Đổi thay ở bản Hồng Ngài

Bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài (Bắc Yên) là một trong những bản có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm gần đây, bà con trong bản đã có nhiều đổi thay trong tập quán sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Người dân bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài (Bắc Yên) sửa chữa công cụ sản xuất.

Người dân bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài (Bắc Yên) sửa chữa công cụ sản xuất.

Trưởng bản Thào A Chua phấn khởi nói với chúng tôi: Năm 2017, sau khi được xã tổ chức cho đi tham quan một số vườn cây ăn quả chất lượng cao ở các xã: Phiêng Ban, Song Pe. Ban Quản lý bản đã về tổ chức họp bàn với bà con và thống nhất triển khai việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của bản và từng hộ gia đình. Đến nay, người dân trong bản trồng hơn 10 ha cây ăn quả, gồm: Nhãn ghép, xoài lai, niên vụ năm 2021 sẽ thu hoạch lứa đầu tiên. Bản còn vận động bà con đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa. Hướng dẫn người dân tận dụng khu vực đất trống đồi trọc để trồng cỏ lấy thức ăn chăn nuôi gia súc; làm chuồng trại chăn nuôi nhốt, nhằm hạn chế dịch bệnh và góp phần bảo vệ môi trường. Sản phẩm chăn nuôi đã và đang trở thành hàng hóa, hiện toàn bản có hơn 300 con gia súc và hàng nghìn con gia cầm.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về sáp nhập tổ, bản, năm 2019, bản Mới thuộc xã Hồng Ngài được sáp nhập vào bản Hồng Ngài. Hiện bản Hồng Ngài có gần 300 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Sau khi sáp nhập, Chi bộ, Ban quản lý bản được củng cố, kiện toàn đã họp rà soát danh sách hộ nghèo cần được hỗ trợ cây, con giống, vốn, kỹ thuật sản xuất và các hộ còn ở nhà tạm, nhà dột nát để có kế hoạch giúp đỡ. Từ đó, bản đã đề nghị UBND xã đề xuất với các cấp xem xét các hộ nghèo nằm trong diện được hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp; vận động các gia đình có điều kiện kinh tế khá hơn trong bản hướng dẫn các hộ nghèo cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Tính từ năm 2019 đến tháng 8/2020, bản đã có 10 hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Còn các hộ thiếu vốn sản xuất, chăn nuôi đã được vay hơn 1 tỷ đồng vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, các ngành chức năng còn hỗ trợ cây, con giống; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi... Nhiều hộ đã từng bước vươn lên thoát nghèo, tiêu biểu, như: Gia đình ông Giàng A Tủa đã vay vốn đầu tư nuôi 10 con bò, hằng năm thu trên 50 triệu đồng hay gia đình ông Giàng A Cô có 12 con ngựa...

Là một trong những hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm, anh Giàng A Su, bản Hồng Ngài, phấn khởi: Trước đây, mỗi khi trời mưa là đồ đạc và nông sản trong nhà bị ướt hết. Năm 2019, được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng và anh em họ hàng cùng bà con trong bản đóng góp ngày công dựng cho ngôi nhà mới. Giờ đây, gia đình tôi yên tâm ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.

Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của bản Hồng Ngài vẫn còn 40%; thu nhập bình quân đầu người 12 triệu đồng/người/năm. Song lên thăm Hồng Ngài hôm nay, chúng tôi nhận thấy những đổi thay đáng mừng. Những hủ tục lạc hậu ngày xưa không còn, bà con đã biết phát triển các mô hình kinh tế, cơ sở hạ tầng khang trang. Đặc biệt, 100% số trẻ trong độ tuổi đã được tới trường. Với hướng đi đúng, phù hợp với thực tế của địa phương, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tin rằng, người dân bản Hồng Ngài sẽ đoàn kết, đồng lòng, tích cực phát triển kinh tế để có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/doi-thay-o-ban-hong-ngai-33693