Đối trọng với Trung Quốc, Mỹ vấp 'gió ngược' tại Ấn Độ Dương

Tờ Nikkei Asian Review mới đây đã có bài viết về hợp tác quân sự giữa Mỹ và Sri Lanka.

Kế hoạch quân sự mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương đang phải đối mặt với những cơn gió ngược từ Sri Lanka, một hòn đảo Nam Á có vị trí chiến lược – nơi cũng đang nằm giữa ván cờ tranh giành ảnh hưởng địa chính trị từ Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.

SOFA ở vị trí trọng yếu

Ở vị trí trung tâm giữa Mỹ và Sri Lanka là Thỏa thuận về Tình trạng Lực lượng SOFA– được kí kết vào năm 1995, mở đường cho quân đội Hoa Kỳ tiếp cận Sri Lanka để thực hiện các hoạt động hậu cần. Nhưng nỗ lực của Washington để đàm phán một thỏa thuận hợp tác quân sự mới phát triển từ SOFA, trong đó nêu ra một loạt các biện pháp bảo vệ và cấp quyền ưu tiên cho các chuyến thăm của quân đội Hoa Kỳ đang thu hút nhiều sự lo ngại.

Đây cũng là một vấn đề gây khó nghĩ cho Thủ tướng Ranil Wickremeinghe, người lãnh đạo phe thân Mỹ trong liên minh cầm quyền vốn đang bị chia rẽ sâu sắc của Sri Lanka. Ông đã bị Tổng thống Maithripala Sirisena, thành viên hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan chỉ trích.

Ngay cả các quan chức trong nhóm xây dựng chính sách đối ngoại của Colombo cũng bối rối. Họ cho rằng mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ theo các điều khoản đàm phán mới sẽ khiến Sri Lanka bị "hút vào tình thế cạnh tranh quân sự" trong tương lai.

Các tàu hải quân Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc đứng đầu danh sách gần 500 tàu chiến đã ghé thăm Sri Lanka trong thập kỷ qua, Nguồn: Reuters

Các tàu hải quân Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc đứng đầu danh sách gần 500 tàu chiến đã ghé thăm Sri Lanka trong thập kỷ qua, Nguồn: Reuters

"Chúng tôi không thể xuất hiện với tư cách liên minh với hẳn một bên trong bất kỳ cuộc căng thẳng nào trong tương lai tại khu vực của chúng tôi, bởi vì điều đó sẽ làm tê liệt các lựa chọn ngoại giao của chúng tôi", một quan chức Bộ Ngoại giao nước này nói với Nikkei Asian Review. "Một cái gật đầu về SOFA với Hoa Kỳ mở ra cơ hội cho các đồng minh khác của chúng tôi như Trung Quốc, Ấn Độ hoặc thậm chí Nga thúc đẩy Sri Lanka ký các thỏa thuận tương tự. Chúng tôi liệu có nói không với họ được không?"

Những nhận định như vậy đánh dấu một sự thay đổi trong lập trường, từ việc đánh giá cao sự hỗ trợ quân sự của nước ngoài cho Sri Lanka trong cuộc nội chiến kéo dài gần ba thập kỷ. Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã gạt sang một bên sự khác biệt sâu sắc của họ và hỗ trợ quân đội Sri Lanka chấm dứt cuộc chiến chống lại nhóm li khai Những con hổ Tamil.

Theo Đô đốc Jayanath Colombiaage, cựu chỉ huy hải quân, "Vai trò tình báo quan trọng nhất trong việc tiêu diệt các con tàu [cung cấp vũ khí] cho Hổ Tamil đến từ Hoa Kỳ". Kể từ khi chiến tranh kết thúc, các mối quan hệ an ninh đã được rèn giũa theo một nhịp điệu khác, ông nói, đề cập đến các tàu hải quân từ các cường quốc khu vực và toàn cầu thả neo tại ba cảng của Sri Lanka.

Các tàu hải quân Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc đứng đầu danh sách gần 500 tàu chiến đã ghé thăm nước này trong thập kỷ qua. Trong khi đó, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã củng cố năng lực hải quân cho Sri Lanka bằng cách chuyển giao tàu tuần tra, cano cho Cảnh sát biển và tàu khu trục.

Nhưng hiện tại, việc Mỹ muốn thay đổi các quy tắc cơ bản của các chuyến thăm hải quân trong tương lai đang vấp phải nhiều nghi ngờ. Một số người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Sri Lanka có lo ngại rằng một thỏa thuận mới sẽ mở đường cho Washington thiết lập các căn cứ quân sự. Còn nhiều nhà phân tích trên truyền thông thì đặt câu hỏi về các điều khoản cho các nhà thầu quân sự tư nhân từ Hoa Kỳ được miễn trừ ngoại giao.

Sức mạnh Mỹ tại Sri Lanka

Các cuộc đàm phán về SOFA cũng diễn ra sau một thỏa thuận quân sự khác, Thỏa thuận Thu nhận và Dịch vụ tương trợ (ASCA) mà Mỹ - Sri Lanka đã ký kết vào năm 2017.

Iqbal Athas, một nhà phân tích quốc phòng kỳ cựu, cho biết thỏa thuận ACSA và các cuộc đàm phán SOFA có nghĩa là "tăng cường dấu ấn quân sự lớn hơn của Mỹ ở Sri Lanka".

Ông nói, "ACSA mới có phần kết mở và sẽ tồn tại mãi mãi. Còn SOFA cho phép quân đội Hoa Kỳ mang vũ khí, mặc đồng phục và mang theo thiết bị liên lạc khi ở Sri Lanka."

Các nhà quan sát nói rằng sự vội vàng của chính phủ Hoa Kỳ trong việc ký kết một thỏa thuận cũng được thúc đẩy bằng việc sắp đến bầu cử tổng thống Mỹ.

"Ý định là để SOFA được ký trước cuộc bầu cử năm 2019", Bernard Goonetilleke, chủ tịch của Pathfinder Foundation, một nhóm cố vấn về vấn đề quốc tế của Sri Lanka nói.

Alaina B. Teplitz, đại sứ Hoa Kỳ tại Sri Lanka, đã tăng cường ngoại giao công chúng. Bà bác bỏ cáo buộc về việc đã lên kế hoạch cho một căn cứ quân sự và lập luận rằng, chương trình nghị sự của Washington không làm suy yếu chủ quyền của Sri Lanka.

"Những gì chúng tôi muốn thấy là một Sri Lanka rất mạnh mẽ, có năng lực và có chủ quyền, có khả năng bảo vệ bờ biển và kiểm soát vùng biển của mình, giữ cho không phận mở để tất cả các quốc gia có thể đi qua và mọi người đều tuân theo các quy định và luật lệ của trật tự quốc tế", bà nói với Rupavahini, đài truyền hình nhà nước của Sri Lanka.

Ngôn ngữ của bà giống với nội dung trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở của Hoa Kỳ, tài liệu mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cập ban đầu vào năm 2017 và được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tiết lộ cách đây hai tháng. Được xây dựng xung quanh ba trụ cột - an ninh, kinh tế và quản trị - chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương là phản ứng của Washington đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la của Trung Quốc tại Sri Lanka cũng như vị trí địa lý của hòn đảo đã khiến Washington chú ý khi Hoa Kỳ cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của họ từ Bờ Tây sang Ấn Độ. Các nguồn tin ngoại giao của phương Tây tại Colombo nói rằng sự mở rộng của Trung Quốc về mặt kinh tế tại Sri Lanka cũng đã thúc đẩy Nhật Bản và Australia tăng cường hợp tác quốc phòng với Sri Lanka.

Quý Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/doi-trong-voi-trung-quoc-my-vap-gio-nguoc-tai-an-do-duong-20190812112052187.htm