Đơn thuốc bị... bỏ quên

Trong khi ngành Y tế liên tục cảnh báo nguy cơ kháng kháng sinh, biến chứng thuốc và các rủi ro sức khỏe do tự ý dùng thuốc gây ra, thì tại một số nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân, tình trạng bán thuốc kê đơn mà không cần đơn thuốc vẫn đang diễn ra phổ biến. Chế tài xử phạt thì đã rõ, mức phạt cũng không nhẹ, nhưng cả người bán, cơ quan quản lý đều... phớt lờ.

Mua gì bán nấy

Trong vai người cần mua thuốc trị viêm tai, chúng tôi đến một nhà thuốc nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Điện Biên Phủ để hỏi mua thuốc nhỏ tai ILLIXIME (Ofloxacin 0.3%). Đây là loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm kê đơn, thường dùng trong điều trị viêm tai giữa, viêm tai ngoài. Thế nhưng, mọi thứ diễn ra như thể đó là chuyện hết sức bình thường: Người bán không hỏi triệu chứng, không yêu cầu đơn thuốc hay bất kỳ giấy chỉ định nào từ bác sĩ rồi nhanh chóng đưa thuốc cho người mua.

ILLIXIME (Ofloxacin 0.3%) là loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm kê đơn nhưng nhân viên tại một nhà thuốc trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Điện Biên Phủ không cần hỏi đơn thuốc mà vẫn bán cho người mua.

ILLIXIME (Ofloxacin 0.3%) là loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm kê đơn nhưng nhân viên tại một nhà thuốc trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Điện Biên Phủ không cần hỏi đơn thuốc mà vẫn bán cho người mua.

Cách đó không xa, tại một nhà thuốc tư nhân khu vực chợ Trung tâm 1, phường Điện Biên Phủ, chúng tôi tiếp tục hỏi mua thuốc AMOXICILLIN 500mg (dạng viên nang màu nâu - vàng), một loại kháng sinh PENICILLIN phổ biến, thuộc danh mục thuốc kê đơn, cần được sử dụng đúng liều và đúng chỉ định để tránh tình trạng kháng thuốc. Không cần bất kỳ câu hỏi nào về triệu chứng hay đơn kê, người bán nhanh chóng lấy vỉ thuốc từ ngăn kéo rồi hướng dẫn liều dùng. Một lần nữa, không có bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến đơn thuốc.

Người bán vi phạm quy định, người mua thì thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe dẫn đến tình trạng tự ý mua và sử dụng thuốc một cách phổ biến, khó kiểm soát. Chị Nguyễn Thị Thanh H., tổ 21, phường Điện Biên Phủ (phường Him Lam cũ) bộc bạch: Gia đình tôi có trẻ nhỏ, mỗi khi con ho, sốt nhẹ tôi thường ra khu vực gần nhà mua thuốc cho uống chứ không đi khám. Nếu chưa rõ cách dùng, người bán cũng hướng dẫn nên tôi làm theo.

Tại một nhà thuốc gần chợ Trung tâm 1, phường Điện Biên Phủ, thuốc kê đơn AMOXICILLIN 500mg cũng được nhân viên bán cho khách hàng mà không hỏi đơn thuốc của bác sĩ.

Tại một nhà thuốc gần chợ Trung tâm 1, phường Điện Biên Phủ, thuốc kê đơn AMOXICILLIN 500mg cũng được nhân viên bán cho khách hàng mà không hỏi đơn thuốc của bác sĩ.

Chị H. cũng cho biết, với tâm lý ngại đưa con đến bệnh viện vì đông đúc, mất thời gian, lại sợ con phải làm nhiều xét nghiệm, chị thường ưu tiên cách xử lý tại nhà. Thấy con đỡ bệnh là coi như yên tâm, còn khi không khỏi mới tính chuyện đi khám.

Cần siết chặt quản lý

Việc bán thuốc kê đơn mà không cần đơn thuốc nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Người bệnh dùng sai thuốc, sai liều lượng không chỉ khiến bệnh nặng thêm mà có thể gặp tác dụng phụ nguy hiểm. Đặc biệt, với nhóm thuốc kháng sinh, lạm dụng và dùng sai chỉ định hoặc tự ý sử dụng khi chưa có chẩn đoán của bác sĩ là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng thuốc, đa kháng thuốc.

Cơ quan chức năng kiểm tra các nhà thuốc tư nhân trên địa bàn phường Điện Biên Phủ.

Cơ quan chức năng kiểm tra các nhà thuốc tư nhân trên địa bàn phường Điện Biên Phủ.

Trước thực trạng này, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nhiều năm qua liên tục đưa ra các cảnh báo về tình trạng sử dụng kháng sinh không đúng quy định; đồng thời nêu rõ, nếu không kiểm soát tốt việc bán và sử dụng kháng sinh, hệ thống y tế sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc hiệu quả để cứu chữa người bệnh, nhất là các ca nhiễm khuẩn nghiêm trọng, làm giảm hiệu quả cứu chữa và gia tăng gánh nặng điều trị.

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh cùng các lực lượng chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động bán lẻ thuốc trên địa bàn. Nhiều đoàn kiểm tra được tổ chức định kỳ và đột xuất tập trung vào các nội dung như: Điều kiện kinh doanh dược, việc lưu hành thuốc, việc tuân thủ quy định bán thuốc kê đơn, nhất là với nhóm thuốc kháng sinh và thuốc điều trị bệnh mạn tính. Tuy nhiên, qua kiểm tra, vẫn còn không ít nhà thuốc chưa thực hiện nghiêm quy định, trong đó có việc bán thuốc kê đơn mà không yêu cầu đơn thuốc.

Một cán bộ Phòng nghiệp vụ Y dược (Sở Y tế) thẳng thắn nhìn nhận: Bán thuốc kê đơn mà không cần đơn thuốc của bác sĩ là thực trạng diễn ra phổ biến không riêng gì địa bàn nào, hoặc tỉnh nào. Dù trong các đợt kiểm tra, lực lượng chức năng có phát hiện những trường hợp như vậy nhưng chủ yếu mới dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền, chưa xử phạt hành chính.

Theo quy định tại Điều 78 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc của bác sĩ có thể bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với cá nhân; từ 6 - 10 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Mức phạt có thể tăng nặng nếu vi phạm nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng.

Thiết nghĩ, bên cạnh tuyên truyền, các cơ sở vi phạm cần bị xử lý nghiêm theo quy định, tránh tình trạng “nhắc cho có”. Chỉ khi người bán tuân thủ pháp luật, người dân nâng cao hiểu biết khi dùng thuốc, thì việc quản lý dược phẩm mới thật sự hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

P.V

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/suc-khoe/don-thuoc-bi-bo-quen