Đồng bộ các giải pháp để cải thiện chất lượng không khí Hà Nội

Từ ngày 1 đến 7-3, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được cải thiện theo hướng tốt hơn nhiều so với tuần trước. Tuy nhiên, sự cải thiện này không mang tính bền vững mà phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Do đó, các sở, ngành chức năng cần có giải pháp đồng bộ để cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội.

Đơn vị thi công tuyến đường đê tả Đáy (đoạn xã Song Phương, Hoài Đức) không tưới nước thường xuyên gây bụi bẩn, ảnh hưởng đến môi trường.

Theo kết quả phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), từ ngày 2 đến 5-3, cả 11 trạm quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn thành phố duy trì ở mức tốt và trung bình. Đặc biệt, ngày 5-3, chỉ số chất lượng không khí (AQI) duy trì ở ngưỡng 26-44 và không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, hai ngày cuối tuần (6 và 7-3), những khu vực có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao và nhiều công trình xây dựng như: Minh Khai, Phạm Văn Đồng và Hàng Đậu..., chỉ số AQI tăng, cao nhất ở ngưỡng 129 (mức kém), ảnh hưởng đến sức khỏe nhóm người nhạy cảm và người già, trẻ nhỏ khi hoạt động ngoài trời.

Theo ông Phạm Hải Dương, cán bộ Trung tâm Xử lý dữ liệu quan trắc môi trường (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội), trong tuần qua, thời tiết ở khu vực Hà Nội diễn biến thất thường. Những ngày đầu tuần, Hà Nội có mưa vừa và dông đã rửa trôi bụi mịn và các chất ô nhiễm, giúp chất lượng không khí cơ bản ở mức tốt. Hai ngày cuối tuần, không khí lạnh suy yếu, hết mưa, gió Đông Nam mang hơi ẩm ngoài Biển Đông vào sâu đất liền, tạo nên các dải hội tụ gây mù ẩm vào sáng sớm khiến bụi mịn từ công trình xây dựng và khí thải của phương tiện giao thông, đốt rác, hoạt động sản xuất ở làng nghề, điểm công nghiệp tích tụ không khuếch tán được, nên chỉ số AQI nhiều khu vực ở Hà Nội tăng mạnh trở lại và duy trì ở mức kém.

Một cơ sở sản xuất thực phẩm ở xã Cát Quế (Hoài Đức) thải khói ra môi trường.

Để hạn chế tình trạng gây ô nhiễm không khí, trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Chỉ thị 19/CT-UBND về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số AQI trên địa bàn thành phố. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định rõ khoảng thời gian ô nhiễm không khí cao nhất trong năm là từ tháng 11-12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Ở giai đoạn này, hình thái thời tiết diễn biến thất thường, thường xảy ra nghịch nhiệt khiến các chất ô nhiễm không thoát được, gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

Theo ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, Chỉ thị 19 của thành phố tập trung vào việc giao cho tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã hướng dẫn và tuyên truyền cho người dân các biện pháp bảo vệ môi trường. “Chúng ta phải xác định, việc gây ra ô nhiễm môi trường không khí nói riêng, ô nhiễm môi trường nói chung là do hoạt động của con người. Do đó, mọi người dân phải chung tay hành động và thay đổi nhận thức để bảo vệ môi trường” - ông Thái cho biết.

Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đun nấu bằng than tổ ong, không tự ý đốt rác thải tại nơi sinh sống. Chủ các doanh nghiệp vận tải, xây dựng, đơn vị thi công cầu đường bộ... cần thực hiện các biện pháp che chắn, tưới nước trong quá trình thi công, vận chuyển để hạn chế bụi phát thải gây ô nhiễm không khí. Đồng thời, lực lượng công an, thanh tra liên ngành xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xả thải ra môi trường. Về lâu dài, cơ quan nhà nước cần có các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch để bảo vệ môi trường...

Khi ý thức người dân thay đổi và sử dụng đồng bộ các giải pháp, chắc chắn chất lượng không khí ở Hà Nội sẽ được cải thiện theo hướng tốt lên.

Hoàng Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/960511/dong-bo-cac-giai-phap-de-cai-thien-chat-luong-khong-khi-ha-noi