Doanh nghiệp quay lại thị trường cao kỷ lục, kinh tế tăng trưởng rõ nét

Tháng 6/2025 ghi nhận 24.422 doanh nghiệp thành lập mới - mức cao kỷ lục và gấp hơn 2 lần trung bình giai đoạn 2021-2024. Lũy kế 6 tháng, cả nước có 91.186 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng mạnh

Chia sẻ tại Tọa đàm “Báo chí và doanh nghiệp: Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân” vừa được tổ chức tại TP.HCM, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết con số 24.422 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6/2025 là mức cao kỷ lục và hơn gấp đôi mức trung bình giai đoạn 2021-2024.

Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 91.186 doanh nghiệp được thành lập mới, theo số liệu từ Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính). Đáng chú ý, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng đột biến, đạt 14.390 doanh nghiệp trong tháng 6 (tăng 91% so với cùng kỳ), đưa tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng lên 61.521, tăng 57% so với cùng kỳ 2024.

“Lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường vượt số doanh nghiệp rút lui. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy môi trường kinh doanh đang được cải thiện, niềm tin doanh nghiệp đang phục hồi, đặc biệt sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được triển khai vào thực tiễn”, TS. Anh Tuấn nhấn mạnh.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright chia sẻ tại Tọa đàm.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright chia sẻ tại Tọa đàm.

Không chỉ doanh nghiệp, khu vực hộ kinh doanh cá thể cũng tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 118,4% so với cùng kỳ và gấp 2,4 lần mức trung bình kể từ tháng 7/2023. Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu phục hồi, các con số cũng phản ánh những thách thức đáng quan ngại.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, hơn 113.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm cả giải thể, tạm ngừng hoặc chờ giải thể. Ngoài ra, quy mô vốn và lao động bình quân của doanh nghiệp mới tiếp tục xu hướng giảm, cho thấy mô hình doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vận hành cầm chừng vẫn đang chiếm ưu thế.

“Những con số này phản ánh tâm lý phòng thủ, chưa tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của khu vực kinh tế tư nhân”, TS. Anh Tuấn phân tích.

Ông cho rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư vẫn gặp nhiều lực cản từ thủ tục hành chính rườm rà, độ trễ chính sách và sự thiếu đồng bộ giữa các cấp chính quyền. Trong khi đó, doanh nghiệp cần môi trường ổn định, minh bạch và có thể dự báo để yên tâm đầu tư dài hạn.

Kịch bản tăng trưởng và lựa chọn cải cách

Tại Tọa đàm, TS. Anh Tuấn cũng công bố 3 kịch bản tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam năm 2025, dựa trên Báo cáo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2025: Hướng đi nào giữa ngã ba đường?” do Vietstats xây dựng.

Kịch bản cơ sở, có xác suất xảy ra cao nhất (50-55%), dự báo tăng trưởng ở mức hợp lý nếu môi trường vĩ mô ổn định, đầu tư công được thúc đẩy, tín dụng và tiêu dùng giữ vững nhịp.

Đồng thời, kịch bản cơ sở cũng phản ánh ngưỡng tăng trưởng hợp lý trong điều kiện nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào các động lực truyền thống như đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, kịch bản này chỉ khả thi nếu không xuất hiện thêm các cú sốc lớn từ bên ngoài.

Nhìn chung, kịch bản cơ sở cho thấy một bức tranh tăng trưởng ổn định nhưng không dễ dàng, đòi hỏi điều hành chính sách phải thận trọng, linh hoạt và có trọng tâm. Việc duy trì mức tăng trưởng trên 7% trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang giảm tốc cũng là một thành quả không nhỏ.

Trong khi đó, kịch bản tích cực, với tăng trưởng ước đạt 7,87%, đặt kỳ vọng vào đột phá thể chế, giải ngân đầu tư công trên 95%, tăng trưởng tín dụng trên 16%, thu hút FDI chất lượng cao, cùng cải thiện rõ rệt môi trường kinh doanh. Đây là kịch bản duy nhất có thể tiệm cận mục tiêu GDP 8% mà Chính phủ đặt ra, dù xác suất chỉ khoảng 20-25%.

“Điều kiện để đạt được kịch bản này là sự hội tụ của nhiều yếu tố mang tính đột phá, như cải cách thể chế thực chất, giải ngân đầu tư công đạt tối thiểu 95%, tín dụng tăng trên 16%, và đặc biệt là dòng vốn FDI chất lượng cao được thu hút mạnh mẽ, đi kèm cải thiện rõ rệt về môi trường kinh doanh”, TS. Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo kịch bản này, việc đàm phán thương mại với Mỹ đạt được kết quả tích cực sẽ làm giảm áp lực cho khu vực xuất khẩu, duy trì ổn định dòng đơn hàng và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, vị thế của Việt Nam cũng được củng cố trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo dư địa cho các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao tiếp tục mở rộng.

Tuy nhiên, thành công của kịch bản không chỉ đến từ sự quyết liệt trong điều hành, mà còn là sự phối hợp chính sách đồng bộ, thống nhất và kịp thời giữa các cấp, các ngành. Việc chuyển từ kỳ vọng chính sách sang thực tiễn tăng trưởng đột phá sẽ phụ thuộc vào khả năng biến cam kết thành hành động cụ thể.

Ngược lại, kịch bản tiêu cực sẽ xảy ra nếu kinh tế toàn cầu giảm tốc sâu, đầu tư công chậm, khu vực tư nhân suy giảm năng lực. Các điểm yếu như độ mở cao, phụ thuộc xuất khẩu, FDI và thể chế kém hiệu quả sẽ bộc lộ rõ nét.

TS. Anh Tuấn nhấn mạnh, giữa 3 kịch bản, chỉ có một lựa chọn mang tính chiến lược: cải cách để vượt trần tăng trưởng, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

“Việc lựa chọn đúng trong năm 2025 có thể mở ra cơ hội hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số - điều từng được xem là ngoài tầm với. Nhưng điều đó chỉ đến nếu nền kinh tế chuyển dịch căn bản về chất: từ năng suất lao động, đổi mới công nghệ, cải thiện thể chế đến nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân”, ông khẳng định.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-quay-lai-thi-truong-cao-ky-luc-kinh-te-tang-truong-ro-net-d322508.html