Doanh nghiệp cần trợ lực để bảo vệ chuỗi giá trị ngành dừa
Ngành dừa Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức về giống, chế biến, truy xuất nguồn gốc và cạnh tranh quốc tế, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ để bảo vệ chuỗi giá trị bền vững.
Phát triển chưa đồng bộ
Theo báo cáo từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Việt Nam hiện có khoảng 202.000 ha trồng dừa, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt 181.000 ha, năng suất 125,6 tạ/ha, sản lượng lên tới 2,28 triệu tấn. Các sản phẩm từ dừa được xuất khẩu đến nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada…
Trong đó, nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, đồng bằng sông Cửu Long hiện là vùng trồng dừa lớn nhất cả nước. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, khu vực này hiện canh tác hơn 20 giống dừa, chủ yếu theo hình thức vườn hộ.

Các vùng trồng dừa hiện nay chủ yếu theo hình thức vườn hộ.
Tuy nhiên, tập quán người dân tự ý đưa giống mới về trồng không qua chọn lọc đã dẫn đến tình trạng trồng chéo, giống chéo, ảnh hưởng chất lượng đầu ra. Chỉ khi có sự can thiệp, định hướng chuyên canh từ cơ quan chức năng và Hiệp hội, chất lượng dừa mới dần được kiểm soát.
Ở khâu chế biến, theo bà Thanh, phần lớn các doanh nghiệp trong nước vẫn còn gọt dừa thủ công bằng tay để phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, nhiều quốc gia cạnh tranh như Thái Lan đã áp dụng dây chuyền hiện đại hóa sản xuất, khiến doanh nghiệp Việt bị bất lợi về giá thành, năng suất và logistics.
Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn bổ sung thêm góc nhìn từ xu hướng vùng trồng. Ông cho biết, hiện nay, các vùng chuyên trồng dừa lấy nước có quy mô lớn đang dịch chuyển dần sang Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, thay vì chỉ tập trung ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long như trước đây.
Một số khu vực đã hình thành những vùng trồng từ 30-50 ha, được cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện tham gia thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, ông cảnh báo, cần phân biệt rõ giữa dừa uống nước và dừa lấy dầu, vì nếu không lựa chọn đúng loại và thời điểm thu hoạch, nước dừa dễ biến chất trong quá trình vận chuyển quốc tế.
Xây dựng giải pháp phát triển bền vững
Theo bà Trần Lệ Hoa, Phó ban Khoa học xã hội, Hiệp hội Dừa Việt Nam, một trong những bước đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh là quản lý vùng trồng bằng công nghệ GIS (Hệ thống thông tin địa lý - Geographic Information System).
“Ứng dụng GIS sẽ giúp xác định chính xác vị trí vườn dừa, diện tích, mật độ, số lượng cây trồng, từ đó tạo lập cơ sở dữ liệu đồng bộ phục vụ truy xuất nguồn gốc và cấp mã số vùng trồng (MSVT). Đồng thời, hệ thống GIS có thể đánh giá chất lượng đất, khoanh vùng trồng phù hợp, giám sát sức khỏe cây trồng, dự báo năng suất, và hỗ trợ điều hành sản xuất chính xác, kịp thời”, bà Hoa chia sẻ.
Đặc biệt, việc tích hợp thông tin vùng trồng với mã QR sẽ là công cụ quan trọng để nâng cao độ tin cậy sản phẩm dừa trên thị trường quốc tế. Theo bà Hoa, điều này không chỉ giúp đẩy mạnh xuất khẩu, mà còn xây dựng thương hiệu dừa Việt Nam trên nền tảng minh bạch và bền vững.
Hiện nay, trên thế giới có 225 quốc gia có nhu cầu nhập khẩu dừa, nhưng chỉ 179 quốc gia có thể cung ứng. Trong đó, 5-6 quốc gia chiếm hơn 90% sản lượng xuất khẩu, gồm Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, Việt Nam và Malaysia.
Theo định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ duy trì diện tích trồng dừa khoảng 195.000-210.000 ha, trong đó có 30% diện tích sản xuất theo quy trình GAP hoặc tương đương, và cũng 30% diện tích được cấp mã số vùng trồng.
Tuy nhiên, theo ThS. Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, ngành dừa vẫn đang phải đối mặt với ba thách thức lớn, gồm chất lượng nguyên liệu chưa đồng đều, cạnh tranh mạnh từ Thái Lan và Indonesia, hạn chế trong việc truy xuất nguồn gốc và áp dụng tiêu chuẩn GAP.
Do đó, theo các chuyên gia, để bảo vệ và nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa, Việt Nam cần xây dựng thương hiệu quốc gia, đầu tư chế biến sâu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô.
Đặc biệt, mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân cần trở thành một mắt xích minh bạch, an toàn, chất lượng trong chuỗi liên kết, từ đó tận dụng cơ hội thị trường rộng lớn, gia tăng vị thế dừa Việt trên thị trường quốc tế.