Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người là vấn đề quan trọng được đặt lên hàng đầu trong nội dung phát triển văn hóa, xã hội, là một trong 3 đột phá chiến lược (thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng). Đây là một trong những nội dung vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính cấp thiết hiện nay.

Trong những năm qua, Đảng ủy, Học viện Biên phòng thường xuyên quan tâm đổi mới đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Ảnh: Phùng Thành

Trong những năm qua, Đảng ủy, Học viện Biên phòng thường xuyên quan tâm đổi mới đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Ảnh: Phùng Thành

Đại hội XII của Đảng đã vạch ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, chủ trương, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với phát triển nguồn nhân lực. Đây là những quan điểm có tác dụng định hướng cho sự phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều đó được thể hiện rất rõ ở thành tựu đạt được trong 5 năm qua: Hệ thống giáo dục quốc dân đã có sự vận động, điều chỉnh và hoàn thiện không ngừng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân và yêu cầu phát triển đất nước. Việt Nam đã xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học; quy mô giáo dục tăng nhanh, nhất là ở bậc đại học và đào tạo nghề. Hệ thống các cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện, giải quyết những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý trong hoạt động đổi mới giáo dục. Quản lý giáo dục có sự chuyển biến tích cực theo hướng dựa trên pháp luật thực hiện, phân cấp cho địa phương và trao quyền tự chủ cho nhà trường. Áp dụng mô hình quản lý công mới, đo lường giáo dục và so sánh quốc tế. Hệ thống giáo dục đã tương đồng về cơ cấu khung với các hệ thống giáo dục thế giới. Chương trình giáo dục ở các bậc học được chú trọng đổi mới với những quy định cụ thể về chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục... Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo luôn được coi là nhiệm vụ trung tâm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo được quan tâm thường xuyên.

Tuy nhiên, thực tiễn những năm qua, việc đổi mới giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực còn những hạn chế, bất cập cơ bản sau: Quản lý Nhà nước về giáo dục chậm đổi mới trước sự phát triển phức tạp và đa dạng của hệ thống giáo dục. Đổi mới thể chế giáo dục diễn ra chậm, thiếu trách nhiệm tổ chức thực hiện với rất nhiều rào cản về tư duy, nhận thức và lợi ích. Quản trị của các cơ sở giáo dục còn nhiều hạn chế, bộc lộ nhiều bất cập về các phương diện chuyên môn, tổ chức, năng lực tài chính, nhân sự, cơ chế tự chủ, đánh giá, kiểm định chất lượng..., đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu thị trường lao động... Hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được sự tương thích với các cấp trình độ giáo dục quốc tế; cơ chế phân luồng chưa hiệu quả, đào tạo gắn với sử dụng vẫn chưa hình thành đầy đủ; chưa thực sự liên thông giữa các bậc học, cấp học...

Trên cơ sở kế thừa, tiếp thu chọn lọc những nội dung cốt lõi trong văn kiện Đại hội XII của Đảng; phân tích thực tiễn phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực, đồng thời, tiếp tục phát triển quan điểm đó trong bối cảnh mới, dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và bổ sung thêm nội dung “Phát triển con người” vào mục V, cụ thể là: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người. Mục này đưa cả vấn đề “Phát triển con người” là hoàn toàn phù hợp và khoa học, mặc dù tại mục VII của dự thảo có đề cập đến xây dựng và phát huy sức mạnh con người Việt Nam. Bởi vì: Quán triệt quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Quan điểm này luôn giữ vị trí chủ đạo trong toàn bộ đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, trong đó có giáo dục và đào tạo. Mặt khác, giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực con người có mối quan hệ biện chứng và gắn kết chặt chẽ với nhau. Mọi hoạt động của hệ thống giáo dục - đào tạo phải hướng vào việc xây dựng con người Việt Nam và phải gắn với quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực.

Về 10 nội dung trong mục V của dự thảo thể hiện chủ trương, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người mang tính đồng bộ, vững chắc, phù hợp đặc điểm văn hóa, con người và trình độ phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cần đề cập sâu và cụ thể thêm mục tiêu phát triển con người toàn diện. Do đó, cần bổ sung thêm nội dung: Phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, chú trọng bồi dưỡng tri thức, nâng cao trí lực, kỹ năng sống, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống và ý thức công dân. Để thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, dự thảo cần xác định rõ hơn một số giải pháp mang tính đột phá, cụ thể:

Một là, đổi mới nhận thức, xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, lành mạnh. Trong đó, cần phải ban hành chính sách khuyến khích và bắt buộc nhà trường gắn liền với xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền; đa dạng hóa các hoạt động liên kết nhà trường với xã hội.

Hai là, hoàn thiện hệ thống luật pháp về giáo dục và đào tạo. Cụ thể, cần điều chỉnh một số nội dung trong Luật Giáo dục như: Vấn đề tự chủ tài chính và cơ chế thực hiện nghĩa vụ giải trình, chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục công được giao quyền tự chủ...

Ba là, đổi mới quản trị hệ thống. Tập trung vào hoàn thiện hệ thống và phương thức xây dựng chuẩn đầu ra cho giáo dục các bậc học, nhất là sau trung học; xây dựng chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; hoàn thiện và triển khai hệ thống kiểm định chất lượng như văn bản pháp quy, xây dựng hệ thống các tiêu chí kiểm định chất lượng...
Bốn là, cơ cấu lại về trình độ, ngành nghề và năng lực của các sản phẩm đào tạo của giáo dục trung học theo hướng đáp ứng yêu cầu nhân lực quốc gia, có khả năng điều chỉnh, thích ứng nhanh với những biến động của thị trường lao động, đảm bảo tính bền vững và tính dự báo cao.

Năm là, gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội, với thị trường lao động theo hướng chuyển từ đào tạo theo khả năng của từng nhà trường sang đào tạo theo nhu cầu xã hội, của thị trường lao động; rà soát, điều chỉnh và xây dựng chương trình đào tạo theo hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành, tăng cường năng lực sáng tạo và năng lực làm việc. Đổi mới giáo dục, đào tạo, dạy nghề trong hệ thống các trường đào tạo nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực, tiếp thu làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.n

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thái Sinh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-post435855.html