Đổi thay kênh Chống Mỹ

Ở An Biên, An Minh (Kiên Giang) có con kênh mang tên 'Chống Mỹ' được khởi nguồn từ lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đây là công trình thể hiện sức mạnh, sự đồng lòng, ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Theo lịch sử truyền thống của Đảng bộ huyện An Biên (Kiên Giang), những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, quân Mỹ - ngụy ra sức xây dựng đồn bốt, cứ điểm quân sự dọc theo kênh xáng Xẻo Rô, âm mưu chặn đường kháng chiến của quân và dân ta.

Để đối phó với tình hình này, giữa năm 1963, Đảng bộ huyện An Biên chỉ đạo các đoàn thể huy động lực lượng tham gia công tác dân công, đào kênh khai thông tuyến hành lang đường thủy phía vách biển để giữ không cho địch đốt rừng và đảm bảo đường giao thông, vận chuyển lương thực, vũ khí...

Con kênh này có sự góp sức của hàng ngàn người dân và được đặt tên là kênh Chống Mỹ.

HỖ TRỢ KHÁNG CHIẾN

Là những người trực tiếp tham gia công tác vận động người dân đào kênh Chống Mỹ, ông Nguyễn Văn Đen (86 tuổi), ngụ ấp 5 Biển B, xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) kể: “Lúc đó tôi làm ban cán sự ấp Ba Biển. Khi lãnh đạo xã có chỉ đạo, tôi nhanh chóng tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc đào kênh cho người dân. Vợ tôi làm công tác vận động phụ nữ chuẩn bị thức ăn, nước uống cho người đào kênh. Hiểu những công việc này giúp ích cho kháng chiến, người dân rất hăng hái tham gia. Mỗi đợt đào kênh, ấp tôi có hơn 50 người, mỗi người đào dài ít nhất 4m, rộng 4m, sâu khoảng 3m”.

Đồng chí Lê Hùng Minh (88 tuổi) - nguyên Phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện An Biên cho biết: “Thời điểm đào kênh, tôi làm nhiệm vụ đánh chặn những đợt càn của địch vào nơi đào kênh, nắm tình hình địch và thông tin cho lực lượng đào kênh tránh sự vây bắt của kẻ thù. Địch càn quét liên tục, nhiều người đã hy sinh hoặc bị bắt. Đường đào kênh toàn cây rừng, cây mắm, tốn rất nhiều công sức. Mặc dù gian nan nhưng không làm nản ý chí của quân và dân ta”.

Ông Nguyễn Hữu Thạnh, ngụ ấp 5 Biển B, xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) bên dòng kênh Chống Mỹ.

Ông Nguyễn Hữu Thạnh, ngụ ấp 5 Biển B, xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) bên dòng kênh Chống Mỹ.

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm của quân và dân ta, hơn 2 năm, kênh Chống Mỹ hoàn thành và đóng góp tích cực vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Theo đồng chí Nguyễn Văn Thương (75 tuổi) - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Thái cho biết, kênh Chống Mỹ được đào từ xã Vân Khánh (An Minh) đến ấp Thứ Nhất, xã Tây Yên (An Biên) dài hơn 40km, nằm song song với kênh xáng Xẻo Rô.

Con kênh này có ý nghĩa chiến lược quan trọng vì địch đã chặn đường di chuyển của ta ở kênh xáng Xẻo Rô. Kênh Chống Mỹ trở thành huyết mạch giao thông giúp bộ đội ta hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, thương bệnh binh; đồng thời giữ nước bảo vệ rừng, bảo vệ căn cứ, tạo thêm địa hình, địa vật thuận tiện cho lực lượng ta bám trụ chiến đấu ngăn chặn đường tiến công của địch.

SỨ MỆNH MỚI

Trong thời bình, kênh Chống Mỹ hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và sản xuất. Lúc trước kênh Chống Mỹ chỉ rộng 4-5m. Sau giải phóng, chính quyền địa phương nhiều lần nạo vét, cải tạo, đến nay con kênh đã rộng hơn 15m, người dân bắt đầu xây nhà, trồng lúa, nuôi cá, tôm dọc hai bờ kênh. Kênh Chống Mỹ giúp người dân thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa, điều tiết nước trong nuôi trồng.

Ông Nguyễn Hữu Thạnh, ngụ ấp 5 Biển B, xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) chia sẻ: “Kênh Chống Mỹ giúp tôi điều tiết nước trong quá trình nuôi tôm - lúa, nhất là giúp dẫn nước vào hầm để thực hiện mô hình nuôi cua óp lên cua gạch. Nhờ những mô hình này giúp tôi thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm và là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền”.

Nhiều cầu giao thông nông thôn được bắc qua kênh Chống Mỹ giúp việc giao thông thêm thuận tiện. Khoảng năm 2015 tuyến đường 964 được trải nhựa rộng 6m chạy dọc theo con kênh Chống Mỹ, giúp đời sống người dân càng khấm khá.

Theo đồng chí Tô Thanh Đoàn - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên (Kiên Giang), kênh Chống Mỹ ở An Biên đi qua 4 xã Tây Yên, Nam Yên, Nam Thái, Nam Thái A.

Đây là các xã trong vùng bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn nhưng nay đã vươn mình phát triển, đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 57 triệu đồng/năm.

Tự hào khi quê hương An Biên có dòng kênh mang tên Chống Mỹ và nhiều chiến công vang dội. Tiếp bước truyền thống cách mạng hào hùng này, Đảng bộ, quân và dân An Biên quyết tâm cống hiến, thi đua xây dựng để vùng đất anh hùng ngày càng giàu đẹp.

Bài và ảnh: BẢO TRÂN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/doi-thay-kenh-chong-my-16442.html