Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch: Góp sức quảng bá nét đẹp Bắc Giang

Những năm gần đây, khách đến các di tích lịch sử, văn hóa, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Ngành chức năng tỉnh đã từng bước quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) để nâng cao tính chuyên nghiệp, tăng hiệu quả phục vụ, thu hút khách du lịch.

Điểm đến hấp dẫn du khách

Chị Dương Thị Lan (SN 1980), viên chức Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Yên Thế nhiều năm nay gắn bó với công việc HDV tại Khu Di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (Yên Thế). Nơi đây đã được công nhận là điểm du lịch, trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách.

 Hướng dẫn viên Dương Thị Lan giới thiệu với du khách về Khu Di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám.

Hướng dẫn viên Dương Thị Lan giới thiệu với du khách về Khu Di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám.

Sinh ra và lớn lên tại đây, chị Lan luôn tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất của hai vị thủ lĩnh Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế. Vì thế, để phục vụ tốt du khách đến tham quan, chị dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, những nét kiến trúc độc đáo của các di tích; hình ảnh và hiện vật liên quan đến cuộc khởi nghĩa được trưng bày tại đây.

Chị Lan chia sẻ: “Cùng với tham khảo tài liệu, sách báo, tôi tìm hiểu, nắm bắt những câu chuyện của người cao tuổi địa phương lưu truyền về cuộc khởi nghĩa, về cuộc đời, gia đình của thủ lĩnh Đề Thám để chuyển tải tới du khách”. Tùy mỗi đoàn khách với nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau, chị chuẩn bị những bài thuyết minh phù hợp. Cùng đó, chị lồng ghép giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc, những danh lam, thắng cảnh và ẩm thực đặc trưng của địa phương.

HDV là người tạo ấn tượng đầu tiên đối với khách du lịch. Thông qua sự giới thiệu, truyền tải của HDV, du khách cảm nhận được ý nghĩa, vẻ đẹp, giá trị của di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh.

Toàn tỉnh có 5 di tích, cụm di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 96 di tích quốc gia và hàng trăm di tích cấp tỉnh. Trên địa bàn tỉnh cũng có 13 điểm du lịch cộng đồng khá sôi động. Những năm gần đây, khách du lịch đến Bắc Giang ngày càng tăng. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh thu hút gần 1,8 triệu lượt người, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 15 nghìn lượt khách nước ngoài. Một số điểm di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm đến của du khách khi đặt chân đến Bắc Giang.

Đội ngũ HDV du lịch có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu về lịch sử, quảng bá những giá trị văn hóa của địa phương với khách tham quan.

Ông Nguyễn Văn Kính, 75 tuổi ở phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) cho biết: “Tôi đã từng đi tham quan nhiều ngôi chùa trong cả nước. Khi đến thăm chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) nếu chỉ thắp hương và hành lễ thì có lẽ cảm nhận cũng như các ngôi chùa khác. Nhưng được HDV giới thiệu kỹ về di tích, nhất là về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, về chốn Tổ Vĩnh Nghiêm do vua Trần Nhân Tông và tam tổ sáng lập, về kho mộc bản, tôi hiểu hơn về giá trị đặc biệt của di tích cũng như vùng đất, con người nơi đây”.

Thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng

Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã cấp thẻ HDV cho 128 người; hầu hết di tích lịch sử quốc gia và điểm du lịch được cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh đã bố trí HDV. Một số điểm du lịch tâm linh, du lịch về nguồn như: Chùa Bổ Đà (thị xã Việt Yên), đền Xương Giang (TP Bắc Giang), chùa Vĩnh Nghiêm, Khu Di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, các HDV đã được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ.

 HDV giới thiệu di tích chùa Vĩnh Nghiêm với du khách. Ảnh: Trung tâm VHTT&TT huyện Yên Dũng.

HDV giới thiệu di tích chùa Vĩnh Nghiêm với du khách. Ảnh: Trung tâm VHTT&TT huyện Yên Dũng.

Tuy nhiên, hiện đội ngũ HDV hoạt động tại tỉnh chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm mà ít HDV chuyên nghiệp. Theo đánh giá của Sở VHTTDL, một số HDV có kỹ năng, nghiệp vụ tốt nhưng nắm bắt chưa đầy đủ kiến thức lịch sử, văn hóa về di tích nên giới thiệu chuyên sâu còn hạn chế. Nghề HDV đòi hỏi phải thường xuyên cập nhật kiến thức, tự nâng cao khả năng ngoại ngữ, có sức khỏe, khả năng ứng biến, giao tiếp tốt, ngoại hình đẹp song thu nhập của nghề này tại địa phương chưa có sức hấp dẫn đối với sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành.

Một số điểm như chùa Bổ Đà; Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) và một số di tích, khu, điểm du lịch tại các huyện Lục Nam, Hiệp Hòa từng đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước, khách trong nước và nước ngoài song chưa có HDV chuyên nghiệp, có khả năng giới thiệu hấp dẫn, truyền cảm.

Thời gian gần đây, ngành du lịch tỉnh đã quan tâm bồi dưỡng, đào tạo để nâng chất lượng đội ngũ HDV; tổ chức hội thi HDV du lịch nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh được giao lưu, học hỏi kiến thức, kỹ năng thuyết minh, giới thiệu về các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, văn hóa ẩm thực, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp ở địa phương; xử lý tình huống trong quá trình hướng dẫn du khách. Một số huyện như: Yên Dũng, Hiệp Hòa và thị xã Việt Yên đã thành lập câu lạc bộ HDV với sự tham gia của đoàn viên thanh niên, học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn huyện nhằm tạo nguồn nhân lực hỗ trợ hướng dẫn tại các điểm di tích.

Để có đội ngũ HDV chất lượng, chuyên nghiệp còn cần sự hỗ trợ, quan tâm hơn nữa của ngành chức năng và địa phương. Chị Trần Thị Minh Trang, HDV tại Khu Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp chuyên ngành HDV, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và công tác tại đây đã hơn chục năm. Công việc bận rộn, nhất là vào dịp lễ, Tết, ngày nghỉ; thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng. Tôi mong muốn được cải thiện thu nhập và tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức về di sản, văn hóa tâm linh để làm việc tốt hơn”.

Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, ngành và các địa phương tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo HDV và cử cán bộ có khả năng, kinh nghiệm về công tác thuyết minh tham gia bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ để đảm nhận công tác HDV. Tổ chức thi tuyển chọn HDV di tích, nhất là ở một số di tích lớn, trọng điểm của tỉnh có số lượng khách đến đông. Chú trọng tuyển HDV là người địa phương, am hiểu phong tục, tập quán có kiến thức thực tế về lịch sử, văn hóa Bắc Giang.

Sở tham mưu cơ chế tuyển dụng cũng như chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với những cán bộ làm công tác này để họ yên tâm làm tốt nhiệm vụ. Qua đó góp phần phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Bắc Giang đến với du khách, khai thác và phục vụ du lịch chuyên nghiệp hơn.

Vi Lệ Thanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/doi-ngu-huong-dan-vien-du-lich-gop-suc-quang-ba-net-dep-bac-giang-072833.bbg