Đồng chí Đào Duy Tùng với việc bảo vệ bản chất cách mạng và khoa học của Đảng

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những cống hiến rất lớn cho sự nghiệp cách mạng, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Với bản chất cách mạng kiên trung, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn luôn phấn đấu không mệt mỏi, không ngừng nghỉ cho lý tưởng cách mạng và đặc biệt là những đóng góp lớn lao cho công tác tư tưởng lý luận của Đảng, cũng như những đóng góp trong sự nghiệp đổi mới mà Đảng ta tiến hành đã phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổng kết thực tiễn để đưa cách mạng Việt Nam đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng, củng cố và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam. Chính những đóng góp đó cho thấy đồng chí không chỉ là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng mà còn là một nhà cách mạng, tư tưởng - lý luận xuất sắc mà lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là những con người làm công tác giáo dục lý luận chính trị, những người làm công tác tư tưởng - lý luận học tập và noi theo.

Hội thảo khoa học: “Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng" do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng.

Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã nêu một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Trưởng thành từ phong trào cách mạng của quần chúng ở cơ sở, lần lượt qua các cương vị lãnh đạo từ huyện, tỉnh đến cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trước sau đồng chí vẫn giữ trọn phẩm chất của người cộng sản cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư[1].Đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp to lớn với việc bảo vệ bản chất cách mạng và khoa học của Đảng. Ở đồng chí Đào Duy Tùng, niềm tin yêu lý tưởng cách mạng có cái gốc đạo đức vững chắc và một tầm trí tuệ cao, suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho thắng lợi của lý tưởng đó.

Sinh ra và lớn lên tại quê hương giàu truyền thống cách mạng Cổ Loa, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (nay là thành phố Hà Nội) trong một gia đình nhà nho yêu nước. Đồng chí Đào Duy Tùng đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng trong những phong trào quần chúng ở cơ sở. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, vừa tròn 21 tuổi tràn đầy sức trẻ của một người con Việt Nam yêu nước, sục sôi căm thù giặc, giải phóng quê hương đất nước, đồng chí tham gia cùng với các đồng chí khác lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền tại địa phương của mình. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với cương vị là cán bộ huyện, đồng chí được cử đi thành lập chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng nhân dân tại huyện Đông Anh. Cũng trong thời gian này, đồng chí đã được vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, đồng chí được Đảng và nhân dân tin tưởng giao nhiều cương vị, trọng trách trong Đảng cũng như trong Nhà nước, đặc biệt là trong công tác tư tưởng - lý luận và tuyên truyền.

Gắn bó với quá trình hoạt động công tác của mình trước và sau giải phóng đất nước cũng như trong công cuộc đổi mới của đất nước, đồng chí đã dành nhiều công sức cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần hình thành các Nghị quyết Đại hội III, IV, V, VI, VII, VIII, làm sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng thời, đồng chí cũng đã chỉ đạo các hoạt động giáo dục lý luận chính trị như: chỉ đạo biên soạn các giáo trình lý luận chính trị từ cơ sở, trung cấp đến cao cấp, chỉ đạo hoàn thành việc biên soạn Bộ giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền cương lĩnh, đường lối, chính sách qua các Nghị quyết Đại hội Đảng, đồng thời đồng chí cũng là một nhà báo của báo chí cách mạng Việt Nam với hàng trăm bài báo có giá trị lý luận chính trị sâu sắc, có tính giáo dục cũng như tính thuyết phục.

Đặc biệt, những cống hiến của đồng chí Đào Duy Tùng trong thời kỳ đổi mới rất lớn lao. Đất nước sau giải phóng, xây dựng nền kinh tế theo cơ chế quản lý hành chính, tập trung, bao cấp gặp phải vô vàn những khó khăn, yêu cầu phải tìm tòi, khảo nghiệm về lý luận cũng như cả về thực tiễn để từng bước đổi mới, vượt qua khó khăn, thách thức. Và đồng chí cũng là một trong những người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới của Đảng ta từ những năm 80 của thế kỷ XX. Trong suốt những năm đất nước tiến hành đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian thực tế xuống cơ sở, tiếp xúc với nhân dân, học hỏi kinh nghiệm nhân dân, lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp để lựa chọn những cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối đổi mới của Đảng. Được xem như là một cây bút xuất sắc của Đảng trong thời kỳ đổi mới với nhiều tác phẩm, đầu sách có giá trị như: “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”, “Một số vấn đề công tác tư tưởng của Đảng”, “Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế”, “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”… Ngoài ra, những nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của đồng chí cũng đã góp phần làm sáng tỏ lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Đảng ta đã tổng kết sau những chặng đường đổi mới.

GS, TS. Lê Hữu Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng những cống hiến của đồng chí Đào Duy Tùng biểu hiện ở ba mặt: Nắm vững lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn đổi mới với tinh thần độc lập, tự chủ, biện chứng, sáng tạo; Luận chứng khoa học về tính tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, làm rõ quy luật của cách mạng nước ta là độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; Góp phần làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Điều đáng nói là lý luận của đồng chí Đào Duy Tùng không phải sao chép từ các tác phẩm kinh điển, mặc dù đồng chí là một trong những người đọc nhiều các tác phẩm đó. Đồng chí Đào Duy Tùng kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng phê phán thái độ giáo điều trong nghiên cứu. Đối với đồng chí Đào Duy Tùng, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin đồng nghĩa với sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa đó. Làm công tác lý luận, phải từ thực tiễn cuộc sống, rà soát lại các quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định lại những gì là đúng đắn, khoa học, trước đúng và nay vẫn đúng; những gì trước đúng giờ phải bổ sung; những gì trước đúng nay thực tiễn đã vượt qua và những gì thực tiễn đã và đang diễn ra nhưng Mác - Lênin chưa đề cập, nay Đảng phải phát triển một cách sáng tạo để chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Ở đồng chí đã thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn.

Đồng chí Đào Duy Tùng là con người của đổi mới. Đồng chí ủng hộ ngay từ đầu những nhân tố đổi mới khi chúng còn đang manh nha. Ủng hộ “khoán 100” trước đây và ủng hộ “khoán 10” sau này. Bài viết 7 trang của đồng chí Đào Duy Tùng tại Hội nghị Trưởng ban nông nghiệp toàn quốc tổ chức ở Hải Phòng từ ngày 23 đến 26-2-1984 chỉ ra 3 điểm mới, tích cực trong phát triển nông nghiệp ba năm (1980-1983): Đã kết hợp tốt lao động với đất đai nên đã tạo ra bước phát triển nhiều mặt, nổi rõ là thâm canh lúa; xóa bỏ được một khâu của cơ chế quản lý cũ trong hợp tác xã nông nghiệp vốn nhiều năm kìm hãm tính tích cực của xã viên; khắc phục được tình trạng khá nghiêm trọng kéo dài, khôi phục được tính tích cực lao động và tăng lòng tin của người lao động… Cùng với 3 điểm “được” nêu trên, đồng chí lưu ý: Nhiều tiềm năng lao động chưa được khai thác; trên một số mặt, trận địa xã hội chủ nghĩa bị xâm lấn, thậm chí có chỗ giảm sút…

Từ nghiên cứu thực tế khoán trong nông nghiệp, đồng chí lần lượt giải đáp những thắc mắc, băn khoăn có phần “hóc búa”: Khoán có thu nhỏ kinh tế tập thể; có làm tan rã chăn nuôi; có phá vỡ cơ sở vật chất - kỹ thuật và tâm lý tư hữu có phát triển không?... Đồng chí thường nhắc cán bộ tư tưởng cần thấm sâu lời của Gớt: “Mọi lý luận đều là mầu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Theo phương châm đó, những lời giải đáp của đồng chí đầy sức thuyết phục vì sáng rõ tính khoa học và tính thực tiễn[2].

Ủng hộ quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật khi chuẩn bị văn kiện Đại hội VI. Là thành viên của Tổ biên tập Báo cáo chính trị mà đồng chí Đào Duy Tùng là Tổ phó, đồng chí Hà Đăng[3] không quên những cuộc thảo luận gay cấn lúc đó. Cái khó của Tổ biên tập không phải là viết như thế nào mà là viết về cái gì và “cái gì” đó được nhận thức ra sao? Không thể đánh giá đúng tình hình kinh tế - xã hội nguy nan lúc đó cũng như những nguyên nhân của nó nếu không nhìn thẳng vào sự lãnh đạo của Đảng trên ba mặt: bố trí cơ cấu kinh tế (cơ cấu sản xuất và cơ cấu đầu tư); tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và công thương nghiệp; thực thi cơ chế quản lý (kế hoạch hóa tập trung, bao cấp hay kế hoạch hóa kết hợp với thị trường). Đồng chí Đào Duy Tùng đã cùng Tổ biên tập chuẩn bị văn bản kiến nghị với Tiểu ban Văn kiện trình Bộ Chính trị thảo luận và có kết luận dứt khoát về ba vấn đề đó. Kết luận của Bộ Chính trị Trung ương khóa V (ngày 20-9-1986) về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế, sau này vẫn quen gọi là Kết luận về ba quan điểm (đổi mới) đã thực sự mở một khâu đột phá cho việc sửa chữa bản dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội VI thông qua.

Sau Đại hội VI, trong cương vị Ủy viên dự khuyết rồi Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương, lại được giao nhiệm vụ Thường trực Ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị và Chiến lược kinh tế - xã hội trình Đại hội VII, đồng chí Đào Duy Tùng đã góp phần tích cực của mình vào việc xây dựng những văn kiện trọng yếu đó của Đảng, và một lần nữa tỏ rõ là con người của đổi mới. Báo cáo chính trị tại Đại hội VII của Đảng đã nêu lên những bài học chủ yếu, trong đó bài học đầu tiên là: “Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nội dung của bài học là: “Xác định rõ đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là quan niệm đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội và thực hiện mục tiêu ấy bằng những hình thức, bước đi và biện pháp phù hợp. Kết hợp sự kiên định về nguyên tắc và chiến lược cách mạng với sự linh hoạt, sáng tạo trong sách lược, nhạy cảm nắm bắt cái mới”. Bài học đó còn nêu rõ: “Đổi mới phải được thực hiện trên cơ sở bảo vệ, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và những thành tựu cách mạng đã đạt được. Phê phán nghiêm túc sai lầm, khuyết điểm phải đi đôi với khẳng định những việc làm đúng, không phủ nhận sạch trơn quá khứ, không hoang mang, mất phương hướng, từ thái cực này chuyển sang thái cực khác”.

Đồng chí Đào Duy Tùng cho rằng việc Đại hội VII của Đảng khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam là một thành tựu mới về tư duy của Đảng.

Trong chuẩn bị Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994), đồng chí đã đóng góp vào việc hình thành công thức “bốn nguy cơ” khi nói về những thách thức đặt ra cho đất nước ta: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới do điểm xuất phát thấp, nhịp độ tăng trưởng chưa cao và chưa vững chắc, lại phải đi lên trong môi trường cạnh tranh gay gắt; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ nạn quan liêu; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Các nguy cơ đó có liên quan mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau.

Chuẩn bị Đại hội VIII của Đảng, đồng chí viết cuốn “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, góp một tiếng nói quan trọng vào việc tổng kết thực tiễn mười năm đổi mới.

Trong chuẩn bị Văn kiện Đại hội VIII (năm 1996), đồng chí có đóng góp lớn vào Đánh giá tổng quát 10 năm đổi mới như sau:

“Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc.

Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…”.

Đánh giá tổng quát ấy còn nêu rõ:

“Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn.

Xét trên tổng thể, việc hoạch định đường lối đổi mới những năm qua về cơ bản là đúng đắn, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy trong quá trình thực hiện có một số khuyết điểm, lệch lạc lớn và kéo dài dẫn đến chệch hướng ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, ở mức độ này hay mức độ khác”.

Có thể nói, “ba quan điểm kinh tế”, “bốn nguy cơ” và “hai điều đánh giá tổng quát” về 10 năm đổi mới là công trình tập thể của Đảng ta nhưng đồng chí Đào Duy Tùng là người có công khái quát về mặt lý luận[4].

Đồng chí lưu ý: “Phải mở rộng dân chủ nhưng dân chủ phải đi đôi với pháp luật, tôn trọng pháp luật. Quá trình mở rộng dân chủ vừa phải đấu tranh với những hành động vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, vừa phải đấu tranh với những khuynh hướng dân chủ cực đoan, dân chủ tư sản, và không để cho kẻ xấu, kẻ địch lợi dụng để chống chế độ ta”.

Đồng chí Đào Duy Tùng nhấn mạnh: “Trong quá trình hình thành các quan niệm mới, phải phát hiện được các vấn đề quan trọng có những nhận thức không thống nhất, thẳng thắn vạch ra các quan điểm khác nhau, nêu một cách khách quan lập luận của mỗi quan điểm để thảo luận. Trong sinh hoạt của một cấp ủy, một tập thể cán bộ lý luận, v.v. phải phát huy tự do tư tưởng, thảo luận dân chủ, nói thẳng, nói thật, không định kiến. Phải lắng nghe những ý kiến khác mình. Ngay những ý kiến cho là sai cũng gợi ý cho mình nhiều suy nghĩ, hoặc ngay những ý kiến mình cho là không đúng cũng cần bình tĩnh xem có nhân tố gì hợp lý. Đó là sinh hoạt bình thường trong Đảng. Nhưng mặt khác, phải thấy rõ chúng ta đứng trước tình hình là các thế lực thù địch, cơ hội chủ nghĩa trong nước và ngoài nước đang tiến công về tư tưởng, lý luận, nhằm làm cho ta đi chệch khỏi con đường đã lựa chọn. Cho nên trong quá trình bảo đảm sinh hoạt tư tưởng, lý luận theo nguyên tắc của Đảng, không thể buông lỏng cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm thù địch, cơ hội”[5].

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những cống hiến rất lớn cho sự nghiệp cách mạng, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Với bản chất cách mạng kiên trung, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn luôn phấn đấu không mệt mỏi, không ngừng nghỉ cho lý tưởng cách mạng và đặc biệt là những đóng góp lớn lao cho công tác tư tưởng lý luận của Đảng, cũng như những đóng góp trong sự nghiệp đổi mới mà Đảng ta tiến hành đã phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổng kết thực tiễn để đưa cách mạng Việt Nam đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng, củng cố và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam. Chính những đóng góp đó cho thấy đồng chí không chỉ là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng mà còn là một nhà cách mạng, tư tưởng - lý luận xuất sắc mà lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là những con người làm công tác giáo dục lý luận chính trị, những người làm công tác tư tưởng - lý luận học tập và noi theo.

[1] Lời điếu củaBan Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khi đồng chí Đào Duy Tùng qua đời (tháng 6-1998)

[2] Nguyễn Hồng Vinh, Mấy cảm nhận về tư duy lý luận của đồng chí Đào Duy Tùng, https://tuyengiao.vn/may-cam-nhan-ve-tu-duy-ly-luan-cua-dong-chi-dao-duy-tung-62548

[3] Hà Đăng, Đào Duy Tùng - Nhà tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng thời kỳ đầu đổi mới, https://www.tuyengiao.vn/dao-duy-tung-nha-tu-tuong-va-ly-luan-xuat-sac-cua-dang-thoi-ky-dau-doi-moi-62565

[4] Hà Đăng, Đồng chí Đào Duy Tùng - con người của đổi mới, https://tapchicongsan.org.vn/en/thong-tin-ly-luan/-/2018/27378/dong-chi-dao-duy-tung---con-nguoi-cua-doi-moi.aspx

[5] Đào Duy Tùng, Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.

Thu Huyền

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/ly-luan-thuc-tien/dong-chi-dao-duy-tung-voi-viec-bao-ve-ban-chat-cach-mang-va-khoa-hoc-cua-dang-20947