Doanh nghiệp xuất khẩu điều được Chính phủ Việt Nam và Ý hỗ trợ giảm thiểu lừa đảo

Thủ tướng đã giao cho các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông Vận tải, Thống đốc Ngân hàng Việt Nam… khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) có biện pháp xử lý và hỗ trợ nhằm giảm thiểu thiệt hại trong vụ lừa đảo 100 container hạt điều xuất qua Ý.

Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 1583/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xuất khẩu điều sang thị trường châu Âu.

Thủ tướng đã giao các bộ kể trên và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý, hỗ trợ theo thẩm quyền bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và quốc tế, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền khi nhiều doanh nghiệp điều xuất khẩu qua Ý nhưng đang mắc vào một vụ lừa đảo xuyên quốc gia

Doanh nghiệp xuất khẩu cần chuyển dần từ bán FOB sang bán CIF để giảm thiếu rủi ro. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo lãnh đạo Vinacas, thông qua môi giới của Công ty Kim Hạnh Việt, 5 doanh nghiệp xuất khẩu đã ký được các hợp đồng xuất đi 100 container với tổng trị giá khoảng 1.000 tỉ đồng. Hiện còn một số đơn hàng đã đóng nhưng chưa kịp vận chuyển. Doanh nghiệp Việt mất quyền kiểm soát 36 container, tính ra khoảng 160 tỉ đồng. Nhiều container chưa kịp xuống tàu đã tạm dừng lại được.

Khi các đơn hàng đã chuẩn bị cập cảng, doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam nhờ thu tiền từ các ngân hàng của người mua tại Ý thì không thể thu được vì số SWIFT (mã số định danh ngân hàng do Hiệp hội Viễn thông tài chính Liên ngân hàng toàn cầu cấp) của ngân hàng Việt Nam bị thay đổi.

Ngân hàng bên mua nhận chứng từ thông báo bên mua không phải khách hàng của họ và trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào dù phía ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần liên hệ. Các nhà xuất khẩu cũng không biết các hồ sơ gốc các lô hàng của họ hiện giờ ở đâu. Các ngân hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi được Ngân hàng Ý chỉ sang cũng vòng vo, không cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà xuất khẩu Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam đã đề nghị các hãng tàu tại Ý áp dụng các biện pháp “khẩn cấp”, tạm giữ các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng trong những ngày tới, kể cả có vận đơn gốc, đồng thời đề nghị hãng tàu báo cho chủ hàng biết về người nhận.

Qua quá trình làm việc và xác minh với Thương vụ Việt Nam tại Ý ở thành phố Napoli, nơi nhiều container hàng cập cảng hôm 10-3 thì những dấu hiệu lừa đảo trở nên rõ ràng hơn khi có những ngân hàng nhận được các bộ chứng từ chỉ là bản photocopy hoặc giấy trắng gửi cho những người không có tài khoản tại ngân hàng đó.

TTXVN tại Rome dẫn lời Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ý Nguyễn Đức Thanh cho biết, hiện nay chỉ còn 36 bộ chứng từ thất lạc mà các công ty Việt Nam chưa lấy lại được. Trong số 100 bộ chứng từ ban đầu thì các công ty giữ lại được hơn 50 bộ chứng từ, đòi lại được thêm nhiều bộ chứng từ khác mà chính DHL gửi trả cho Việt Nam.

Quan trọng nhất là 4 container đầu tiên đến cảng Genoa đã được cảnh sát tài chính Ý ra quyết định giữ lại cảng nhờ các thông tin kịp thời của các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc, sự vào cuộc của luật sư và sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Ý, Lãnh sự danh dự tại Napoli.

Thương vụ Việt Nam đã có buổi làm việc với ngân hàng Banca di Credito Popolare tại Napoli. Trong cuộc gặp, đại diện phía Ngân hàng Banca Di Credito Popolare cho biết họ đã hoàn toàn bất ngờ khi nhận được lần lượt 9 phong bì, trong đó có 7 phong bì gửi trực tiếp từ các ngân hàng Việt Nam qua DHL (dịch vụ chuyển phát nhanh) và 2 phong bì khác từ một ngân hàng khác tại Ý, mà bên trong chỉ có các bản photocopy chứng từ hoặc chỉ có giấy trắng. Đại diện Ngân hàng Banca Di Credito Popolare cũng nêu rõ vụ việc đã được cảnh báo tới toàn hệ thống ngân hàng Ý.

Được sự ủy quyền của Thương vụ Việt Nam tại Ý, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli đã làm đơn tố giác lừa đảo vụ 100 container hạt điều xuất sang Ý và gửi đến cảnh sát tại Napoli.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Việt Nam thì xuất khẩu nông sản từ Việt Nam ra các nước có nhiều hình thức thanh toán. Trong số này có hình thức: Trả tiền nhận chứng từ (D/P – Documents against Payment). Theo đó, người bán và người mua sử dụng ngân hàng như một đơn vị trung gian, đảm bảo. Sau khi giao hàng, người bán gửi bộ chứng từ đến ngân hàng người mua. Ngân hàng chỉ giao chứng từ cho người mua sau khi người mua đã thanh toán tiền hàng.

Với phương thức này, khả năng rủi ro của người bán sẽ thấp hơn vì nếu người mua không trả tiền thì sẽ không thể lấy được hàng. Trong trường hợp đó, người bán không mất hàng, những sẽ mất thêm công sức, chi phí để đưa hàng về hoặc tìm khách hàng khác để bán lại lô hàng đó.

Ngoài ra, phương thức ít rủi ro nhất là mở L/C (Thư tín dụng): Ngân hàng người mua phát hành L/C, với các nội dung chi tiết tương ứng với các điều khoản trong hợp đồng, như một văn bản cam kết trả tiền cho bên bán. Khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ do người bán gửi đến và kiểm tra bộ chứng từ đó phù hợp với quy định trong L/C thì ngân hàng sẽ trả tiền cho người bán.

Ông Hải không thông tin về vụ việc 100 container hạt điều theo phương thức thanh toán nào. Tuy nhiên, ông có phân tích, trong số các phương thức thanh toán thì mở L/C là một phương thức thanh toán ít rủi ro nhất, nhưng lại không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản. Dẫn lời một doanh nhân đang bị “mắc” vụ xuất khẩu hạt điều tại Ý, cho biết: Do hàng nông sản giá trị thấp, mỗi lô hàng có trị giá vài trăm nghìn đô la Mỹ. Người mua thì không mua nhiều một lúc, mà họ mua gối đầu, từng lô nhỏ. Nếu lô hàng nào cũng mở L/C thì mỗi tháng có khi đến vài chục L/C. Mở L/C thì phải ký quỹ ngân hàng, không 100% thì cũng phải một tỷ lệ nào đó. Như vậy, người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng trong suốt thời gian chờ nhận hàng, lên đến cả tháng trời. Không người mua nào muốn như thế cả. Nếu mình cứ khăng khăng đòi L/C thì họ sẽ đi tìm người bán khác.

Do đó, L/C chỉ chiếm khoảng 5% tỷ lệ thanh toán trên thực tế đối với hàng nông sản. Các nhà xuất khẩu nông sản dùng nhiều phương thức thanh toán như trên. Khi lựa chọn phương thức nào, phải có thêm một số biện pháp để tăng thêm độ tin cậy của giao dịch.

Ông Hải nhận định: Khi thị trường là của người mua thì họ sẽ đưa ra phương thức thanh toán tiện nhất cho họ. Nếu thị trường thuộc về người bán thì người bán mới có thể áp đặt được phương thức có lợi cho mình.

Vụ việc về mất chừng từ 36 container hạt điều đến Ý chưa thể kết thúc. Những bài học ban đầu mà các doanh nghiệp đang cùng rút ra, vẫn theo ông Hải là: Phải kiểm tra người mua kỹ hơn, qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Và giành quyền thuê tàu về phía người bán. Vì khi thuê tàu sẽ chủ động hơn trong việc nắm lịch trình hoặc điều hướng.

Nói khác đi là doanh nghiệp cần tính đến phương án bán CIF thay vì bán FOB và không nên đẩy hết quyền thuê tàu cho đối tác, chỉ quen nhận hàng về tận cảng (đối với nhập khẩu) hoặc đưa hàng ra đến cảng là xong (xuất khẩu).

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-dieu-duoc-chinh-phu-viet-nam-va-y-ho-tro-giam-thieu-lua-dao/