Đối thoại trực tiếp, kịp thời giải quyết các kiến nghị của người dân

Ngày 27/2/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Quy định số 12-QĐi/TU về đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh với nhân dân. Đây là cách làm sáng tạo trong cụ thể hóa việc thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

UBND thành phố Sơn La tổ chức đối thoại với nhân dân phường Chiềng Sinh.

UBND thành phố Sơn La tổ chức đối thoại với nhân dân phường Chiềng Sinh.

Thực hiện Quy định số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội đã quán triệt, triển khai nghiêm túc nội dung quy định đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã cụ thể hóa quy định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Việc triển khai, thực hiện Quy định đối thoại đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành cấp tỉnh thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, thường xuyên và coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng; hằng năm cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân theo quy định.

Qua 3 năm thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành đã tổ chức được 983 hội nghị đối thoại, gồm: Cấp tỉnh 90 hội nghị; cấp huyện, thành phố 219 hội nghị; cấp xã, phường, thị trấn 674 hội nghị với tổng số trên 8.680 ý kiến. Các ý kiến chủ yếu liên quan nhiều đến lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn; môi trường; chủ trương về thực hiện sáp nhập bản, tiểu khu, tổ dân phố; các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của nhân dân; việc thực hiện chính sách cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19...

Giải quyết kịp thời, trả lời xác đáng những kiến nghị của nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành đã phân công rõ việc cho từng cá nhân liên quan trả lời trực tiếp tại hội nghị theo thẩm quyền; không khí đối thoại bảo đảm trang trọng, cởi mở, dân chủ, thẳng thắn. Sau hội nghị đối thoại, đã ban hành các thông báo kết luận, các văn bản có liên quan về kết quả đối thoại; giao nhiệm vụ cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết. Nhờ vậy, kết quả các cuộc đối thoại ngày càng chất lượng và đi vào nền nếp; các kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng của nhân dân thuộc thẩm quyền cơ bản được tiếp thu và xử lý ngay tại cơ sở, hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp và phát sinh điểm nóng.

Sở Nội vụ là một trong những đơn vị thực hiện tốt việc tổ chức đối thoại theo lĩnh vực phụ trách thời gian qua. Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Sở Nội vụ xác định công tác đối thoại với nhân dân là nội dung quan trọng, yếu tố then chốt trong việc thực hành dân chủ. Việc đối thoại là điều kiện để thông tin các nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của ngành, đặc biệt là chế độ, chính sách, quyền, nghĩa vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2019 đến nay, Sở đã tổ chức được 2 hội nghị đối thoại trực tiếp với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, bản, tiểu khu; viên chức các đơn vị sự nghiệp tại xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu và tại xã Huy Tường, huyện Phù Yên.

Đồng chí Cầm Thúy Vân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Qua các hội nghị, lãnh đạo Sở đã trực tiếp tiếp thu, thảo luận, trả lời trực tiếp các kiến nghị, giải thích cặn kẽ về cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận và thực tiễn; thống nhất về chủ trương lãnh đạo, quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị, các vấn đề tồn đọng ở cơ sở, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước của ngành Nội vụ trên địa bàn toàn tỉnh.

Với tinh thần cầu thị, “nghe dân nói, làm cho dân tin”, việc tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân dân đã giúp chính quyền, các cơ quan, đơn vị kịp thời nắm tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, đề nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân; chủ động xử lý, giải quyết kịp thời những vấn đề nhân dân quan tâm ngay từ cơ sở. Thông qua hoạt động đối thoại với nhân dân, chính quyền, các sở, ban, ngành đã từng bước thay đổi nhận thức, phương thức điều hành, quản lý; ý thức trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, các sở, ban, ngành được nâng lên, tích cực vào cuộc giải quyết các vấn đề, vụ việc nhanh hơn, các chính sách ban hành phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.c

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/doi-thoai-truc-tiep-kip-thoi-giai-quyet-cac-kien-nghi-cua-nguoi-dan-49076