Doanh nghiệp ngành nhôm chật vật giữa áp lực thuế
Với mức thuế xuất khẩu trong nước vẫn duy trì ở mức 5%, cộng với việc Mỹ tăng thuế lên đến 50%, các doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam đang rơi vào thế 'giằng co' giữa duy trì sản xuất và nguy cơ phá sản.
Doanh nghiệp lo phá sản
Theo báo cáo từ Hiệp hội Nhôm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành nhôm gặp nhiều khó khăn. Trong đó, đáng chú ý là chính sách tăng thuế nhập khẩu nhôm và sản phẩm từ nhôm của Mỹ. Cụ thể, mức thuế đã tăng từ 10% lên 25% kể từ tháng 3/2025, và tiếp tục tăng lên 50% từ tháng 6/2025 đến nay.
Ông Nguyễn Minh Kế – Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Thanh Định hình Việt Nam nhấn mạnh: “Ngành nhôm Việt Nam hiện chưa tự sản xuất được nguyên liệu đầu vào, hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, mỗi biến động trên thị trường thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, mức thuế 5% áp dụng với mã HS 7604 từ năm 2015 đang gây thêm trở ngại cho doanh nghiệp.
“Kể từ khi áp thuế 5% với nhôm định hình, xuất khẩu sang nhiều thị trường, nhất là khu vực Đông Nam Á, gần như bị tê liệt. Chúng tôi tha thiết kiến nghị xem xét giảm thuế về 0% đối với nguyên liệu mà trong nước chưa thể sản xuất", ông Kế nói.
Bổ sung cho ý kiến trên, ông Trương Minh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Nam Hải Group cho biết, hiệp hội cần sớm có văn bản chính thức kiến nghị Chính phủ giảm ngay thuế xuất khẩu từ 5% xuống 0%, ít nhất là đối với thị trường Mỹ. Trước đây, khi mức thuế chỉ khoảng 10%, doanh nghiệp còn có thể xoay xở. Nhưng đến nay Mỹ đã nâng lên 50%, nếu không giảm thuế kịp thời, chắc chắn doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phá sản.

Theo phản ánh của Hiệp hội Nhôm Việt Nam, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành đang gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Hải, việc giảm thuế không những giúp doanh nghiệp giữ được thị trường, duy trì sản xuất, mà còn mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt.
“Nếu xuất khẩu được thì vừa có doanh thu, vừa giữ được lao động và Nhà nước vẫn thu được thuế VAT. Trong khi đó, xuất khẩu nhôm sang Mỹ hiện chỉ chiếm vài tỷ USD – không đáng bao nhiêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong bối cảnh Nhà nước đã giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% để hỗ trợ tiêu dùng, việc giảm thuế xuất khẩu cho một ngành còn non trẻ như nhôm là hoàn toàn hợp lý và cần thiết", ông Hải chia sẻ.
Tìm cơ hội trong khó khăn
Trái với tâm lý lo ngại, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc bị áp thuế cao cũng là cơ hội để ngành nhôm cải tổ toàn diện. Bởi nếu không có những thay đổi quyết liệt ngay từ thời điểm này – khi ngành còn ở giai đoạn ‘tuổi trẻ’ thì sẽ rất khó để nâng cao năng lực cạnh tranh trong tương lai.
Chỉ ra một số lợi thế của Việt Nam, ông Phú cho biết, giá điện tại Việt Nam thấp hơn 25% so với nhiều nước trong khu vực, chỉ bằng 1/3 châu Âu – là yếu tố cực kỳ quan trọng trong ngành luyện nhôm vốn tiêu tốn nhiều điện. Nhờ 17 hiệp định thương mại tự do, hầu hết các dòng thuế nhập khẩu nhôm về Việt Nam đã về 0% từ năm 2019 – mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp tận dụng nguyên liệu toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng nhà ở xã hội và hạ tầng đô thị – là những lĩnh vực sử dụng nhiều sản phẩm nhôm.
Tuy nhiên, ngành nhôm Việt Nam vẫn tồn tại nhiều điểm yếu: chưa có thương hiệu mạnh, thiếu liên kết chuỗi, công nghệ sản xuất còn lạc hậu và chưa chủ động được thị trường xuất khẩu cao cấp như ô tô, công nghiệp quốc phòng.
Một vấn đề quan trọng được Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh là thiếu sự chủ động trong xúc tiến thương mại. Hiện rất ít doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam tham gia hội chợ quốc tế – vốn là “kênh” thiết yếu để tiếp cận khách hàng toàn cầu, cập nhật công nghệ và xây dựng thương hiệu.
Cùng góc nhìn về cơ hội và thách thức, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, ngành nhôm đang hưởng lợi từ loạt chính sách kinh tế lớn, đặc biệt là trong xây dựng và đầu tư công. Các quyết sách đáng chú ý gồm mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ, tạo ra nhu cầu khổng lồ cho vật liệu xây dựng, trong đó có nhôm. Phát triển hạ tầng chiến lược từ metro, vành đai đô thị đến cảng biển, đường sắt – tất cả đều sử dụng nhiều sản phẩm nhôm định hình.
Quốc hội đang sửa đổi hàng loạt luật như Luật Đấu thầu, Luật Thuế TNDN, Luật Đầu tư theo phương thức PPP... nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Về những tồn tại của ngành, ông Hiếu đề nghị doanh nghiệp cần đưa ra kiến nghị rõ ràng, cụ thể, có căn cứ về các đề xuất giảm thuế hoặc hỗ trợ từ Chính phủ để cơ quan lập pháp và hành pháp có thể hành động hiệu quả.
Đưa ra khuyến nghị, các ý kiến tại diễn đàn cho rằng, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư vào khâu thượng nguồn như thiết kế, đổi mới sáng tạo, sản phẩm công nghiệp giá trị cao. Các quốc gia như Hàn Quốc, Đức, Đài Loan... đều không có tài nguyên nhôm nhưng lại dẫn đầu thế giới nhờ phát triển mạnh các sản phẩm nhôm kỹ thuật cao.
Ông Trương Minh Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Nam Hải Group đề xuất thí điểm thành lập một liên minh ngành nhôm Việt Nam. Đây là liên doanh giữa các doanh nghiệp nội địa có cùng khát vọng xuất khẩu, hoạt động dựa trên một nguyên tắc đoàn kết và kỷ luật kinh doanh. Sự liên doanh giữa các doanh nghiệp sẽ đem lại lợi ích vượt trội, tăng sức cạnh tranh, tập trung vốn, công nghệ, nhân lực, kinh nghiệm và tối ưu hóa sản xuất. Mở rộng thị trường, cùng nhau tìm kiếm thị trường, khai thác thị trường tiềm năng và tận dụng các hiệp định FTA.
Trong khi đó, theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, trong ngắn hạn, doanh nghiệp vẫn có lợi thế cạnh tranh, nhưng về trung và dài hạn cần chuyển hướng đầu tư vào khâu thượng nguồn như thiết kế, đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm giá trị cao và thương hiệu quốc tế.
Ông Phú đặc biệt nhấn mạnh vai trò của xúc tiến thương mại, cho rằng việc tham gia hội chợ chuyên ngành là thiết yếu để xây dựng niềm tin, tiếp cận khách hàng và cập nhật công nghệ. Việc tham gia các hội chợ trên thế giới cần được coi là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển ngành.