Dồn lực gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu

Với quyết tâm rất cao, Việt Nam đang nỗ lực xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế của tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC) trong thời gian sớm nhất.

Bộ đội biên phòng Cà Mau phát tờ rơi tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong đánh bắt thủy sản

Bộ đội biên phòng Cà Mau phát tờ rơi tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong đánh bắt thủy sản

Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế từ việc khai thác IUU

Chiều 7-10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 4.

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Riêng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu một lượng hàng hóa trị giá 47,15 tỷ USD sang thị trường EU, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Đặc biệt, EU nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, sau Mỹ và Trung Quốc và trước Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tỷ USD của Việt Nam năm 2022, thị trường EU đóng góp 1,3 tỷ USD.

Đông Nam Á là một trong những khu vực cung cấp hải sản lớn nhất thế giới nhưng tại đây khá phổ biến tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Điều này khiến cho nguồn lợi hải sản bị khai thác quá mức, thậm chí cạn kiệt. Ngành thủy sản Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức từ việc khai thác IUU, bao gồm đánh bắt và khai thác thủy sản trái với luật pháp quốc gia, khu vực và quốc tế (bất hợp pháp); không báo cáo, báo cáo sai hoặc báo cáo thiếu thông tin về hoạt động đánh bắt và khai thác (không báo cáo); khai thác thủy sản bằng tàu, thuyền không nằm dưới sự quản lý quốc gia (không theo quy định); đánh bắt trong những khu vực hoặc nguồn lợi thủy sản mà không có biện pháp quản lý hoặc bảo tồn (không theo quy định)…

Tháng 10-2017, Việt Nam nhận “thẻ vàng” do một số ngư dân chưa chấm dứt việc khai thác hải sản bất hợp pháp. Điều này khiến cho hàng thủy sản của nước ta khi nhập vào EU bị tăng cường kiểm tra với thời gian kéo dài, làm tăng cao chi phí.

Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam tích cực tham gia cuộc chiến chống khai thác IUU. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khoảng 6 năm triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, kết quả đã có những chuyển biến tích cực. Các ban, bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành phố ven biển đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thực hiện các khuyến nghị của EC, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.

Trải qua 3 lần thanh tra, EC khẳng định quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực. Song EC vẫn chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam do một số địa phương thiếu sự quyết liệt trong thực hiện các khuyến nghị cần thực hiện, còn để xảy ra tình trạng tàu cá xâm phạm ngư trường nước ngoài. Sau đợt thanh tra lần thứ 3 (vào tháng 10-2022) của EC đến nay, kết quả triển khai các khuyến nghị của EC tại địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, thực hiện chưa nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU nên rất khó để gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, nguy cơ bị cảnh báo “thẻ đỏ” là rất cao nếu không sớm giải quyết dứt điểm hiện trạng.

Tích cực chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra EC

Tại Việt Nam, ngành khai thác thủy sản chiếm một vị trí quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế biển của nước ta. Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 3,86 triệu tấn. Đánh bắt trên biển chiếm gần 43% tổng sản lượng thủy sản và chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay ngành khai thác nguồn lợi hải sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng tàu, thuyền phát triển một cách tự phát không theo quy hoạch, dẫn đến mất cân bằng về nghề trên các ngư trường. Tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản đang suy giảm rất nghiêm trọng, vẫn diễn ra hoạt động khai thác trái phép - sử dụng các nghề cấm, nghề khai thác hủy diệt như lưới kéo, lồng xếp, đăng, đáy, te, xiệp, rê...

Chính vì thế, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần đưa ra các giải pháp thiết thực để chấm dứt tình trạng khai thác IUU, tiếp tục thuyết phục EC gỡ “thẻ vàng”. Thủ tướng nhấn mạnh việc này vừa phải nỗ lực từ chính chúng ta, đồng thời phải cùng các nước liên quan kiểm tra, giám sát.

Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, kiên định, của Đảng, Nhà nước là các cấp, các ngành, người dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường biển, nguồn lợi thủy sảm trên đại dương; khai thác, đánh bắt trật tự, hiệu quả, bền vững; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc; thực hiện việc này chính là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc; không ngừng nâng cao ý thức của người dân trong thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ giữa xử lý, giáo dục và nâng cao đời sống của ngư dân; chăm lo giáo dục và tạo sinh kế cho người dân theo hướng tăng cường nuôi trồng, chế biến, giảm đánh bắt xa bờ.

Trong thực hiện các mục tiêu trên, vai trò của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, đặc biệt là cấp cơ sở, rất quan trọng, nhất là trong công tác quản lý Nhà nước, tạo công ăn việc làm ổn định, lâu dài; quy hoạch lại việc khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; xây dựng quy trình đánh bắt bền vững. Chính quyền các cấp phải nâng cao tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ, quản lý công dân, tuyên truyền giáo dục nhưng đi đôi với chia sẻ khó khăn, hỗ trợ tạo sinh kế của người dân. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những sai phạm kéo dài liên quan IUU tại địa phương; phải coi việc này là tiêu chí để đánh giá cán bộ; nơi nào để xảy ra sai phạm nghiêm trọng liên quan IUU thì chưa hoàn thành trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm.

Để chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra EC, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị đầy đủ tài liệu, trung thực, thể hiện quan điểm Việt Nam làm việc này là vì lợi ích đất nước, cho chính người dân Việt Nam; đồng thời cũng đề nghị EC chia sẻ với Việt Nam những yếu tố khách quan trên tinh thần hợp tác, hữu nghị.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/don-luc-go-the-vang-cua-uy-ban-chau-au-post554140.antd