Đồng bào vùng cao đã bớt khó

Kết thúc năm 2020, huyện vùng cao Võ Nhai chỉ còn 9,58% hộ nghèo, giảm tới trên 26% so với năm 2016 (35,86%). Việc triển khai các chương trình, chính sách, đề án giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cũng như kết quả đã đạt được đã tác động tích cực tới mọi mặt đời sống xã hội, nâng cao đời sống của người dân huyện vùng cao này.

Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Võ Nhai giảm nghèo trung bình mỗi năm gần 5,3%, từ 35,86% hộ nghèo năm 2016 đã giảm xuống còn 9,58% năm 2020

Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Võ Nhai giảm nghèo trung bình mỗi năm gần 5,3%, từ 35,86% hộ nghèo năm 2016 đã giảm xuống còn 9,58% năm 2020

Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Để thiết thực nâng cao đời sống người dân, huyện Võ Nhai xác định nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn. Qua đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về giảm nghèo như: Gắn chương trình giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới cũng như các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm huy động tối đa nguồn lực cho công tác giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách. Đặc biệt, huyện thực hiện lồng ghép, triển khai đồng bộ có hiệu quả các chính sách và dự án giảm nghèo như: Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; dạy nghề và tạo việc làm cho hộ nghèo; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, xóm đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng ATK; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo…

Trung bình mỗi năm, Võ Nhai tạo việc làm cho 1,3 nghìn đến 1,45 nghìn lao động. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại xưởng gỗ của gia đình anh Hồ Văn Chiến, xóm Làng Chiềng, xã Lâu Thượng với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng.

Trung bình mỗi năm, Võ Nhai tạo việc làm cho 1,3 nghìn đến 1,45 nghìn lao động. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại xưởng gỗ của gia đình anh Hồ Văn Chiến, xóm Làng Chiềng, xã Lâu Thượng với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng.

Võ Nhai cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa với quy mô trang trại vừa và nhỏ; mở rộng các hoạt động đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho lao động nông thôn; mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, thôn, xóm; tập huấn cho nhân dân về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo và nguồn vốn Chương trình 135, toàn huyện đã đầu tư trên 80 tỷ đồng xây dựng 38 công trình cho các xóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung xây dựng được 212,4km đường và 14 cầu tràn; xây dựng 14,157km kênh mương và 4 đập dâng; xây mới 9 nhà văn hóa xã, 81 nhà văn hóa xóm… với tổng mức đầu tư trên trên 288 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng đầu tư trên 20 tỷ đồng hỗ trợ triển khai 57 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với hơn 7,5 nghìn hộ được hưởng lợi; đầu tư trên 2,2 tỷ đồng xây dựng được 8 mô hình giảm nghèo, với 44 hộ được hưởng lợi... Thông qua các chính sách giảm nghèo, toàn huyện đã tạo việc làm cho từ 1,3 nghìn đến 1,45 nghìn lao động mỗi năm; hỗ trợ tiền điện cho trên 19,1 nghìn lượt hộ nghèo; hỗ trợ làm nhà ở cho gần 600 hộ nghèo...

Học sinh Phân trường Bản Tèn, Trường Tiểu học Phú Thượng được học trong lớp học kiên cố với khuôn viên sạch đẹp.

Học sinh Phân trường Bản Tèn, Trường Tiểu học Phú Thượng được học trong lớp học kiên cố với khuôn viên sạch đẹp.

Riêng với đồng bào người dân tộc thiểu số, trong giai đoạn 2014-2017, huyện Võ Nhai đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho gần 1,6 nghìn hộ nghèo dân tộc thiểu số với tổng số tiền hỗ trợ trên 2 tỷ đồng. Huyện thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề thông qua việc hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc để làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp cho trên 1,3 nghìn hộ dân tộc thiểu số với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017-2020, hộ nghèo tại các vùng đặc biệt khó khăn ngoài việc được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán còn được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Sau 3 năm thực hiện, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Võ Nhai đã cho 90 hộ dân vay với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng. Qua đó, giúp nhiều hộ dân có vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mua sắm thêm máy móc, phát triển kinh tế.

Kết quả là, trong giai đoạn 2016-2020, huyện Võ Nhai giảm nghèo trung bình mỗi năm gần 5,3%, từ 35,86% hộ nghèo năm 2016 đã giảm xuống còn 9,58% năm 2020. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Kết quả công tác giảm nghèo từ các chương trình, chính sách, đề án đã tác động trực tiếp đến đời sống người dân đồng thời tác động tích cực đến sự phát triển chung toàn huyện. Trong giai đoạn 2016 2020, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 1 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả đó đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hào, công tác giảm nghèo ở Võ Nhai vẫn còn không ít khó khăn như: Chênh lệch thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, các vùng, các dân tộc vẫn còn cao; tình trạng thiếu đất canh tác nông nghiệp còn tồn tại ở nhiều vùng; người nghèo còn lúng túng trong lựa chọn phương thức thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm chưa thực sự bền vững. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở và tạo điều kiện để người dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên cơ sở tăng định mức, mở rộng đối tượng, trực tiếp tác động đến hộ nghèo trong việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, các chính sách bền vững giảm nghèo về đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ sinh kế, vay vốn tín dụng ưu đãi...

Hoàng Hưng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/dong-bao-vung-cao-da-bot-kho-280102-108.html