Đón voi về nhà vui như đón dâu, tiễn voi đi như tiễn người đã khuất
Người dân Đắk Lắk xem voi như một thành viên trong gia đình. Khi voi chết, họ cũng lập mộ, làm các thủ tục chôn cất voi như chôn cất người chết.
Trao đổi với PLO, Y Thanh Uông (61 tuổi, tên thường gọi là Ma Quốc, ngụ xã Liên Sơn Lắk, tỉnh Đắk Lắk), cho biết đã chôn cất voi H’Khăm tại nghĩa trang và sẽ làm bia mộ cho voi.
Thức trắng đêm đưa voi về nghĩa trang
Đặt dưa hấu và nải chuối lên mộ voi H’Khăm, nước mắt Ma Quốc chực chờ rơi xuống. Ông Quốc cho biết khi voi H’Khăm chết, lòng ông đau như mất đi một người thân trong gia đình. Nhiều đêm qua, ông ngủ không đủ giấc vì trăn trở, đau xót.

Người thân đau xót ôm lấy xác voi H'Khăm khóc lóc. Ảnh: M.Q
Theo lời chủ voi, sáng 17-7, voi H’Khăm được phát hiện chết trong rừng, nghi bị trượt chân, té xuống đất và bị cây rừng đâm thủng ruột. Đến chiều cùng ngày, lực lượng chức năng mới thực hiện xong công tác khám nghiệm, bàn giao xác voi cho chủ voi chôn cất.
Do voi H’khăm nặng khoảng 4 tấn nên gia đình thuê hai chiếc máy múc, dự định mở đường lên rừng kéo xác voi xuống. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm không đồng ý vì phương án trên sẽ gây ảnh hưởng đến cây rừng.

Người dân đắp chăn phủ lên xác voi H'Khăm. Ảnh: M.Q
Rất may, lúc đó người thân, bà con các buôn làng lân cận nghe tin và đồng cảm, thấu hiểu sự mất mát của gia đình Ma Quốc nên đã cùng nhau lên rừng hỗ trợ.
“Hôm đó trời mưa, đường trơn trượt nhưng gần 100 người dân đã không ngại khó khăn để lên rừng, hỗ trợ gia đình tôi đưa xác voi H’Khăm về nghĩa trang” - ông Ma Quốc nói.
Vẫn lời chủ voi, ngoài người dân, còn có 3 con voi trong vùng được huy động đến kéo xác voi H’Khăm khỏi rừng. Một số người khác thì ủng hộ đồ ăn, nước uống và tìm khăn để đắp lên xác voi.
Do đường trơn, ngoài việc kéo, mọi người còn phải buộc dây để níu phía sau, phòng trường hợp xác voi bị trượt, lăn xuống dưới.
“Đoạn đường từ nơi H’Khăm chết đến đường bê tông chỉ khoảng 300 m. Tuy nhiên, việc đưa xác voi xuống rất khó khăn, phải mất 5 giờ đồng hồ mới xong. Sau đó, chúng tôi phải mất thêm 7 giờ đồng hồ nữa mới đưa xác voi đến nghĩa trang và chôn cất voi. Hôm đi chôn cất voi, chúng tôi đã thức trắng” - Ma Quốc kể.
Chủ voi H’Khăm nói thêm, có cả những người không quen biết đã đồng cảm, chung sức hỗ trợ ông đưa xác voi H’Khăm khỏi rừng. Thậm chí, có người còn dỡ hàng rào lưới B40, chấp nhận bị hư hỏng cây cối cho kéo xác voi qua rẫy để đỡ tốn thời gian, công sức khiến ông rất cảm kích, biết ơn.

Ma Quốc và voi H'Khăm. Ảnh: M.Q
“Khi tôi quay lại nương rẫy, tính dựng lại hàng rào thì họ bảo tôi cứ về lo cho voi. Họ nói tôi mất cả con voi là thiệt thòi quá lớn, họ bị ảnh hưởng vài cây trong rẫy thì không vấn đề gì” - ông Ma Quốc nhớ lại.
Chôn cất voi cũng như chôn người chết
Theo lời Ma Quốc, voi H’Khăm đã gắn bó với gia đình ông hàng chục năm qua. Khi đón H’Khăm về, gia đình ông mừng như đón một "nàng dâu" nên mổ heo, thịt gà để đãi bà con xóm giềng, ai nấy đều vui mừng vì buôn làng có thêm một thành viên mới.

Ma Quốc và tấm ảnh voi H'Khăm cùng "bạn trai" thân thiết với nhau. Ảnh: H.T
Ma Quốc nói ông đưa H’Khăm về nhà chăm sóc vì khi quan sát, thấy "nàng voi" này có tướng mắn đẻ. Ông cũng hy vọng rất nhiều về việc H’Khăm sẽ tìm được bạn tình, sớm đẻ cho gia đình ông một chú voi con.
Năm 2016, H’Khăm mang bầu, gia đình Ma Quốc vui sướng, khoe khắp buôn làng. Tuy nhiên, việc sinh nở của H’Khăm gặp bất trắc, voi con bị chết ngạt trong bụng mẹ trước khi chào đời.
Tiếc thương cho số phận voi con, Ma Quốc lập mộ, chôn cất voi con tại nghĩa trang buôn Cuôr, xã Liên Sơn Lắk.
Vừa qua, H’Khăm đến kỳ động dục. Thuận theo tự nhiên, Ma Quốc cho H’Khăm vào rừng, sinh sống cùng “người yêu” là voi đực Thông Răng.

Ma Quốc kể về voi H'Khăm. Ảnh: T.T
Theo lời Ma Quốc, khả năng đêm 16-7, H’Khăm và Thông Răng giao phối. Tuy nhiên, do trời mưa, đất trơn trượt nên khi voi Thông Răng nhảy lên thì voi H’Khăm bị trượt chân, té xuống và bị gốc cây dưới đất đâm trúng bụng nên chết.
Theo ghi nhận của PLO, mộ voi H’Khăm cao khoảng 1,5m, dài khoảng 3m, rộng khoảng 4m. Địa điểm chôn cất voi H'Khăm là khu đất thuộc nghĩa trang buôn Cuôr, cách mộ voi con khoảng 20m.

Ma Quốc đặt trái cây lên mộ voi H'Khăm. Ảnh: T.T
“Mộ mẹ con H’Khăm được đặt gần mộ của mẹ và dì tôi. Họ là những người đã chăm sóc voi trước đây. Khi chôn cất voi, tôi cũng để đầu voi H’Khăm hướng về mộ mẹ và dì, tạo sự liên kết tâm linh” - ông Ma Quốc chia sẻ.
“Nàng voi” nhiều lần cõng cô dâu, chú rể
Theo Ma Quốc, khi còn sống, voi H’Khăm rất nhiều lần được trang điểm để đi rước dâu, đón rể.
“H’Khăm hiền lành nên được rất nhiều người thích và nhờ rước dâu, đón rể trong ngày cưới. Khi con ruột, con nuôi của tôi cưới đều nhờ H’Khăm đến cõng cô dâu, chú rể” - ông Ma Quốc chia sẻ.
Nơi chôn cất voi H'Khăm là khu đất thuộc nghĩa trang buôn Cuôr. Ảnh: T.T
Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng (Trung tâm bảo tồn voi) Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh Đắk Lắk còn 33 cá thể voi nhà.
Về cái chết của voi H’Khăm, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk xác định trên xác voi có một lỗ thủng ở phần bụng, các bộ phận khác còn nguyên vẹn. Qua đó, Trung tâm Bảo tồn voi xác định voi H’Khăm chết là do tai nạn, không có dấu hiệu tác động của con người.