Đổi mới một việc, gỡ khó nhiều việc

TS. BÙI NGỌC THANH - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hôịCuối tuần qua, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV. Kết thúc phiên thảo luận, nhiều cử tri bày tỏ vui mừng, vì lần đầu tiên nắm được tương đối chắc chắn nội dung việc giải quyết kiến nghị của cử tri thực chất là như thế nào.

Nét đổi mới mang nhiều sắc thái

Nếu chỉ nghe qua mấy con số tại phiên khai mạc: Tổng số 2.593 kiến nghị của cử tri, đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý, và đã có 2.589 kiến nghị được giải quyết, trả lời cử tri, chiếm 99,8% tổng số kiến nghị. Chỉ tính từ Quốc hội Khóa XIV đến nay, rất nhiều lần các con số đẹp đã xuất hiện (trên 90 đến ngót 100% số kiến nghị của cử tri được giải quyết). Tuy nhiên nội dung giải quyết như thế nào, cử tri rất muốn biết mà chưa được biết.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Lần này, Quốc hội giám sát và thảo luận công khai kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước đã đáp ứng đúng nguyện vọng chính đáng đó. Thông qua các ý kiến của các đại biểu tại nghị trường có thể rút ra một số vấn đề.

Một, đây tiếp tục là một nét đổi mới cụ thể trong cả quá trình đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, một lần nữa công khai, minh bạch hóa thông tin, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân. Tuyệt đại bộ phận các kiến nghị được tập hợp từ các cuộc tiếp xúc cử tri, vì vậy cử tri mong muốn được biết kết quả giải quyết thế nào, đó là nguyện vọng chính đáng mà lần này Quốc hội đã đáp ứng.

Hai, các kiến nghị của cử tri đều xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội, sản xuất và đời sống ở cơ sở (như mục tiêu giảm nghèo bền vững, kích hoạt lại sản xuất của doanh nghiệp, sắp xếp lao động, việc làm sau đại dịch Covid-19, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách người có công...), do đó giải quyết có hiệu quả các kiến nghị của cử tri chính là thúc đẩy phát triển nền kinh tế, góp phần xử lý hợp lý các vấn đề xã hội trong điều kiện bình thường mới.

Ba, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khá rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết, thẳng thắn, sát với tình hình thực tế, các con số đều có tiếng nói riêng của mình. Nhiều đại biểu đã minh họa các số liệu của báo cáo bằng thực tiễn sinh động của địa phương, của cơ sở.

Bốn, đa số đại biểu đã phát biểu đều có chung nhận xét: Tỷ lệ 98,8% kiến nghị của cử tri đã được xem xét, trả lời chứng tỏ các bộ, ngành, cơ quan hữu trách đã khá quan tâm, cố gắng, tích cực trong việc xử lý các kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là chất lượng trả lời, thì có thể nói là còn hạn chế. Nhiều đại biểu đã dẫn ra các số liệu về Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương đã tiếp nhận và trả lời 2.466/2.469 kiến nghị, đạt 99,9%, trong đó 12 lĩnh vực thuộc các bộ, ngành Trung ương đã giải trình và cung cấp thông tin tới 2.004 kiến nghị, chiếm 81,3% tổng số kiến nghị. Chỉ có 82 kiến nghị (chiếm 3,3% tổng số kiến nghị) được xem xét giải quyết cụ thể. Với ý nghĩa quan trọng như đã nói ở trên, thì việc trả lời có tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội quả là còn bị hạn chế. Có đại biểu thẳng thắn chỉ rõ, “phần lớn các văn bản trả lời là giải trình, cung cấp thông tin, không có biện pháp cụ thể hướng dẫn hành động, vậy phải xem cử tri có đồng tình với ý kiến trả lời không”. Từ đó, một số đại biểu đề nghị, để nâng cao chất lượng trả lời thì cần xây dựng, ban hành các tiêu chí cho các văn bản trả lời.

Năm, kinh nghiệm thực tế cho thấy, trong các cuộc tiếp xúc cử tri nếu có lãnh đạo các cấp cùng dự thì nhiều kiến nghị thuộc phạm vi địa phương được xử lý “ngay tại chỗ”, bởi chính lãnh đạo đó cung cấp thông tin khá đầy đủ cho cử tri. Mặt khác, các kiến nghị cũng được lãnh đạo chỉ đạo phân loại ngay. Chỉ những kiến nghị thuộc tầm vĩ mô của các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương mới gửi đến kỳ họp Quốc hội. Như vậy, sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức của các cơ quan hữu quan.

Sáu, ở Trung ương cũng phải phân loại các kiến nghị của cử tri để có các giải pháp xử lý khả thi khi trả lời. Thực tế cho thấy, có kiến nghị chỉ yêu cầu về một đối tượng cụ thể (như xem xét công nhận liệt sĩ cho một người đã hy sinh trong chiến tranh); nhưng có những kiến nghị cần có chính sách cho cả một vùng rộng lớn, nhiều dân tộc. Có những kiến nghị có thể thực thi trong một thời gian ngắn như trợ cấp giáp hạt, trợ cấp sau thiên tai; nhưng có nhiều kiến nghị có tính lâu dài như chủ trương cải tạo một vùng đất, đầu tư làm đường giao thông (đại biểu Đoàn Lâm Đồng nêu một kiến nghị làm đường ở địa phương này đã 10 năm chưa được giải quyết). Có những kiến nghị chỉ thuộc phạm vi một bộ, một ngành, nhưng cũng có nhiều kiến nghị có quan hệ liên bộ, liên ngành... Trên cơ sở phân loại các kiến nghị của cử tri mà định ra thời hạn tương thích phải trả lời cho mỗi loại kiến nghị (thời hạn ngắn - từ kỳ họp này đến kỳ họp sau cho những kiến nghị đơn lẻ, đơn giản; thời hạn trung hạn - trong hai kỳ họp cho những kiến nghị có phần phức tạp; và thời hạn lâu hơn - 3, 4 kỳ họp cho những kiến nghị quy mô lớn, phức tạp, liên quan nhiều cơ quan). Đối với những kiến nghị liên ngành cũng có thể phân ra: kiến nghị liên quan đến 2 - 3 ngành; những kiến nghị liên quan đến 4 ngành trở lên. Mỗi loại kiến nghị này cần giao cho ngành liên quan nhiều nhất chủ trì trả lời, các ngành liên quan khác phối hợp (tránh mỗi ngành trả lời một kiểu, thậm chí mâu thuẫn như hiện nay).

Bảy, phải tiến hành giám sát người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan trong việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Lâu nay có tình trạng một số người đứng đầu thiếu quan tâm, thậm chí không quan tâm đến kiến nghị của cử tri đối với cơ quan mình, hoặc phó thác cho bộ phận chức năng xử lý, miễn sao có trả lời là được (trước đây đã có trường hợp cấp phó ký văn bản gửi cho đại biểu, sau khi đại biểu phản hồi ý kiến, cơ quan mới thu hồi văn bản để cấp trưởng ký, gửi lại cho đại biểu). Cử tri mong muốn các bộ, ngành hãy đặt mình vào những vướng mắc, khó khăn của cử tri ở cơ sở để biết sự mong mỏi ý kiến trả lời giúp việc tháo gỡ nhanh chóng, có hiệu quả công việc như thế nào. Vì vậy, việc giám sát người đứng đầu về trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri chắc chắn sẽ thúc đẩy việc trả lời đúng thời hạn, nâng cao chất lượng, tính thiết thức của nội dung trả lời và sẽ hướng dẫn được việc thực thi công việc ở cơ sở ngày càng tốt hơn.

Ghi nhận những hiệu quả tích cực ban đầu

Lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, song đã để lại ấn tượng sâu sắc với cả đại biểu và cử tri cả nước. Đặc biệt, kết quả thảo luận đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm lên một tầm cao mới đối với những người đứng đầu các cơ quan nhà nước, các bộ, ngành trong việc thực thi nhiệm vụ này.

Qua hoạt động giám sát này càng cho thấy rõ, kiến nghị và trả lời kiến nghị của cử tri không phải là hoạt động mang tính chất lễ nghi, hành chính, mà là hoạt động thiết thực góp phần xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội ở từng địa bàn, cơ sở trên con đường phát triển.

Đổi mới hoạt động giám sát này cũng đặt ra những công việc mới cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Dân nguyện. Trong đó, có các công việc chỉ đạo và tiến hành phân loại hàng nghìn kiến nghị theo nội dung kiến nghị, theo địa chỉ nhận và trả lời kiến nghị sao cho chính xác nhất; lập dữ liệu kiến nghị và giải quyết kiến nghị để theo dõi; xây dựng các tiêu chí cho văn bản trả lời kiến nghị; đánh giá chất lượng các văn bản trả lời kiến nghị và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trả lời kiến nghị...

Với những kết quả bước đầu như vậy, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, thảo luận công khai trả lời kiến nghị của cử tri là một sáng kiến - đổi mới thiết thực, có hiệu quả của Quốc hội. Đó là tôn trọng, đáp ứng nguyện vọng và nâng tầm trách nhiệm hơn nữa đối với cử tri; góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội ở cơ sở theo kịp tiến độ và phát triển lành mạnh.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/doi-moi-mot-viec-go-kho-nhieu-viec-i330580/