Doanh nghiệp còn ngại minh bạch thông tin

Việc áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch và chất lượng thông tin, tăng năng lực cạnh tranh, dễ dàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế… Tuy vậy, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp ngại công khai 'sức khỏe', lo sợ có thể ảnh hưởng giá cổ phiếu hoặc làm tăng nghĩa vụ thuế…

Xu thế tất yếu

Tại Tọa đàm trực tuyến “Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế - giải pháp và lộ trình cho doanh nghiệp Việt”, do Tạp chí Kinh tế - Tài chính tổ chức sáng 24/7, Phó Tổng giám đốc PwC Việt Nam Trần Hồng Kiên cho biết, IFRS là bộ chuẩn mực kế toán toàn cầu, do Hội đồng Chuẩn mực Kế toán quốc tế phát triển, với mục tiêu xây dựng một hệ thống kế toán thống nhất, nâng cao tính minh bạch, khả năng so sánh và mức độ hiểu biết về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Tính đến tháng 5/2025, có 169 quốc gia và vùng lãnh thổ được đưa vào danh sách theo dõi tiến trình IFRS. Trong đó, 161 quốc gia đã bắt buộc áp dụng, cho phép áp dụng hoặc công bố lộ trình áp dụng IFRS. Các quốc gia lựa chọn IFRS bởi đây là cuộc chơi nhằm bảo đảm phục vụ lợi ích quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo ra sự hội nhập toàn cầu về mặt tài chính, nâng cấp thị trường chứng khoán, giúp nhà đầu tư có thông tin kịp thời để đưa ra quyết định đầu tư, ông Kiên cho biết.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: Anh Vinh

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: Anh Vinh

Tại Việt Nam, từ tháng 3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính; tạo hành lang pháp lý rõ ràng, mở đường cho các doanh nghiệp chủ động tiếp cận và triển khai IFRS trong phạm vi cho phép.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính Trịnh Đức Vinh cho biết, nhiều doanh nghiệp đã lập báo cáo tài chính theo IFRS. Song, các báo cáo này chủ yếu phục vụ một nhóm đối tượng, chưa mang tính pháp lý để công bố rộng rãi.

Cũng theo ông Vinh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, tham gia “cuộc chơi” IFRS là tất yếu. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho cả nền kinh tế cũng như chính doanh nghiệp.

Trước hết, IFRS giúp nâng cao tính minh bạch và chất lượng thông tin của báo cáo tài chính, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Bởi bộ chuẩn mực này yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin tài chính rất rõ ràng, minh bạch, có thuyết minh chi tiết về cơ sở, căn cứ để tạo lập và công bố thông tin đó. Đây là một trong những lợi ích quan trọng nhất của IFRS. Thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế vẫn chưa công nhận nước ta là nền kinh tế thị trường đầy đủ, chưa nâng hạng thị trường chứng khoán, là bởi Việt Nam chưa áp dụng IFRS nên thông tin chưa thực sự minh bạch. Khi áp dụng IFRS sẽ góp phần tháo gỡ được vấn đề này.

Mặt khác, trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm cách huy động vốn qua các kênh quốc tế, như niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài, vay vốn từ các tổ chức tài chính toàn cầu… báo cáo tài chính theo IFRS là yêu cầu bắt buộc. Chính việc triển khai IFRS sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế, giảm chi phí huy động và nâng cao khả năng tiếp cận dòng vốn.

Không dừng ở đó, IFRS còn góp phần thay đổi tư duy trong xã hội, bao gồm cả các nhà hoạch định chính sách, đòi hỏi cần mạnh dạn từ bỏ tư duy cũ kỹ, lạc hậu để chuyển sang tư duy phục vụ, tiếp cận thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường và nhà đầu tư.

Thay đổi nhận thức là yếu tố tiên quyết

Từ kinh nghiệm đào tạo cho doanh nghiệp, Giám đốc Đào tạo, Công ty Tư vấn kế toán - kiểm toán Auditcare & Partners Việt Nam Nguyễn Thị Thủy thông tin, khối ngân hàng và các doanh nghiệp FDI hiểu rõ vai trò và lợi ích của việc lập báo cáo tài chính theo IFRS; trong khi nhận thức của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế.

“Một số doanh nghiệp khởi nghiệp mong muốn xây dựng báo cáo tài chính minh bạch để thu hút vốn đầu tư nước ngoài hoặc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Tuy nhiên, để tuyển dụng người làm được báo cáo đó thì chi phí cao. Ngoài ra, hệ thống hướng dẫn chính sách, đặc biệt là về định giá tài sản, vẫn còn thiếu cơ sở rõ ràng, khiến nhiều doanh nghiệp e ngại, dè chừng, chưa sẵn sàng”, bà Thủy thông tin.

Ông Trịnh Đức Vinh bổ sung, khó khăn, thách thức trong việc áp dụng IFRS hiện nay là do nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp; cần đẩy mạnh truyền thông để họ hiểu lợi ích của IFRS mang lại và lợi ích mang tính chủ yếu, lâu dài, trong khi khó khăn chỉ là trước mắt. Cùng với đó, tâm lý chung ở một bộ phận không nhỏ người làm công tác tài chính, kế toán là ngại đổi mới về mặt tư duy, kiến thức.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp biết về lợi ích của IFRS, song không muốn công khai “sức khỏe”. Một số doanh nghiệp niêm yết lo sợ việc minh bạch thông tin sẽ làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Số khác lo ngại việc công khai quá nhiều thông tin tài chính sẽ dẫn đến gia tăng nghĩa vụ thuế, gia tăng trách nhiệm đối với ngân sách nhà nước. Đặc biệt, việc thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn, năng lực cũng tạo ra rào cản áp dụng IFRS trong doanh nghiệp.

Năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung 9 luật, trong đó có Luật Kế toán. Luật quy định Bộ Tài chính hướng dẫn chuẩn mực kế toán của Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực quốc tế; hướng dẫn phạm vi, lộ trình và các nội dung khác liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán.

Nhấn mạnh sự hỗ trợ lớn nhất từ phía Nhà nước chính là ban hành khung khổ pháp lý để ứng dụng IFRS tại Việt Nam, ông Trịnh Đức Vinh thông tin, Bộ Tài chính đang trong quá trình dự thảo Thông tư về việc áp dụng IFRS. Ông Vinh hy vọng giai đoạn tự nguyện áp dụng IFRS sẽ phát triển mạnh mẽ từ 2026, sau đó sẽ là bắt buộc và phải phụ thuộc vào kết quả thí điểm.

Bà Nguyễn Thị Thủy khuyến nghị, IFRS không phải là cuộc chơi dành cho tất cả doanh nghiệp. Song, nếu ban lãnh đạo có quyết tâm và nhận thức rõ vai trò của báo cáo tài chính trong quản trị thì doanh nghiệp nhỏ sẽ triển khai thuận lợi hơn so với các tập đoàn lớn, vốn có cấu trúc phức tạp. Với các tập đoàn, giải pháp thường là triển khai IFRS tại cấp công ty con trước, sau đó hợp nhất dần lên báo cáo tài chính của công ty mẹ.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep-con-ngai-minh-bach-thong-tin-10380938.html