Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực cứu tôm nuôi

Tôm là thế mạnh của các địa phương ven biển đồng bằng sông Cửu Long giúp nhiều hộ nuôi vươn lên khá giả. Thế nhưng, thời gian gần đây, người nuôi tôm lâm vào khủng hoảng trầm trọng khi xuất khẩu ì ạch, giá giảm mạnh, môi trường nuôi ô nhiễm khiến tôm chết tràn lan…

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích tôm nuôi ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu bị thiệt hại, do đó, người dân thu hoạch tôm sớm hơn thường kỳ. Ảnh: Phương Nghi

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích tôm nuôi ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu bị thiệt hại, do đó, người dân thu hoạch tôm sớm hơn thường kỳ. Ảnh: Phương Nghi

Tôm nuôi chết trên diện rộng

Từ đầu năm 2020 đến nay, người nuôi tôm ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long phải “vật lộn” với thời tiết để tìm cách cứu lấy con tôm. Niềm vui trúng mùa ngày càng thưa dần trên vùng đất được mệnh danh là “mỏ tôm” của cả nước. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người nuôi tôm đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì giá tôm biến động liên tục. So với cùng kỳ năm trước, giá tôm năm nay giảm sâu và kéo dài chưa từng có. Mặc dù hiện tại, giá có nhích lên nhẹ nhưng vẫn còn khá thấp. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg hiện có giá bình quân 170.000 đồng/kg; loại 30 con/kg là 140.000 đồng/kg; tôm thẻ giá dao động từ 79.000 – 90.000 đồng/kg.

Bạc Liêu hiện có 125.859ha nuôi trồng thủy sản, trong đó, diện tích nuôi tôm là 114.599ha. Hình thức nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 7.000ha tôm nuôi bị thiệt hại nặng. Trong đó, có gần 2.000ha bị thiệt hại từ 70% trở lên, chủ yếu tập trung ở huyện Phước Long.

Ngoài nguyên nhân nắng nóng kéo dài thì nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại còn do nguồn nước trên các kênh rạch bị ô nhiễm nặng, khiến bệnh phát sinh và lây lan. Đặc biệt, nhiều kênh, rạch có độ mặn quá cao đã ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Một số hộ dân do nóng ruột nên đánh bạo thả giống, bất chấp điều kiện thời tiết bất lợi và hậu quả là tôm giống thả đến đâu thì thiệt hại đến đó.

Ông Nguyễn Hoàng Sang, ở ấp Cây Gừa, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu cho biết: “Tôi nuôi tôm nhiều năm, nhưng chưa bao giờ thấy khó khăn như năm nay. Từ trước Tết Canh Tý 2020 đến giờ, thời tiết nắng nóng làm cho tôm dễ bị chết. Nếu tôm không chết vì sốc môi trường thì cũng chết vì bệnh. Tôi có 5 ao nuôi tôm với diện tích 12 công và đã bị thiệt hại liên tiếp 4 vụ, lỗ hơn 100 triệu đồng. Giờ tôi chỉ biết phơi ao để chờ thời tiết thuận lợi hơn mới thả tôm giống”.

“Để ngành nuôi tôm ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, rất cần sự đồng hành, những định hướng kịp thời của ngành chức năng để người dân có thể làm giàu từ con tôm. Đó là tiếp tục đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và ương dưỡng giống tập trung theo quy hoạch chung của ngành, từng bước chủ động nguồn giống tại chỗ cung ứng nhu cầu phát triển sản xuất thủy sản. Giám sát, xử lý để giảm thiểu các nguồn xả thải ảnh hưởng môi trường nuôi tôm; đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các quy định về quản lý, phòng ngừa khi có dịch bệnh xảy ra, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan diện rộng” - Ông Châu Công Bằng cho biết.

Tại Sóc Trăng, mặc dù mới bước vào đầu vụ thả nuôi, nhưng hiện tượng tôm chết sớm do đốm trắng và đặc biệt do hội chứng hoại tử gan tụy cấp vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi. Ông Nguyễn Văn Hùng, ở ấp Tân Hưng, xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu cho biết, ông vừa đầu tư hơn 200 triệu đồng vào 5 ao tôm công nghiệp, nhưng mới chỉ thả được khoảng một tháng thì tôm bắt đầu mắc bệnh rồi chết trắng cả ao, mất hết vốn. Từ đầu năm đến nay, nếu 10 hộ nuôi tôm thì có tới 8 – 9 hộ thua lỗ, chỉ 1 – 2 hộ hòa vốn hoặc lãi chút đỉnh, khiến nông dân thiệt hại trăm bề. Giờ đây, bà con chỉ nuôi tôm cầm chừng chứ không ai tính chuyện làm ăn lớn.

Còn nông dân Trần Quang Hiên, trú tại ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho hay: “Khi dịch Covid-19 hoành hành, giá tôm giảm sút nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi tình hình xuất khẩu. Hiện nay, giá tôm đã nhích lên nhưng vẫn ở mức thấp so với những năm trước. Giá tôm giảm mạnh và kéo dài đã khiến cho việc tái đầu tư của người nuôi tôm gặp khó khăn. Ngoài ra, tình trạng nắng nóng kéo dài có thể sẽ kéo theo tình trạng dịch bệnh trên tôm, năng suất giảm”.

Cần có giải pháp dài hơi

Không chỉ gặp khó khăn về thời tiết, môi trường, giá tôm lên xuống bất thường cũng khiến người nuôi lao đao và lo lắng. Thời gian gần đây, dù thị trường tiêu thụ tôm của thế giới đã mở cửa trở lại, nhưng sức tiêu thụ vẫn chưa tăng mạnh, giá tôm tuy có cải thiện nhưng không nhiều.

Tại Cà Mau, tôm được xác định là thủy sản chủ lực, chế biến tôm là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD mỗi năm. Cà Mau có 29 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản với 39 nhà máy, tổng công suất 185.000 tấn/năm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người nuôi tôm ở Cà Mau đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì giá tôm biến động liên tục.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: “Nửa đầu quý II-2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 195 triệu USD, bằng 16% kế hoạch (giảm 20% so cùng với kỳ năm 2019); trong đó, xuất khẩu thủy sản ước đạt 188,6 triệu USD, bằng 16% kế hoạch (giảm hơn 20% so với cùng kỳ)... Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu của tỉnh giảm, trong đó, lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm hơn 66%, Trung Quốc giảm 58%, Nga giảm 37%... Từ đó, lượng hàng tồn kho và lưu kho của các doanh nghiệp chế biến khoảng 17.000 tấn”.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đối với hơn 400 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 33 tỷ đồng. Ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin thu mua tôm để nông dân nắm bắt, tránh tình trạng thương lái thu mua ép giá, gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của người nông dân, cùng nhau gỡ khó trong điều kiện dịch bệnh. Hiện, tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu khi dịch bệnh được kiểm soát và tận dụng triệt để từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

“Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân không nóng vội thu hoạch những ao chưa đến thời điểm thu hoạch; tập trung sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chú trọng hình thành các liên kết theo chuỗi hiệu quả và bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thị trường...” - Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết.

Phương Nghi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-bang-song-cuu-long-no-luc-cuu-tom-nuoi-post429679.html