Doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu về các FTA

Theo khảo sát của VCCI, phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, hội nhập theo các hiệp định thương mại tự do nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Bùi Tư

Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Bùi Tư

Sáng 23/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, việc tham gia vào các FTA thế hệ mới là thành công lớn nhất trong quá trình hội nhập, giúp đẩy mạnh quá trình thu hút đầu tư và cải cách thể chế.

Theo đó, sau 10 năm tham gia vào WTO, môi trường kinh doanh Việt Nam đã tăng 10,3 điểm, tăng 23 bậc; năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện dù còn hơi chậm.

 Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Bùi Tư

Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Bùi Tư

Tuy nhiên, bên cạnh những trái ngọt, những niềm vui, quá trình hội nhập vẫn còn những nỗi buồn. Việc khai thác lợi ích từ các FTA chưa đạt kỳ vọng. Chúng ta chưa khai thác triệt để những cơ hội mà FTA mang lại. Nỗ lực cải cách nhanh hơn nhưng chưa có nhiều bứt phá. Chúng ta đã ra mục tiêu vào top 4 ASEAN về môi trường kinh doanh từ năm 2014 nhưng cho đến nay, mục tiêu này vẫn chưa đạt được, chúng ta đứng cuối về năng suất lao động…

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) thông tin, theo khảo sát 8.600 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam thì các doanh nghiệp còn nhận thức khá hạn chế về các FTA, mặc dù hầu hết đều đã “nghe nói” tới các FTA này.

Tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về các FTA tiêu biểu (đã tìm hiểu một số cam kết hoặc đã tìm hiểu kỹ) chỉ là thiểu số (kể cả FTA lớn như CPTPP), cao nhất là AEC cũng chỉ là 37%. Tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết sâu về các FTA hầu như rất nhỏ, thấp nhất là với FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu ( VN-EAEU: 1%), cao nhất là với AEC (3%).

Cũng theo khảo sát của VCCI, phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, hội nhập FTA nói riêng.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang báo cáo về kết quả khảo sát doanh nghiệp thực hiện các FTA. Ảnh: Bùi Tư

Bà Nguyễn Thị Thu Trang báo cáo về kết quả khảo sát doanh nghiệp thực hiện các FTA. Ảnh: Bùi Tư

Bà Trang cho biết, hai yếu tố lớn nhất cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ các FTA lần lượt là tình trạng thiếu thông tin về cam kết và cách thức thực hiện (84%) và bất cập trong công tác tổ chức thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước. Những vấn đề thuộc về năng lực của doanh nghiệp (năng lực cạnh tranh kém, khó đáp ứng quy tắc xuất xứ và cam kết bất lợi) cũng rất lớn, nhưng vẫn xếp sau các yếu tố gắn với hành động của cơ quan nhà nước.

TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, để tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới mang lại, nút thắt lớn nhất cần phải tháo gỡ chính là nút thắt về thể chế. Theo ông Lộc, thể chế sẽ là yếu tố quan trọng nhất giúp hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

Cùng với đó, ông Lộc cho rằng việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều quan trọng nhất. Theo ông Lộc, bản chất chuyển dịch làn sóng đầu tư là chuyển dịch công nghiệp hỗ trợ. Thúc đẩy hỗ trợ công nghiệp trong nước, ban hành luật về công nghiệp hỗ trợ cũng là vấn đề quan trọng cần phải lưu ý.

Với các doanh nghiệp, để tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, trước hết doanh nghiệp phải bỏ thời gian và công sức để tìm hiểu về các cơ hội, thách thức từ hiệp định. Sau đó có thể sẽ phải đầu tư để thay đổi nguồn cung, chuỗi sản xuất, qua đó đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của hiệp định./.

Bùi Tư

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-07-23/doanh-nghiep-chua-chu-dong-tim-hieu-ve-cac-fta-89879.aspx