Đội bóng tân binh Premier League hồi sinh

Trong ngày khai mạc Premier League 2021/22, Brentford đã đánh bại Arsenal với tỷ số 2-0. Không có màn chào hỏi nào đẹp hơn cho đội bóng lần đầu lên chơi tại giải.

Bóng đá Anh không chỉ là câu chuyện của riêng Manchester City, Manchester United, Chelsea, Liverpool hay Arsenal. Những đội bóng tuyệt vời ấy đương nhiên là thỏi nam châm thu hút khán giả ở khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, bóng đá Anh còn có những câu chuyện khác chẳng kém phần thú vị, mà sự hồi sinh và phát triển vượt bậc của Brentford là một trong số đó.

Sức mạnh của cổ động viên

Hơn 10 năm trước, Brentford còn đang vật lộn ở League Two trên cái sân bóng cũ kỹ chứa 4.000 khán giả. Bây giờ, họ đã đối mặt với Arsenal và sẽ còn được tiếp đón nhà vô địch Champions League Chelsea trong thời gian tới ở Ngoại hạng Anh. Sự tương phản quá lớn và là giấc mơ với mọi cổ động viên.

Khi được hỏi ai là người có công đầu trong sự trỗi dậy đầy mạnh mẽ của Brentford, chắc chắn Matthew Benham phải được nói đến đầu tiên. Tuy nhiên, nhiều năm trước khi Benham xuất hiện, những cổ động viên của “The Bees” mới thực sự là cứu tinh của đội bóng. Nếu không có những con người yêu Brentford tới mức điên cuồng, chắc chắn CLB không thể tồn tại.

 Cổ động viên ít nhất 2 lần cứu Brentford. Ảnh: Reuters.

Cổ động viên ít nhất 2 lần cứu Brentford. Ảnh: Reuters.

Câu chuyện của Brentford bắt đầu vào những năm cuối của thế kỷ 20. Vào thời điểm ấy, đội bóng này đã thành lập được hơn 100 năm. Dù vậy, ngoại trừ vài mùa giải ngoi lên hạng Nhất (tương đương Premier League bây giờ), Brentford chỉ là cái tên mờ nhạt của bóng đá Anh.

Thành tích lớn nhất của họ là xếp thứ 5 tại hạng Nhất mùa 1935/36, nghĩa là trước đó rất lâu rồi. Lúc này, Brentford đang chơi ở giải hạng Hai, tức League One hiện nay (giải đấu cao thứ 3 trong hệ thống chuyên nghiệp của bóng đá Anh). Phần lớn cổ phần của đội bóng do David Webb nắm giữ và đương nhiên, ông này nắm quyền điều hành.

Tuy nhiên, Webb khác với nhiều đời chủ sở hữu trước đó. Ông ta bán mọi thứ có thể bán. Và thứ quý giá nhất lúc ấy của Brentford là chàng tiền đạo có tên Carl Asaba. Asaba mới 24 tuổi, đang ở đỉnh cao sự nghiệp và ghi 23 bàn tại giải hạng Hai mùa 1996/97. Tuy nhiên, Webb quyết định bán anh sang Reading với mức phí 800.000 bảng.

Khi bán Asaba, Webb hứa hẹn đem về những sự thay thế chất lượng. Song chẳng có sự thay thế nào hết. Brentford phải sống dựa vào cựu binh Robert Taylor. Một mình Taylor chẳng thể cứu vớt được đội bóng, và Brentford xuống hạng.

Đứng trước tình thế ấy, các cổ động viên của CLB đã tập hợp nhau lại dưới tổ chức mang tên là BIAS (Brentford Independent Association of Supporters). BIAS bắt đầu các hoạt động chống lại cung cách điều hành đậm mùi tiền bạc của Webb. Chiến dịch đòi Webb ra đi của BIAS đã thu lại kết quả tốt đẹp. Năm 1998, Webb bán lại CLB cho Ron Noades, người mà trong ngày ra mắt hứa hẹn mang Brentford lên chơi ở giải hạng Nhất (tức Championship bây giờ).

Nếu như Webb là “ông chủ bán tất”, Noades đi theo chiều hướng ngược lại. Vị doanh nhân này bắt đầu vung vãi tiền ra để thực hiện lời hứa của mình. Dưới sự điều hành của ông, Brentford tiến hành một số thương vụ lớn, và thành quả là họ đã giành danh hiệu vô địch giải League Two chỉ sau khi Webb rời Griffin Park đúng 1 năm. Vấn đề chỉ bắt đầu đến khi CLB lâm vào cảnh nợ nần do khả năng quản lý tài chính kém cỏi của Noades.

Kế hoạch của Noades là dùng tiền vay nợ để mua sắm nhằm gia tăng thành tích sân cỏ và dùng thành tích này để trang trải nợ nần. Tuy nhiên, Brentford đã không lên được Championship như Noades hy vọng. Để trả nợ, ông buộc phải tính đến chuyện bán sân bóng Griffin Park, “thánh địa” của “Bầy ong” trong hơn 100 năm qua.

Một lần nữa, các cổ động viên lại ra tay. Họ vận động sự ủng hộ của các quan chức trong Liên đoàn Bóng đá Anh và lần này, FA đã đứng về phía họ. Để đảm bảo Brentford không bị sụp đổ, các nhóm cổ động viên của CLB liên kết lại với nhau và thành lập tổ chức có tên là Bees United vào năm 2001.

 Cổ động viên Brentford luôn ở bên đội bóng. Ảnh: Reuters.

Cổ động viên Brentford luôn ở bên đội bóng. Ảnh: Reuters.

Bees United nhanh chóng thu hút nhiều thành phần, những người mong muốn các cổ động viên sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hành đội bóng. Các thành viên của Bees United đã quyên góp khoản tiền để mua lại 60% cổ phần của Brentford nhằm nắm giữ quyền quyết định, đồng thời cố gắng tái cơ cấu các khoản nợ của CLB.

Bees United đã thành công trong việc giữ Brentford ở lại với cộng đồng, đồng thời đảm bảo tương lai của Griffin Park. Nhưng lúc này, hàng núi khó khăn đã xuất hiện. Brentford vẫn còn nợ hàng triệu bảng, mỗi năm hoạt động lại lỗ thêm từ 300.000-400.000 bảng. Đối với một đội bóng ở hạng thấp, những con số đó là đáng báo động.

“Chúng tôi chỉ có sân bóng với trung bình 4.000 khán giả mỗi trận, và các thành viên đã phải nỗ lực hết mình để đội tiếp tục hoạt động”, Phó chủ tịch Donald Kerr của Brentford nhớ lại. Nguy cơ Brentford bị thôn tính bởi những doanh nhân chỉ biết tới tiền bạc lại xuất hiện một lần nữa.

Đúng lúc đó, một nhân vật mới, hay nói đúng hơn, vị cứu tinh khác, đã xuất hiện. Tên ông ta là Matthew Benham.

Vai trò của Benham

Cho đến nay, Matthew Benham vẫn còn là nhân tố bí ẩn trong bóng đá Anh. Ông ít khi chịu trả lời phỏng vấn báo chí, thường chỉ từ 1-2 lần mỗi mùa giải, tránh xa các đám đông và thích làm bạn với chiếc laptop hơn bất cứ thứ gì khác. Ông là người thực hiện chính sách mà ngày nay rất nổi tiếng với cái tên “Moneyball”.

Khái niệm này không mới, đơn giản chỉ áp dụng với những đội bóng không có thực lực trên bàn đàm phán chuyển nhượng. Với Moneyball, các CLB sẽ tìm cách mua về những cầu thủ bị đánh giá thấp, cố gắng đào tạo và đánh bóng họ rồi bán với giá cao. Ajax, Benfica, Porto và giờ là cả Dortmund đã và đang làm theo từ rất lâu. Và Benham cũng muốn áp dụng sách lược đó cho Brentford.

Sau khi rời Đại học Oxford, Benham dành nhiều năm trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm trước khi ông nhận thấy tiềm năng của ngành cá cược thể thao. Ông đã lao vào ngành này và tích lũy được số vốn đủ để mở công ty cá cược. Tại đây, Benham sử dụng các thuật toán và thống kê dữ liệu để hoạt động và nhanh chóng thu được thành công. Nó là tiền đề để ông áp dụng công nghệ vào việc điều hành Brentford như hiện tại.

Khi Bees United tiếp quản 60% cổ phần của Brentford, CLB đang lâm vào cảnh nợ nần trầm trọng và không có tia hy vọng lên hạng Championship. Việc trụ lại League One đã là tốt lắm rồi. Để cứu vãn tình hình, Bees United vay Benham khoảng 500.000 bảng để trả những món nợ trước mắt.

Vài năm sau, khi số nợ ngày một tăng thêm, Bees United quyết định bán toàn bộ số cổ phần mà họ đang sở hữu cho Benham. Khoảng 99% thành viên của tổ chức đồng ý với quyết định này đơn giản vì Benham, cũng như họ, là cổ động viên uồng nhiệt của Brentford. Năm 2012, Benham chính thức trở thành chủ sở hữu của CLB mà ông đã yêu mến từ thời thơ ấu. Đó là lúc Bentford bắt đầu đổi đời.

 Chiến lược của Matthew Benham giúp đội bóng thành công. Ảnh: Getty Images.

Chiến lược của Matthew Benham giúp đội bóng thành công. Ảnh: Getty Images.

Là người đam mê công nghệ, Benham có nhiều ý tưởng về bóng đá mà tiêu biểu chính là thực hiện “Moneyball” cho đội bóng của mình. Để tránh những sai lầm trong quá trình áp dụng cho Brentford, Benham đã mua lại đội bóng FC Midtjylland của Đan Mạch vào năm 2014.

Đội bóng non trẻ này trở thành nơi ông “thí nghiệm” các sách lược trước khi áp dụng cho Brentford. Nhưng chính nhờ đó, Midtjylland đạt được thành công không ngờ. Trong 7 mùa giải đã qua dưới sự điều hành của Benham, Midtjylland giành 3 danh hiệu vô địch quốc gia và 1 Cúp Quốc gia, đồng thời chưa bao giờ vắng mặt trong top 4.

Sự thành công tại Midtjylland đã kích thích Benham áp dụng triệt để sách lược “Moneyball” cho Brentford. Quan điểm của ông và các cộng sự là rõ ràng: Một cầu thủ trẻ chỉ có thể được xác định là có tiềm năng phát triển hay không nếu đá ít nhất 35 trận.

Tất cả CLB lớn đều có những học viện trẻ được đầu tư hàng triệu bảng mỗi năm, nhưng phần lớn các học viên ở đó đều bị thải loại vào khoảng 17-20 tuổi nếu không có cơ hội chứng tỏ mình. Brentford và Benham trao cho họ cơ hội ấy. Hệ thống tuyển trạch của Brentford đã lùng sục khắp các Học viện trẻ của nước Anh để tìm kiếm những cầu thủ như vậy và mang về Griffin Park.

Chiến lược thành công đến không ngờ. Năm 2018, Brentford mua Said Benrahma với mức phí 1,5 triệu bảng và đến tháng 1 vừa qua, bán anh cho West Ham với giá 20,8 triệu bảng. Đó là còn chưa kể phí mượn cầu thủ này trị giá 4 triệu bảng nữa đã được West Ham thanh toán trước đấy vài tháng.

Ollie Watkins, người được Benham mang về với giá 6,5 triệu bảng, cũng được bán cho Aston Villa với giá 30,6 triệu bảng. Con số này còn có thể tăng lên tới 33 triệu bảng nếu anh thi đấu thành công ở Villa Park. Neal Maupay cũng theo con đường tương tự, tới Griffin Park với giá 1,8 triệu bảng và sau đó ra đi để đem về cho CLB 20 triệu bảng.

Không chỉ thành công về tài chính, Brentford còn từng bước leo lên các nấc thang của bóng đá Anh và giờ đây, họ đã có mặt tại Premier League lần đầu tiên trong lịch sử. Đó là giấc mơ mà chính các cổ động viên của CLB thậm chí không dám nghĩ đến cách đây 10 năm. Việc lên chơi ở Ngoại hạng Anh sẽ giúp Brentford kiếm khoảng 250 triệu bảng, con số lớn bằng hàng chục năm thu nhập ở League Two vào cuối thế kỷ trước cộng lại.

Benham vẫn ở đó, hàng ngày sử dụng máy tính để phân tích dữ liệu và tìm ra hướng đi phù hợp với Brentford. Tất nhiên, bóng đá luôn ẩn chứa muôn vàn sự bất ngờ không thể lường trước. Nhưng với Benham, “Bầy ong” hiểu họ đang có một lãnh đạo đủ tầm để tiếp tục đưa CLB phát triển. Và sự trỗi dậy của Brentford chính là câu chuyện cổ tích thời hiện đại, nơi tình yêu của các cổ động viên đã nâng cánh giấc mơ của đội bóng.

Vũ Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doi-bong-tan-binh-premier-league-hoi-sinh-post1253933.html