

Chiều 8/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh làm việc với Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc. Ảnh: Trà Hương

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh làm việc với Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc. Ảnh: Trà Hương

Tiếp, làm việc với Đoàn khảo sát có các đồng chí: Lưu Văn Dũng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH; Trần Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV.

Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tham quan cơ sở vật chất, các khoa, phòng, xưởng thực hành của Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc.

Đồng chí Nguyễn Trung Thiện, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường đã báo cáo với Đoàn khảo sát về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giảng viên; cơ cấu ngành nghề; công tác đào tạo và các thành tích trong đào tạo nghề của nhà trường; trong đó, nhấn mạnh về tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định, sự phát triển của các ngành nghề chất lượng cao...

Đồng thời, nêu những khó khăn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo như hiện tượng “chảy máu chất xám” khi không còn những giáo viên giỏi do chế độ đãi ngộ giáo viên, giảng viên còn nhiều khó khăn…

Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tham quan xưởng thực hành của Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc. Ảnh: Trà Hương

Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tham quan xưởng thực hành của Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc. Ảnh: Trà Hương

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc kiến nghị Bộ GDĐT ban hành khung chương trình giáo dục cho học sinh để các em thuận lợi vừa học văn hóa, vừa học nghề; Bộ LĐ-TB&XH và tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ để động viên, khích lệ đội ngũ giáo viên, giảng viên tâm huyết với nghề; xây dựng chính sách thu hút giáo viên dạy nghề, nhất là giáo viên có tay nghề cao; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho nhân dân về giáo dục nghề nghiệp...

Các thành viên trong Đoàn khảo sát đã đặt ra một số vấn đề đối với nhà trường như chiến lược phát triển của nhà trường trong những năm tới gồm xu hướng chuyển dịch các ngành, nghề; các chương trình đào tạo để đón đầu xu hướng chuyển dịch dần đào tạo nghề sang khối doanh nghiệp như thế nào; trong xu hướng phát triển chung, nhà trường sẽ chọn giáo dục mũi nhọn hay đào tạo tức thì đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động?

Hiện tại, 85% giáo viên nhà trường đạt trình độ trên đại học, nhưng cần chú ý quan tâm đến những giảng viên có tay nghề cao; cần gắn đào tạo với doanh nghiệp để tranh thủ được cơ sở vật chất, công xưởng thực hành của doanh nghiệp.

Công tác truyền thông nâng cao nhận thức về đào tạo nghề cần được đẩy mạnh theo hướng phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó, chất lượng đào tạo của nhà trường chính là phương pháp truyền thông tốt nhất.

Nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tạo ra sản phẩm là những sáng chế để chuyển giao cho doanh nghiệp, tạo ra nguồn kinh phí để giáo viên, sinh viên sống bằng chính công sức và trí tuệ…

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận và đánh giá cao về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng như công tác đào tạo của Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, nhu cầu của xã hội về đào tạo nghề ngày càng cao, do đó nhà trường cần tranh thủ các nguồn lực để đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, nhất là hệ thống máy móc hiện đại; đồng thời, nâng cao năng lực đào tạo của đơn vị; tăng cường chất lượng đào tạo bằng các khóa đào tạo cơ bản, các khóa đào tạo nâng cao…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng chia sẻ với những khó khăn của nhà trường trong hoạt động đào tạo và khuyến khích nhà trường linh hoạt, nỗ lực quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập cho giáo viên, giảng viên để giữ chân đội ngũ có tay nghề cao.

Bên cạnh đó, cần quan tâm giảng dạy kiến thức văn hóa cho học sinh học nghề, bởi đó là kiến thức nền tảng để học sinh có thể học nghề tốt, có tay nghề cao, từ đó, tạo ra giá trị cho các em.

Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/79493/doan-khao-sat-cua-uy-ban-van-hoa-giao-duc-cua-quoc-hoi-lam-viec-voi-truong-cao-dang-nghe-vinh-phuc.html